'Văn hóa ứng xử' đi vào các tác phẩm báo chí dự thi
Ảnh minh họa |
Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử” là cuộc thi dành cho tác giả hoặc nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về văn hóa ứng xử được các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đăng, phát sóng trong thời gian quy định; trao cho các cơ quan báo chí tiêu biểu có nhiều tác phẩm báo chí tham dự Giải và nhiều tác phẩm đạt giải.
Mục đích của Giải nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực ứng xử văn minh, hiện đại trong trình hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước.
Đồng thời, thông qua Giải nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, động viên, khuyến khích các cơ quan báo chí, nhà báo trong việc thực hiện tuyên truyền về văn hóa ứng xử, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Theo Thể lệ giải, mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả tham dự Giải tối đa không quá 5 tác phẩm. Mỗi tác phẩm báo chí được đăng, phát không quá 5 kỳ. Tác giả có tác phẩm dự Giải không trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc không trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc đang bị cơ quan điều tra về các sai phạm có liên quan. Thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng chấm Giải và Tổ thư ký giúp việc không được tham gia Giải.
Tác phẩm dự Giải được thể hiện bằng tiếng Việt ( hoặc tiếng dân tộc được dịch ra tiếng Việt), được đăng, phát trên các loại hình báo chí, đáp ứng các quy định của Thể lệ.
Tác phẩm dự Giải phải bảo đảm tính chân thực, người thật, việc thật, sự kiện thật có tính chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị, có tính phát hiện; phương pháp thể hiện sáng tạo, hấp dẫn.
Đối tượng được phản ánh thực sự là những tấm gương tập thể và cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong văn hóa ứng xử trên các lĩnh vực văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, bệnh viện, công sở, nơi công cộng… trên cả nước, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực ứng xử văn minh, hiện đại trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước.
Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ, công bố ở các thời điểm khác nhau, không có tên loạt bài. Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, truyện, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh).
Thể loại báo chí được xét trao Giải: Là các tác phẩm báo chí thuộc bài phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình tọa đàm và ảnh báo chí (trừ các chương trình phát thanh và truyền hình trực tiếp) tuyên truyền về văn hóa ứng xử được đăng, phát trên các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/6/2020. Tác phẩm tham dự Giải không vi phạm về bản quyền và Thể lệ Giải. Tác phẩm dự Giải phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền. Ban Tổ chức không hoàn trả tác phẩm dự Giải và được quyền sử dụng tác phẩm để tuyên truyền.
Đối với cơ quan báo chí, cơ quan, đơn vị, tổ chức được trao Giải báo chí về chủ đề “ Văn hóa ứng xử” phải đạt các tiêu chí sau: Được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong lĩnh vực báo chí; tích cực tham gia hưởng ứng Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử ”; là cơ quan, đơn vị có số lượng tác giả, tác phẩm dự Giải có nhiều tác giả đạt giải.
Lễ tổng kết và trao Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử” sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 2020.
Ý kiến ()