Văn hóa nâng bước dân tộc, nâng cao trí lực con người Việt Nam
Sau khi Ðề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, nâng bước dân tộc, con người Việt Nam, là nền tảng để nâng cao trí lực, bồi dưỡng trí thức và được kế thừa, phát triển qua các giai đoạn lịch sử.
Ngày 29/3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam trong thực hiện cách mạng văn hóa Việt Nam theo tinh thần ‘Đề cương văn hóa Việt Nam’ năm 1943, tính kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử”.
Cách đây 80 năm, trong tình thế nước sôi lửa bỏng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Ðề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 được xem như bản tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Ðảng ta, như ngọn đèn soi rọi cho văn hóa Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng về sau.
80 năm qua, theo cương lĩnh đó, văn hóa đã trở thành điểm tựa cho sức mạnh vĩ đại và trường tồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, làm nên bản lĩnh Việt Nam.
‘Văn hóa còn thì dân tộc còn’
Tại toạ đàm, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng về tính kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử theo tinh thần Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Hiện nay, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” có vai trò đặc biệt quan trọng.
TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, cho đến ngày nay, trong lịch sử, chưa có nước nào sụp đổ về kinh tế dẫn đến sụp đổ quốc gia, dân tộc, mà chỉ có sụp đổ về văn hóa dẫn đến sụp đổ về dân tộc, mà đã sụp đổ về dân tộc thì không còn gì cả.
Mấy nghìn năm trước, cổ nhân từng nói rằng có 4 nhân tố tạo nên xã hội, gìn giữ và phát triển một xã hội là: Nhân, lễ, liêm, sỉ. Mất 1 dây thì nước nghiêng, mất 2 dây thì nước nguy, mất 3 dây thì nước đổ, mất 4 dây thì nước diệt. Đối với mỗi con người chúng ta cũng vậy, cần-kiệm-liêm-chính là 4 nhân tố tạo nên một con người. Mất 1 điều người nghiêng, mất 2 điều thì người nguy, mất 3 điều thì thân bại, mất 4 điều thì danh liệt. Thế mới càng thấm thía điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021: Văn hóa còn thì dân tộc còn!
TS. Nhị Lê phân tích, nhìn trong lịch sử đất nước nói riêng, toàn cầu nói chung, có thể đạt được vị thế cường quốc về kinh tế trong 50 năm, điển hình như Hàn Quốc. Nhưng để trở thành cường quốc văn hóa, hẹp hơn là một dân tộc thực sự văn hóa, văn hiến, cần đến hàng trăm, thậm chí nghìn năm. Nói thế để thấy, văn hóa làm nên phẩm giá, linh hồn, cốt cách của dân tộc, mà không có dân tộc thì không có quốc gia, không có văn hóa thì không có dân tộc.
Nhìn ngay gần đây, người đi xâm lược biến thành kẻ bị đồng hóa về văn hóa. Sức mạnh văn hóa là như thế, nó vừa không định hình, không nắm bắt được, có gì đó biến ảo nhưng hiện hữu trong từng bước đi của dân tộc, số phận mỗi con người. Nói vậy để thấy vị thế, tầm nhìn mà bản Đề cương cách đây 80 năm đã hoạch định. 80 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, chúng ta từng bước hiện thực hóa những nét sơ thảo ban đầu về tầm nhìn, chiến lược về văn hóa.
Những gì tinh túy nhất là văn hóa
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chia sẻ về 3 nguyên tắc, tính chất lớn của văn hóa là dân tộc, khoa học, đại chúng.
Hiện nay, có hơn 300 định nghĩa về văn hóa, mỗi người có một góc nhìn và phương pháp nghiên cứu, nhưng tóm lại, văn hóa là những tinh hoa mà con người sáng tạo ra, bồi đắp kết tinh từ thế hệ này sang thế hệ khác, đời này sang đời khác. Những gì tinh túy nhất, đó là văn hóa.
Thứ nhất, về nguyên tắc dân tộc hóa. Nguyên tắc này được nêu lên đầu tiên trong Đề cương về văn hóa (Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết), đây là tính chất lớn. Văn hóa có giá trị mang tính phổ quát của nhân loại. Nhưng văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi đất nước có sắc thái và bản sắc riêng. Cho nên dân tộc nào cũng thế, văn hóa còn thì dân tộc còn… Tính chất dân tộc của văn hóa là như thế.
Hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc ta, các triều đại phong kiến có thể mục ruỗng, suy tàn, nhưng có những nghệ thuật, tinh hoa thời kỳ đó có tính tích luỹ vượt lên. Điều này không phản ánh bản chất của chế độ. Đó là tính dân tộc, chứ không có tính nhất thời của triều đại.
Thứ hai, nguyên tắc khoa học hóa. Đây là những tiến bộ, phù hợp đời sống con người, tác động tích cực vào đời sống, kể cả đời sống tinh thần lẫn vật chất. Trong chính trị có văn hóa, trong kinh tế có văn hóa. Chính trị có văn hóa thì chính trị mới bền vững, còn chính trị mà đi phản lại những giá trị văn hóa thì chỉ nhất thời.
Có văn hóa mới tập hợp được mọi người, có văn hóa mới dẫn dắt được cả dân tộc, đất nước, hay cộng đồng đi lên. Cho nên, khoa học là những gì tiến bộ.
Lịch sử cho thấy, Việt Nam tiếp thu văn hóa của nước láng giềng (Trung Quốc, Ấn Độ), sau này là phương Tây.
Hiện nay, chính sách hội nhập quốc tế mở cửa, chúng ta tiếp xúc với nhiều nền văn hóa… Đây là yếu tố khoa học mà cách đây 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam nêu ra.
Thứ ba, nguyên tắc đại chúng hóa rất rõ. Bởi văn hóa là sáng tạo của nhân dân từ đời này sang đời khác. Trong sáng tạo văn hóa nói chung, sáng tạo văn học nghệ thuật nói riêng có 2 mảng (đại chúng và tinh hoa). Tinh hoa là những tầng lớp tri thức của thời kỳ đó tạo nên những đỉnh cao của văn hóa. Để có đỉnh cao đó phải có nền tảng của đại chúng.
Nếu chế độ phong kiến trước đây, tầng lớp bóc lột thường bắt bộ phận làm văn hóa đi phục vụ cho giai cấp thống trị (mua vui)… Nhưng văn hóa mới trong Đề cương văn hóa năm 1943, văn hóa phải phục vụ quần chúng. Như vậy mới có giá trị đích thực.
Ba tính chất về văn hóa dân tộc, khoc học, đại chúng là vậy. Trong quá trình 80 năm qua, 3 nguyên tắc đó tiếp tục được bổ sung, phát triển. Nhưng những nền tảng cơ bản ban đầu vẫn được giữ vững. Nói xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc thì trong tiên tiến có khoa học trong đó, nhưng dứt khoát phải đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đậm đà bản sắc dân tộc phải có tính đại chúng trong đó.
“Tôi nhớ năm 1983, kỷ niệm 40 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh có nói, thời điểm đó có những hạn chế nhất định, đây mới đề cương thôi, nên có mặt khiếm khuyết, có những mặt chưa hoàn chỉnh. Nhưng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, Đảng ta tiếp tục phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ để nâng văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới. Tầm cao nào thì cơ bản cũng dựa trên 3 nền tảng: Dân tộc, khoa học, đại chúng.
Nhìn lại 80 năm qua có thể thấy rằng, chúng ta thực sự may mắn. Từ khi chưa giành được chính quyền đã có Đề cương về văn hóa. Bác Hồ nói trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1946: Văn hóa soi đường quốc cho quốc dân đi. Đến hôm nay, chúng ta tự hào về Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta… Trong giai đoạn khó khăn như thế mà có đề cương văn hóa như vậy”, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ nói.
Sự đổi đời bắt đầu từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam
Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) GS.TS.NGND. Trần Văn Bính đánh giá bản Đề cương về văn hóa năm 1943 của Đảng như một văn kiện, cương lĩnh hành động, như lời hiệu triệu đối với toàn Đảng toàn dân, đặc biệt giới trí thức văn hóa và nghệ sĩ lúc bấy giờ. Ở thời kỳ nào cũng vây, tầng lớp trí thức văn hóa và nghệ sĩ luôn có tác động quan trọng cả về tinh thần và vật chất đối với phần lớn quần chúng nhân dân. Cho nên, khi nói phạm vi ảnh hưởng của đề cương này, phần lớn là quần chúng nhân dânn nhưng trong đó tầng lớp trí thức văn hóa và nghệ sĩ là đáng lưu ý.
Quả thực, nếu chúng ta so sánh nền văn hóa nghệ thuật của chúng ta trước cách mạng và sau cách mạng sẽ thấy một sự đổi đời ghê gớm. Và sự đổi đời đó bắt đầu từ bản Đề cương.
Nếu ai nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật sẽ thấy, trước cách mạng, cảnh tù túng cô đơn và bế tắc của đội ngũ văn nghệ sĩ. Thậm chí, muốn yêu nước nhưng không dám nói yêu nước, vì yêu nước là quốc cấm. Chỉ dám nói xa xôi, không dám nói trực diện, đó là nỗi đau của người nghệ sĩ. Từ đó, mọi khát vọng sáng tạo của họ bị vùi dập. Bản đề cương văn hóa là sự giải phóng, thành công lớn sau cách mạng tháng 8, chúng ta đổi đời một đội ngũ văn nghệ sĩ mới. Hầu hết các văn nghệ sỹ có mặt lúc bấy giờ đều có những tiếng nói mới, khuynh hướng mới để tiếp thu sự sáng tạo của mình và làm cho sự sáng tạo đó có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng Nhân dân
GS.TS. Trần Văn Bính cho rằng. tác phẩm “Đôi mắt” của Nhà văn Nam Cao là minh chứng về sự đổi đời đó. Đôi mắt thay đổi thực sự, trước đây nhìn cuộc đời khác, bây giờ khác, trước đây chỉ thấy lầm lũi khổ hạnh, bây giờ thấy nhân dân cực kỳ sáng tạo, anh dũng, chấp nhận hi sinh, vượt qua gian khó.
Trong 2 giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ, văn hóa nghệ thuật của chúng ta đã đạt được một đỉnh cao lớn. Như Đại hội lần thứ 4 của Đảng đã khẳng định: Nền văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của nền văn nghệ chống đế quốc trong thời đại ngày nay. Hàng loạt tác phẩm văn nghệ của chúng ta được truyền bá rộng rãi trên thế giới. Quả thực có một sự đổi đời trong văn hóa nghệ thuật. Và không chỉ trong văn hóa nghệ thuật, trong lĩnh vực đời sống tinh thần của con người cũng như vậy thôi. Trong chiến tranh ác liệt, con người Việt Nam vẫn tự tại, ung dung. Không dễ gì có được tinh thần đó.
Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và nâng tầm
PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nhấn mạnh rằng, nhắc lại Đề cương về văn hóa Việt Nam để thấy những nguyên tắc được đề ra trong bản Đề cương này qua 80 năm đến giờ này chúng ta vẫn tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và nâng tầm những nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa.
Ngay từ đầu năm 1943, trong bản Đề cương đã thấy rõ chúng ta đưa được những nhiệm vụ chính mà văn hóa cần thực hiện và cụ thể hơn là những nhà văn hóa cần thực hiện là chống lại văn hóa phản tiến bộ và xây dựng nền văn hóa mới, dân chủ với những công việc cơ bản như đấu tranh học thuyết về tư tưởng, tiếng nói, chữ viết.
Đến Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đúc kết rất cơ bản và chúng ta luôn luôn lấy là ngọn đuốc chỉ đường cho đến ngày hôm nay là “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện tự lập tự cường tự chủ.
Tại Hội nghị Văn hóa lần thứ 2, Đảng ta cũng xác định rằng phải hình thành đội ngũ tri thức mới, đóng góp tích cực cho công cuộc kháng chiến cứu quốc và cách mạng Việt Nam.
Đến năm 1946-1948 đã bắt đầu hình thành những từ ngữ đầu tiên về đội ngũ trí thức mới và vai trò của văn hóa trong công cuộc kháng chiến.
Tiếp theo của những nguyên tắc này, trong Đại hội Đảng lần thứ III, IV đặc biệt là Đại hội lần thứ IV cũng đã xác nhận phải xây dựng con người mới, nền văn hóa mới tiến hành đấu tranh chống tư tưởng và sản phẩm văn hóa phản động, độc hại. Đại hội Đảng lần thứ V đã bắt đầu xuất hiện khái niệm con người mới xã hội chủ nghĩa và phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa và nền văn hóa phải có nội dung xã hội chủ nghĩa với tính dân tộc, tính đảng, tính nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế cộng sản.
Trong giai đoạn 1986-1994 chúng ta xuất hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII và trong đó xác định “xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là 1 trong 6 đặc trưng cơ bản của xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Và Nghị quyết xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc tại Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII cũng là một mấu chốt để chúng ta phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.
Tiếp theo, trên tinh thần cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, chúng ta thấy rằng trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI đã một lần nữa khẳng định “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Chúng ta có thể thấy rằng các nguyên tắc của Đề cương là “đại chúng, khoa học” luôn luôn được đưa vào và dựa trên nghị quyết đặc thù và giá trị của truyền thống văn hóa của chúng ta, dân tộc hóa.
Đến Đại hội Đảng lần thứ XII đã nhận định rằng xây dựng nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ và khoa học; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện để trở thành mục tiêu của chiến lược phát triển; đúc kết xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII yêu cầu tập trung nghiên cứu và xây dựng, triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người gắn với hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, vai trò của con người và đội ngũ trí thức đã dần dược hình thành từ năm 1943 trong đề cương văn hóa đầu tiên và qua 80 năm ngày càng được nhận diện một cách sâu sắc, rõ ràng hơn. Dựa trên những hệ giá trị này, dựa trên những chuẩn mực của con người thì chúng ta sẽ xây dựng một đội ngũ tri thức mới toàn diện, những con người mới để phục vụ hiệu quả công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()