Văn Lãng: Chú trọng xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP
– Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), từ năm 2019 đến nay, các cấp, ngành huyện Văn Lãng đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và tổ chức đánh giá xếp loại OCOP cấp huyện, lựa chọn sản phẩm dự thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Thành viên HTX Hoàng Việt chăm sóc vườn hồng vành khuyên
Hợp tác xã (HTX) gạo Nhật, xã Hoàng Văn Thụ chuyên gieo cấy giống lúa thuần chất lượng cao J02 (thuộc dòng Japonica, nguồn gốc Nhật Bản) từ nhiều năm nay. Đầu năm 2021, được cơ quan chuyên môn huyện tuyên truyền về chương trình OCOP, HTX đã đăng ký tham gia với sản phẩm gạo Nhật J02. Theo đó, với sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, HTX chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chất lượng và an toàn thực phẩm,… Đáp ứng yêu cầu về chất lượng và đảm bảo an toàn, cuối năm 2021, sản phẩm gạo Nhật J02 được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh, được hỗ trợ bao bì nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.
Ông Bế Văn Toàn, Giám đốc HTX cho biết: Qua tham gia chương trình OCOP, sản phẩm gạo Nhật J02 của HTX được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, được đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm, thị trường ngày càng được mở rộng, mang lại doanh thu gần 300 triệu đồng/vụ/năm, tăng 20% so với năm 2020.
Không chỉ riêng sản phẩm gạo Nhật J02, xác định tham gia chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị nông sản nên ngay sau khi tỉnh triển khai chương trình, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT) đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện… tổ chức 4 lớp tập huấn tuyên truyền lồng ghép các nội dung về chương trình OCOP với trên 260 lượt người tham gia. Nhờ đó, nhận thức của người dân về chương trình được nâng lên rõ rệt so với khi mới triển khai.
Cùng đó, năm 2021, từ nguồn kinh phí chương trình OCOP trên 248 triệu đồng, UBND huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình 132.000 tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm; xây dựng website quảng bá; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các chủ thể tham gia về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm; phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn cho người dân trong việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp (gạo Nhật J02, hồng vành khuyên) đảm bảo đúng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP…
Bà Nguyễn Thị Liên, chủ cơ sở sản xuất lạp sườn Phong Liên, thị trấn Na Sầm cho biết: Từ khi sản phẩm lạp sườn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh (tháng 10/2021), cơ sở đã được huyện hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký kinh doanh, thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu; được tham gia các lớp tập huấn giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử như: voso.vn, postmart… Nhờ đó, nhiều khách hàng biết đến sản phẩm, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng khoảng 300 kg, giá thành sản phẩm hiện là 200.000/kg tăng 20.000/kg so với trước đây.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành trên địa bàn huyện cùng sự chủ động từ người dân, việc triển khai thực hiện chương trình OCOP hằng năm luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đơn cử, năm 2021 huyện Văn Lãng có 4 sản phẩm được hội đồng OCOP tỉnh chấm đánh giá và phân hạng, trong đó, có 3 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao, đạt 200% kế hoạch. Đến nay, toàn huyện đã có 7 sản phẩm được phân hạng, đánh giá đạt sản phẩm OCOP gồm: hồng vành khuyên của HTX Hoàng Việt và HTX Hồng vành khuyên Nà Mò; lạp sườn Phong Liên; dầu lạc Linh Khôi; gạo Nhật J02; rượu Hội Hoan và thạch Chu Hạnh.
Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng cho biết: OCOP như “tấm hộ chiếu” giúp sản phẩm của địa phương đến những thị trường lớn hơn. Cùng đó, còn góp phần làm tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp và quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu các đặc sản của địa phương. Đây là cơ sở để hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Với những giá trị đem lại của sản phẩm OCOP, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Văn Lãng đã chủ động lựa chọn và hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu có thêm 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh gồm: mì ngô tách đường của Công ty TNHH MTV Thành An và sản phẩm mật ong của HTX Nuôi ong mật Phai Nà, xã Gia Miễn, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()