Chủ nhật, 24/11/2024 05:51 [(GMT +7)]
Văn hóa xã hội Hữu Lũng sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 37
Thứ 3, 25/10/2011 | 08:52:00 [(GMT +7)] A A
Là một huyện “cửa ngõ” phía nam của tỉnh, tiếp giáp với các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hữu Lũng có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội; song cũng là địa phương có sự phức tạp, pha trộn về văn hóa các vùng miền... Đó cũng là nét tự nhiên của một miền đất vùng “cửa ngõ”. Khắc phục khó khăn, xây dựng một nền văn hóa trên cơ sở phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội và lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần để tạo dựng cơ sở vật chất, kết hợp nhuần nhuyễn sự phát triển văn hóa xã hội và kinh tế, Hữu Lũng đã có bước đi chắc và tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện trong giai đoạn sau, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.
LSO-Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du miền núi bắc bộ đến năm 2010 và Quyết định số 608/QĐ-UB, ngày 18/4/2005 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 37, huyện Hữu Lũng không những có sự tăng trưởng nhanh về kinh tế, mà văn hóa xã hội cũng có những tiến triển vượt bậc…
Người dân huyện Hữu Lũng tham quan, mua sắm tại Hội chợ hàng Việt về nông thôn – Ảnh: Trúc Lam |
Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 10,56%; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 3 lần từ 4,165 triệu đồng năm 2004 lên 12,6 triệu đồng năm 2010, Hữu Lũng đã có điều kiện phát triển hạ tầng, trong đó có thiết chế văn hóa. Trên cơ sở quy hoạch nông thôn theo hướng hiện đại hóa và thực hiện phương châm xã hội hóa công tác văn hóa, huy động sức dân xây dựng hạ tầng văn hóa, đến cuối năm 2010 đã có 23/26 xã, thị trấn có sân chơi bãi tập. Số nhà văn hóa thôn bản tăng từ 75 nhà năm 2004 lên 150 nhà năm 2010.
Mạng lưới thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, tổng số trạm phát thanh- truyền hình tăng từ 1 trạm lên lên 3 trạm; diện phủ sóng phát thanh đã đạt 100%, diện phủ sóng truyền hình đạt trên 95%. Hệ thống truyền thanh, truyền hình được chú trọng đầu tư từ 8 trạm năm 2004 tăng lên 18 trạm vào năm 2010. Sự bùng nổ của các phương tiện nghe nhìn, phủ sóng điện thoại và Intenet đã làm thay đổi cuộc sống của người dân. Nó không những tạo điều kiện cho người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng cao tiếp cận với các chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần chống lại tư tưởng lạc hậu, phản động, mà còn giúp họ tiếp cận các dịch vụ xã hội, thông tin liên lạc, trợ giúp tốt cho định hướng sản xuất hàng hóa.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với sự đi lên của đời sống vật chất, phong trào văn hóa văn nghệ, lễ hội đậm đà bản sắc từng vùng miền được khôi phục và phát triển, nó trở thành một “liều vacin” đủ mạnh chống lại văn hóa đồi trụy, phản động và có tác dụng tốt trong việc xây dựng làng văn hóa, khối phố văn hóa và gia đình văn hóa. Nếu năm 2004, toàn huyện có 66,5% hộ gia đình văn hóa, 41,9% thôn, khu bản văn hóa, 69,6% cơ quan văn hóa, thì đến năm 2010 đã có 68% số hộ, 44,7% số thôn bản khu phố và 93,1% số cơ quan đạt danh hiệu văn hóa.
Sự phát triển mạnh mẽ trong công tác giáo dục và đào tạo đã tạo điều kiện để địa phương nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong 6 năm qua, số trường học đã tăng 180%, trong đó số trường THPT tăng 4 lần; số trường đạt chuẩn quốc gia tăng 3 lần; số phòng học được kiên cố hóa tăng 2,5 lần… đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Hiện nay, Hữu Lũng vẫn là một trong các đơn vị dẫn đầu về công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Song song với giáo dục, công tác hướng nghiệp dạy nghề được triển khai có hiệu quả, trong 6 năm đã dạy nghề cho hàng chục ngàn lao động, tạo việc làm cho trên 11 ngàn người, trong đó có 650 lao động xuất khẩu. Với sự hoạt động hiệu quả của các Trung tâm học tập cộng đồng, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và dạy nghề cho lao động nông thôn được chú trọng; vì vậy sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã được định hình và phát triển ở nông thôn; góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,5% năm 2004 xuống còn 15,87% so với năm 2010.
Trường chuẩn quốc gia tiểu học 2 huyện Hữu Lũng |
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao từng bước, với chương trình nâng cao năng lực y tế cơ sở, chương trình nâng cấp mở rộng bệnh viện tuyến huyện và phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện đã hiện đại, khang trang với quy mô 90 giường bệnh, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, số trạm có bác sĩ đạt 100%. Các chương trình y tế quốc gia được đảm bảo, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình đạt các mục tiêu đề ra. Tỷ suất sinh giảm từ 1,4% xuống còn 1,18%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 23,5% xuống còn 17,67%. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được duy trì thường xuyên.
Là một huyện “cửa ngõ” phía nam của tỉnh, tiếp giáp với các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hữu Lũng có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội; song cũng là địa phương có sự phức tạp, pha trộn về văn hóa các vùng miền… Đó cũng là nét tự nhiên của một miền đất vùng “cửa ngõ”. Khắc phục khó khăn, xây dựng một nền văn hóa trên cơ sở phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội và lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần để tạo dựng cơ sở vật chất, kết hợp nhuần nhuyễn sự phát triển văn hóa xã hội và kinh tế, Hữu Lũng đã có bước đi chắc và tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện trong giai đoạn sau, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.
Trần Kim
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()