Văn Lãng: Khai mạc lễ hội Hồng vành khuyên và Ngày hội văn hóa các dân tộc
- Tối 1/11, UBND huyện Văn Lãng tổ chức khai mạc Lễ hội Hồng vành khuyên và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Văn Lãng. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo 11 huyện, thành phố; đoàn đại biểu các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương; đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh; Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Phát biểu khai mạc lễ hội, lãnh đạo UBND huyện Văn Lãng khẳng định: Với đặc thù là một địa phương miền núi, biên giới Văn Lãng đã xác định khai thác thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung về cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày có thế mạnh như: hồng vành khuyên, hoa hồi, … đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt quả “hồng vành khuyên” với vị ngọt mát, thơm ngon đặc trưng và mẫu mã đẹp đã trở thành một trong những loại cây đặc sản của huyện Văn Lãng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Quả hồng vành khuyên thuộc nhóm hồng ngâm, được trồng lâu đời trên địa bàn toàn huyện Văn Lãng với tổng diện tích trồng hồng đạt trên 1.390 ha, hằng năm mang lại thu nhập gần 200 tỷ đồng cho những hộ trồng hồng.
Cùng với việc nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến xúc tiến thương mại đã góp phần quan trọng xây dựng thành công bước đầu thương hiệu Hồng vành khuyên Văn Lãng. Đặc biệt, quả hồng vành khuyên đã được chế biến theo hướng sản xuất hàng hóa góp phần nâng tầm giá trị nông sản như: sản phẩm hồng vành khuyên treo gió, hồng vành khuyên sấy dẻo, trà hồng, rượu hồng… đang được quan tâm đầu tư mở rộng chuỗi sản xuất liên kết và thị trường tiêu thụ.
Lễ hội Hồng vành khuyên và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Văn Lãng năm 2024 là dịp để huyện Văn Lãng giới thiệu về những sản phẩm văn hoá ẩm thực đặc trưng, những sản phẩm nông sản của địa phương. Qua đó, quảng bá, giới thiệu về sản phẩm quả hồng vành khuyên – sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện; đồng thời mở rộng kết nối giữa “4 nhà”: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản hồng vành khuyên theo hướng bền vững. Đây cũng là dịp tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Trong chương trình, các đại biểu và du khách đã được thưởng thức màn nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Bài ca quê hương” do Phòng Văn hoá thông tin Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông, Phòng GD&ĐT, CLB Nộc Khảm Khắc thị trấn Na Sầm thực hiện. Chương trình nghệ thuật gồm 3 phần với các chủ đề: Hoàng Văn Thụ - tên anh sáng mãi; trình diễn trang phục dân tộc và quê hương đổi mới. Với 8 tiết mục văn nghệ đặc sắc hát then, hát múa như: Văn Lãng quê em; Ngọt ngào điệu then; Mây trắng quê anh; Hội hồng vành khuyên; Anh có về Xứ Lạng; Đẹp mãi quê mình Lạng Sơn ơi;… đã mang đến những giai điệu đẹp ngợi ca về quê hương, đất nước. Trong phần 2 của chương trình nghệ thuật đã diễn ra màn trình diễn trang phục dân tộc của đồng bào huyện Văn Lãng cũng như các dân tộc Việt Nam gồm: trang phục Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông… góp phần tôn vinh trang phục truyền thống và những giá trị văn hóa, nét đẹp văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
Sau phần khai mạc đã diễn ra Lễ hội Hồng vành khuyên với 13 gian hàng trưng bày quả hồng vành khuyên và các mặt hàng nông sản chủ lực của các xã trên địa bàn huyện, 2 gian hàng trưng bày sách của Thư viện tỉnh. Tại gian hàng OCOP của huyện đã diễn ra hoạt động livestreams bán hàng trực tiếp các sản phẩm hồng và sản phẩm OCOP của huyện, do các tiktoker nổi tiếng trong nước thực hiện.
Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 - 4/11/2024); 193 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831-4/11/2024).
Ý kiến ()