Văn học nghệ thuật Lạng Sơn: Dấu ấn một nhiệm kỳ
– Hoà cùng dòng chảy của văn học nghệ thuật (VHNT) cả nước, trong nhiệm kỳ 2018-2023, VHNT Lạng Sơn đã không ngừng phát triển, ngày càng được quan tâm đầu tư có chiều sâu, quy tụ được nhiều thế hệ văn nghệ sĩ say mê sáng tạo và thu hút được sự quan tâm của xã hội, từng bước khẳng định vị thế, tiếp tục bứt phá vươn xa, vững bước đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, của quê hương, đất nước.
Hội VHNT tỉnh phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ năng cho các hội viên
Hội VHNT Lạng Sơn hiện là ngôi nhà chung của 244 văn nghệ sĩ thuộc 6 chuyên ngành: văn xuôi, thơ, nghiên cứu – lý luận phê bình, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc – sân khấu. Trong nhiệm kỳ, đã có 18 hội viên được kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương, nâng tổng số hội viên chuyên ngành trung ương hiện nay lên 101 hội viên. Phát huy tốt vai trò tập hợp, động viên văn nghệ sĩ hăng say lao động sáng tạo, để nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng cho hội viên, nhiệm kỳ qua, Hội VHNT thường xuyên quan tâm tổ chức tuyên truyền, lồng ghép việc học tập các chỉ thị, nghị quyết mới của Đảng cũng như các chủ trương chính sách của Nhà nước… thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, hội thảo, trại sáng tác.
Khơi nguồn sáng tạo
Hướng tới mục tiêu văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động VHNT, qua đó khơi dậy tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy VHNT phát triển.
Từ nguồn quỹ Hỗ trợ sáng tạo của Chính phủ cùng với ngân sách của tỉnh dành cho hoạt động sự nghiệp VHNT, nhiệm kỳ vừa qua, hội đã hỗ trợ hoàn thành 68 tác phẩm, công trình VHNT của 68 lượt hội viên; hỗ trợ công bố tác phẩm 46 đầu sách, 2 đĩa CD.
Ngoài ra, Hội VHNT tỉnh còn tích cực hỗ trợ hội viên tham gia triển lãm, liên hoan khu vực miền núi phía Bắc; hỗ trợ hội viên tham gia trại sáng tác trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các hội viên đi thực tế sáng tác; hỗ trợ một phần kinh phí cho các hội viên tham gia trại sáng tác do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức. Trong 5 năm qua, hội đã phối hợp tổ chức 7 trại sáng tác, 17 cuộc thực tế sáng tác và tổ chức được 3 hội thảo chuyên ngành.
Hội viên tham quan triển lãm tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống VHNT Lạng Sơn
Đặc biệt, nhân dịp Kỷ niệm 80 năm “Đề cương văn hóa Việt Nam”, Hội VHNT đã phối hợp với Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam. Nhân dịp này, Hội VHNT đã công bố cuốn sách ảnh “Lạng Sơn qua ống kính của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Bách”. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm thể hiện sự tri ân của Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn đối với cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Bách nói riêng và đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh Lạng Sơn nói chung.
Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Nguyên Chủ tịch Hội VHNT nhiệm kỳ 2013-2018, Chi hội trưởng Chi hội Nghiên cứu – Lý luận phê bình, Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Với sự tạo điều kiện của trung ương, của tỉnh, nhiệm kỳ qua hội đã tổ chức nhiều trại sáng tác và các cuộc đi thực tế sáng tác đã tạo cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm chất lượng. Đối với Chi hội Nghiên cứu – Lý luận phê bình, các hội viên đã tích cực nghiên cứu, viết và tham gia các cuộc thi của tỉnh, trung ương, 2 năm liền chi hội có hội viên đạt giải cao tại cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cấp quốc gia. Đó là những kết quả đóng góp vào thành tích chung của Hội VHNT tỉnh trong nhiệm kỳ qua.
Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hội VHNT tổ các cuộc vận động sáng tác, mở chuyên trang, chuyên mục trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng; tích cực vận động toàn thể hội viên tham gia. Trong nhiệm kỳ, Hội VHNT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức xét Giải thưởng VHNT Hoàng Văn Thụ lần thứ V năm 2019, qua đó góp phần khích lệ các hội viên say mê sáng tác, thúc đẩy phong trào VHNT của tỉnh ngày càng phát triển.
Một số cây bút trẻ trong lĩnh vực văn xuôi đã có những thành công nhất định trên văn đàn và gây được ấn tượng với độc giả. Các tác phẩm thơ tiếp tục phản ánh sinh động đời sống xã hội, với đề tài phong phú tích cực tuyên truyền đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sáng tác thơ bằng tiếng Tày, Nùng vẫn được duy trì và phát triển, trong đó phải kể đến sự đóng góp của những hội viên trẻ tham gia sáng tác bằng tiếng dân tộc. Một số tác giả Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Lạng Sơn đã khẳng định được tên tuổi, giành được giải thưởng ở các kỳ triển lãm địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế.
Trong lĩnh vực âm nhạc – sân khấu, các nhạc sĩ đã có đóng góp trong xây dựng và bảo tồn giá trị âm nhạc truyền thống, sáng tác nhạc múa và phối khí để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả. Công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, sáng tác bằng tiếng dân tộc và Hoạt động lý luận phê bình tiếp tục được duy trì. Qua đó đã khơi dậy niềm tự hào về quê hương, góp phần trong những định hướng lớn về phát triển, xây dựng con người mới, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Dấu ấn đổi mới
Nhiệm kỳ vừa qua là nhiệm kỳ có nhiều dấu ấn của sự đổi mới, sáng tạo và bứt phá. Văn nghệ sỹ Lạng Sơn phát huy tài năng, cống hiến những tác phẩm ngày càng chất lượng, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, được công chúng đón nhận, đánh giá tốt.
Trong đó, sáng tác văn học là một trong những lĩnh vực chủ lực, đóng góp nhiều thành tựu quan trọng. Đối với văn xuôi, tác phẩm đạt giải thưởng tại một số cuộc thi cấp tỉnh, giải thưởng của Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và một số cuộc thi cấp Trung ương tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt năm 2020, đạt 1 giải A Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 4 giai đoạn 2017 – 2020; từ năm 2020 đến năm 2022 có 2 tác phẩm đạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, trong đó có 1 giải A, 1 giải khuyến khích; có 1 tác phẩm đạt giải C, 1 đạt giải khuyến khích của Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong nhiệm kỳ, 2 hội viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Văn xuôi đang từng bước tiếp tục khẳng định vị thế trên văn đàn của địa phương và cả nước.
Các hội viên Hội VHNT Lạng Sơn tham quan trưng bày các ấn phẩm Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng và các đầu sách xuất bản của Hội VHNT tỉnh trong nhiệm kỳ qua
Nhà văn, Thiếu tá Chu Thanh Hương, Chi hội Văn xuôi, Hội VHNT tỉnh cho biết: Là một nhà văn công tác trong lực lượng vũ trang, tôi có nhiều cơ hội được tiếp cận những đề tài về hình ảnh người chiến sĩ Công an Nhân dân. Tham gia Hội VHNT, tôi đã được hỗ trợ rất nhiều cả vật chất lẫn tinh thần, thể hiện qua những sinh hoạt văn chương hoặc các buổi thực tế sáng tác được Hội VHNT cho đi thực tế. Đây là một ngôi nhà chung mà tôi luôn trân trọng và luôn hướng về.
Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội VHNT đã hỗ trợ hội viên xuất bản 19 tập thơ; hơn 100 lượt tác phẩm được trưng bày tại các cuộc triển lãm Mỹ thuật trong nước và Quốc tế, đoạt 4 giải thưởng tại các triển lãm; 500 lượt tác phẩm được trưng bày tại các kỳ Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Khu vực miền núi phía Bắc, triển lãm hằng năm, giành được 4 giải thưởng; nhiều ca khúc, kịch bản múa, kịch bản sân khấu đã được dàn dựng để phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương cũng như tham gia các hội diễn chuyên nghiệp ở khu vực và Trung ương. Đối với lĩnh vực Nghiên cứu – Lý luận phê bình văn học, trong Cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, hội viên đạt 1 giải C, 1 giải B toàn quốc. |
Trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2018 – 2020 và 2021-2023, hội có 52 tác phẩm của 50 tác giả đạt giải cấp tỉnh, trong đó có 20 tác phẩm của 20 tác giả được đề cử dự xét giải thưởng cấp Trung ương; kết quả Hội VHNT được trao giải thưởng quảng bá, 2 tác giả có tác phẩm đạt giải C cấp Trung ương. Tham gia Giải thưởng VHNT Hoàng Văn Thụ lần thứ V năm 2019 đã có 36 tác phẩm đạt giải ở 6 lĩnh vực chuyên ngành với 5 giải A, 12 giải B và 19 giải C.
Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn đã kết thúc chặng đường 5 năm (2018 -2023) với việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội VIII đề ra. Cùng với sự phát triển của tỉnh, của quê hương, đất nước, văn nghệ sĩ Lạng Sơn đã bám sát thực tiễn, sáng tạo những tác phẩm VHNT có giá trị, phản ánh chân thực, sinh động bức tranh Lạng Sơn đa sắc, phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, học tập và chiến đấu của các tầng lớp Nhân dân và lực lượng vũ trang. Không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh về vùng đất, văn hóa và con người Lạng Sơn, VHNT còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: Chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội viên; mở các trại sáng tác để tăng cường hoạt động nghiệp vụ cho hội viên, trong đó quan tâm hoạt hỗ trợ sáng tạo, hoàn thiện tác phẩm, phối kết hợp với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cũng như hội chuyên ngành trung ương để các hoạt động của hội có sự phát triển toàn diện.
Vững bước đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua sẽ là động lực, tiếp lửa đam mê, khơi dậy trong các văn nghệ sĩ niềm hăng say lao động, tiếp tục sáng tạo ra những tác phẩm VHNT xứng tầm, đưa VHNT Lạng Sơn tiếp tục bứt phá.
Hội viên tham gia thực tế sáng tác tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh
PHONG LINH
Ý kiến ()