Văn hóa và Thể thao tạo đà cho Du lịch phát triển
Kỷ niệm 50 năm Ngày Thành lập (9/7/1960-9/7/2010) và đón trên 5 triệu khách quốc tế, 28 triệu khách du lịch nội địa, doanh thu ước đạt gần 100 nghìn tỷ đồng – đó là dấu ấn quan trọng và ấn tượng, đánh dấu sự lớn mạnh của Du lịch, đóng góp quan trọng vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010.
Du lịch Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quan hệ, hợp tác và hội nhập toàn diện với hoạt động du lịch khu vực và thế giới. Năm 2010, Du lịch Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công sự kiện quốc tế của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), tham gia các sự kiện chính trị, kinh tế, diễn đàn quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức… khẳng định tính chủ động và sự phát triển mạnh mẽ của Du lịch Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
C ó được sự thành công đó của Ngành Du lịch Việt Nam, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ, phối hợp của các Ban, Bộ, ngành, các tỉnh/thành, với cơ chế chính sách và các chương trình hành động phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể, sự năng động nỗ lực vượt khó của cán bộ, nhân viên, người lao động trong Ngành, thì lĩnh vực văn hóa và thể thao đã góp phần quan trọng, tạo đà để Du lịch Việt Nam phát triển.
Với đặc thù là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng, vì vậy, thành công của Du lịch không thể tách rời các hoạt động văn hóa, thể thao tầm cỡ quốc gia, quốc tế và địa phương, bởi đó chính là những sản phẩm du lịch, phục vụ khách du lịch. Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long-Hà Nội, Carnaval Hạ Long, Festival Huế, Festival Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival võ cổ truyền Bình Định, Festival gốm sứ Bình Dương, Festival Hoa Đà Lạt, Hoa hậu Trái đất, Hội chợ Du lịch ITE TP. Hồ Chí Minh… đã thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế tham gia. Các loại hình nghệ thuật truyền thống: Ca Huế sông Hương, Nhã nhạc Cung đình Huế, Hát Tuồng, Bài Chòi được biểu diễn thường xuyên, tại tất cả các điểm có nhiều du khách. Hát Quan họ, Ca Trù không chỉ biểu diễn vào những dịp lễ hội mà ở khắp mọi nơi… trở thành sản phẩm đặc sắc hấp dẫn du khách, nhất là du khách nước ngoài muốn khám phá những nét văn hóa đặc sắc của điểm đến. Phong phú và độc đáo khi Du lịch sông nước, nhà vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long có đờn ca tài tử, vùng núi Tây Bắc có các điệu then, si, lượn… làm du khách say đắm. Nhà hát Múa Rối Trung ương đỏ đèn, tấp nập quanh năm… Ngoài các di sản được UNESCO công nhận, những địa danh nổi tiếng, những di tích lịch sử-văn hóa: Khu di tích Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ATK Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Trung ương Cục Miền Nam (Tây Ninh), Dinh Thống nhất, Địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), Địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị), Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)… cùng hệ thống bảo tàng rộng khắp trên cả nước đã góp phần tạo nên các sản phẩm phục vụ du lịch hấp dẫn và đa dạng.
Cùng với văn hóa-nghệ thuật, thể thao đã và đang góp phần đáng kể, tạo đà cho Du lịch tăng tốc, nhiều loại hình thể thao được du khách ưa chuộng tham gia với tư cách là vận động viên hoặc để tìm cảm giác lạ với những khám phá mới. Chương trình du lịch trong và ngoài nước gắn với các cuộc thi đấu thể thao, các thế vận hội, các giải đua thuyền buồm quốc tế… các giải đấu khu vực và thế giới luôn là các sản phẩm du lịch hấp dẫn có đông du khách tham gia.
Ở Việt Nam, tổ chức hoạt động du lịch nhân các sự kiện thể thao truyền thống diễn ra phổ biến và khá dày đặc trên cả nước: Festival Võ Bình Định, Vovinam, các Hội Vật Làng Sình, Liễu Đôi, Chọi Trâu Đồ Sơn, Đua Ghe ngo tại lễ hội Ooc Om Bók… là những sản phẩm du lịch lôi cuốn du khách trong nước và du khách quốc tế. Đại hội thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 6 diễn ra tại Đà Nẵng năm 2010, bên cạnh việc xác lập nhiều kỷ lục quốc gia, được đánh giá là đại hội thành công nhất từ trước đến nay, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng, thu hút một lượng lớn du khách đến Đà Nẵng và các tỉnh lân cận… Việc kết hợp giữa du lịch và thể thao đã được nhiều doanh nghiệp du lịch tập trung khai thác với các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm: đi bộ, leo núi, đua ôtô, mô tô, xe đạp, lặn biển, bè mảng, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù, dù lượn, khinh khí cầu, đánh golf… ở vùng núi, vùng biển và hải đảo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đảm bảo an ninh-quốc phòng, nâng cao nhận thức về du lịch và phát triển du lịch, giữ gìn môi trường, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững của Đất nước.
Với ưu thế của thể thao là các sự kiện thu hút số lượng người tham gia rất lớn, Ngành Du lịch đang tập trung khảo sát, quy hoạch những địa điểm, khu vực thích hợp cho việc tổ chức các chương trình du lịch thể thao, có kế hoạch xúc tiến quảng bá riêng trên thị trường du lịch thế giới; hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành xây dựng, phát triển và chào bán các chương trình du lịch thể thao; khuyến khích thu hút các cuộc đua du lịch thể thao mạo hiểm-sinh thái có quy mô lớn vào Việt Nam.
Trên cơ sở tiềm năng, khả năng và kinh nghiệm của Du lịch 50 năm qua, với ưu thế Bộ đa ngành, Ngành Du lịch Việt Nam đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ với các mục tiêu tiếp tục khai thác và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đạt lượng khách du lịch quốc tế đạt 7-8 triệu lượt, 32-35 triệu khách nội địa đến năm 2015, năm 2020 thu hút 11-12 triệu khách quốc tế và 45-48 triệu lượt khách nội địa, 2030 đạt 19-20 triệu khách quốc tế, 70 triệu khách nội địa; doanh thu ước đạt 10-11 tỷ USD, đóng góp 5,5-6% GDP của cả nước; đến năm 2020 sẽ đón 11-12 triệu lượt khách quốc tế, 45-48 triệu lượt khác nội địa, doanh thu đạt 18-19 tỷ USD, đóng góp 6,5-7 % GDP của cả nước. Dự kiến đến năm 2030, doanh thu từ du lịch đạt gấp 2 lần năm 2020, Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt đẳng cấp khu vực vào năm 2020 với doanh thu tăng gấp đôi và đạt đẳng cấp quốc tế vào năm 2030. Một trong những định hướng chiến lược cho giai đoạn tới là phát triển sản phẩm du lịch gắn với giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và tài nguyên thiên nhiên nhằm tạo nên hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao.
Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, ngoài các thế mạnh về thiên nhiên, ngành Du lịch đã và đang tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên những công trình, di tích văn hóa-lịch sử trọng điểm, các di sản văn hóa quốc tế và quốc gia (11 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận, 10 di tích văn hóa-lịch sử đặc biệt cấp quốc gia) cùng các khu di tích Cổ Loa, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hương Sơn, làng cổ Đường Lâm, Di sản miền Trung-Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… cùng các sự kiện và các loại hình thể thao để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch.
Theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội Đảng lần thứ XI bổ sung và phát triển, căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2011-2020, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020, và Chiến lược phát triển Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Ngành Du lịch Việt Nam sẽ nỗ lực, cố gắng phát huy tiềm năng và thế mạnh của du lịch, liên kết và gắn bó chặt chẽ với văn hóa và thể thao, thúc đẩy du lịch tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ý kiến ()