Văn Lãng: Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
LSO-Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế sự lây lan, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra các cấp ủy, chính quyền huyện Văn Lãng đã và đang tích cực chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm nên đàn vật nuôi trên địa bàn cơ bản ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra.
LSO-Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế sự lây lan, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra các cấp ủy, chính quyền huyện Văn Lãng đã và đang tích cực chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm nên đàn vật nuôi trên địa bàn cơ bản ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Cán bộ Trạm Thú y Văn Lãng kiểm tra nguồn cung cấp gia cầm giống tại chợ Na Sầm |
Ông Nông Văn Du, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết: công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm được xã quan tâm thực hiện thường xuyên, nhất là trong thời điểm hiện nay bên Trung Quốc đang có dịch cúm AH7N9 trên gia cầm. Với đặc thù là xã giáp biên, ngoài đường chính qua của khẩu Tân Thanh thì còn có nhiều đường mòn thông sang Trung Quốc. Vì vậy, để đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh, xã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm; xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân bằng các hình thức: loa truyền thanh của xã, thôn; tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp thôn về cách phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; phối hợp với Trạm Biên phòng, Hải quan Tân Thanh tuần tra biên giới, cửa khẩu để ngăn chặn việc buôn bán vận chuyển gia cầm trái phép qua địa bàn. Hiện nay, cán bộ thú y viên của xã đã và đang triển khai tiêm phòng trên đàn vật nuôi tại các thôn.
Ông Chu Văn Khánh, Trưởng Trạm thú y huyện cho biết: để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, Trạm xây dựng kế hoạch công tác, phân công cán bộ phụ trách địa bàn; phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra các chợ xã, thị trấn, phun tiêu độc khử trùng ở những điểm có nguy cơ nhiễm bệnh cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện tiêm phòng bệnh lở mồm long móng được 547 con trâu, bò; dịch tả lợn 1.464 con, lở mồm long móng 454 con; tụ huyết trùng, niu cát xơn cho gia cầm được 1.890 con. Hiện, cán bộ trạm, thú y viên các xã đang tiếp tục thực hiện tiêm phòng vác xin lở mồm long móng trâu bò, lợn, dịch tả lợn,… Đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, có xảy ra một số bệnh như: tiên mao trùng, tiêu chảy ở trâu bò; lép tô, tiêu chảy, tụ huyết trùng ở lợn với số lượng không đáng kể và đã được điều trị kịp thời. Thời gian tiếp theo, trạm chỉ đạo cán bộ cùng với thú y viên cơ sở theo dõi sát địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng, khi gia cầm có biểu hiện bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng.
Cán bộ Trạm Thú y huyện Văn Lãng kiểm tra gia cầm bày bán tại chợ Na Sầm |
Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngày 12/3/2013, UBND huyện đã ra công văn về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, tai xanh ở lợn và lở mồm long móng ở gia súc. Trong đó, các ngành chức năng như: Công an huyện; Chi cục Hải quan Tân Thanh, Cốc Nam; đội QLTT số 10; Đồn Biên phòng Tân Thanh; Na Hình phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát vận chuyển, ngăn chặn triệt để; kiên quyết xử lý động vật, sản phẩm động vật nhập lậu qua biên giới; động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y.
Thời gian tới, theo dự báo của trạm thì bệnh tai xanh ở lợn có thể xảy ra do thời tiết thay đổi bất thường. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì người dân cần tăng cường chủ động kiểm tra, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đặc biệt, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc buôn bán, vận chuyển gia cầm để tránh nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm A H7N9 từ Trung Quốc sang, gây thiệt hại nghiêm trọng có thể xảy ra.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()