Văn Lãng: Gìn giữ và bảo tồn nét đẹp múa sư tử mèo
Múa sư tử mèo kết hợp các trò diễn đặc trưng của huyện Văn Lãng
- Những năm qua, múa sư tử mèo là nét đẹp văn hóa được người Tày, Nùng trên địa bàn huyện Văn Lãng duy trì thực hành trong các dịp lễ, tết, trong sinh hoạt cộng đồng. Đó là thành quả từ sự quan tâm bảo tồn và gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống múa sư tử mèo của chính quyền, người dân địa phương.
Từ bao đời nay, múa sư tử mèo là nét văn hóa truyền thống được người dân trên địa bàn thôn Cốc Lào, xã Hội Hoan lưu truyền từ đời này sang đời khác. Anh Nông Văn Tuyên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Cốc Lào chia sẻ: Khi còn nhỏ, tôi đã được theo cha, chú đi tập, rồi dần thực hành múa sư tử mèo. Hiện nay, tôi cũng là thành viên trong đội sư tử mèo của thôn. Nếu như ở những thôn, xã khác có phong trào hát then - đàn tính thì ở thôn tôi, múa sư tử mèo thực sự là phong trào và được duy trì thường xuyên, liên tục.
Ở đây, những bé trai từ 7 tuổi đã bắt đầu được cha, chú, anh trong nhà cho đi cùng trong mỗi đợt đội, nhóm sư tử mèo tập luyện để truyền cảm hứng, sự say mê với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Cứ thế nhiều đứa trẻ đã có thể múa đầu sư tử mèo nhỏ, gõ trống theo đúng nhịp điệu ngay từ khi mới 7 - 8 tuổi. Vì thế trong quá trình lớn lên, hầu hết các thanh, thiếu niên trong thôn đều đã biết múa sư tử mèo và có thể tham gia ở một vị trí trong nhóm múa sư tử mèo. Trong đó, người thì múa võ, người múa đầu sư tử, báo đông, nả lình (mặt khỉ); hay sử dụng nhạc cụ như gõ chiêng, trống. Hiện nay, thôn có 2 đội với trên 40 thành viên tham gia thực hành múa sư tử mèo.
Cùng với thôn Cốc Lào, xã Hội Hoan, theo số liệu chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện có 10 đội, nhóm múa sư tử mèo với trên 100 thành viên, rải rác ở một số xã như: Bắc La, Thành Hòa, Hoàng Việt... Hầu hết đây đều là các đội, nhóm được duy trì nhiều năm qua ở những địa bàn có phong trào múa sư tử mèo từ nhiều năm trước. Để có thể duy trì nét văn hóa truyền thống này, ngoài việc tham gia sinh hoạt thường xuyên, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán hoặc các ngày lễ. Trung bình mỗi năm, các đội múa sư tử mèo trong huyện tham gia khoảng 30 cuộc biểu diễn, giao lưu trong và ngoài huyện.
Bên cạnh đó, các đội nhóm sư tử mèo cũng đặc biệt quan tâm đến việc truyền dạy cho thế hệ kế tiếp, trong đó chú trọng “truyền lửa” ngay từ lứa tuổi thiếu nhi để duy trì và bảo tồn bản sắc văn hóa múa sư tử mèo. Hiện nay, cơ bản các đội, nhóm múa sư tử mèo trên địa bàn huyện đều xây dựng được thế hệ kế cận ở lứa tuổi thiếu nhi.
Cháu Chu Hùng Quang (9 tuổi), thôn Trung Thành, xã Thành Hòa cho biết: Từ nhỏ cháu đã rất thích múa sư tử mèo. Cuối năm 2023, cháu đã được ông truyền dạy các thế múa võ và múa sư tử mèo. Cháu rất vui vì bây giờ cháu đã có thể múa trình diễn với đầu sư tử mèo nhỏ. Cháu sẽ tiếp tục học thêm nhiều bài múa hơn nữa để tham gia múa cùng các anh, các bác trong thôn.
Không chỉ có sự tham gia của thiếu nhi, đặc biệt trong các đội, nhóm múa sư tử mèo ở Văn Lãng, ngoài nam giới còn có sự tham gia của nữ giới. Khác với múa sư tử mèo ở những nơi khác trong tỉnh, múa sư tử mèo huyện Văn Lãng còn những nét đặc trưng riêng, song khá tương đồng với múa sư tử mèo của huyện Bình Gia. Đối với nhạc điệu, múa sư tử mèo ở Văn Lãng có tiết tấu chậm hơn, có phần da diết và sâu lắng hơn so với nhạc múa sư tử của huyện Cao Lộc. Đối với trò diễn, múa sư tử mèo Văn Lãng có những trò diễn riêng như: sư tử đẻ con, nả lình, báo đông… tạo nên nét đặc sắc, phân biệt rõ với múa sư tử của địa bàn khác, tạo ấn tượng với người xem. Việc thể hiện rõ những nét độc đáo đó đã góp phần giúp cho đội múa sư tử mèo thôn Cốc Lào, huyện Văn Lãng đoạt giải nhất tại Hội thi múa sư tử mèo dân tộc Tày - Nùng tỉnh năm 2022.
Bà Nông Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện cho biết: Để bảo tồn và gìn giữ nét đẹp múa sư tử mèo trên địa bàn huyện, từ năm 2023 đến nay, chúng tôi đã 2 lần tổ chức hội thi múa sư tử mèo. Trong đó lần 1 có 6 đội tham gia, lần 2 tăng lên 8 đội. Điều đó cho thấy phong trào múa sư tử mèo dần có sự lan tỏa trên địa bàn huyện. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tổ chức hội thi.
Với hiệu quả từ việc gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa múa sư tử mèo, hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, múa sư tử mèo đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng. Ở đây, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh đoàn múa sư tử mèo múa bái thổ công, đi khắp các trục đường chính của xã, thôn và vào bái bàn thờ gia tiên của các hộ dân vào các dịp lễ, tết hoặc nhà dân có việc. Tại lễ hội ở các địa phương trên địa bàn huyện, các đội sư tử thường tập trung đến cùng trình diễn, góp phần tạo nên không khí tươi vui phấn khởi...
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Văn Lãng là một trong số ít các huyện tiêu biểu trên địa bàn tỉnh duy trì, gìn giữ tốt loại hình nghệ thuật truyền thống múa sư tử mèo và có những nét độc đáo riêng. Do đó, trong 2 năm qua, đơn vị chuyên môn của sở đã hỗ trợ thành lập được 3 câu lạc bộ văn hóa dân gian trên địa bàn huyện (tại các xã: Hội Hoan, Thành Hòa, Tân Mỹ), trong đó, có các thành viên thuộc đội múa sư tử mèo. Đồng thời, trong quá trình thành lập các câu lạc bộ, chúng tôi cũng chú trọng nội dung truyền dạy múa sư tử mèo nhằm thu hút thêm thành viên tại địa phương tham gia, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ nét đẹp múa sư tử mèo của huyện.
Có thể thấy, sự chủ động trong gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống múa sư tử mèo đã giúp cho nét đẹp văn hóa này luôn được "giữ lửa" và duy trì trong đời sống cộng đồng tại huyện Văn Lãng. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc Tày - Nùng trên địa bàn.
Ý kiến ()