Thứ 6, 22/11/2024 13:28 [(GMT +7)]
Văn hóa giao thông - thực trạng và giải pháp
Thứ 3, 07/09/2010 | 17:01:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Vấn đề xây dựng “Văn hóa giao thông”được coi như một giải pháp hữu hiệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề ra để tiếp tục thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt và liên tục nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn cả nước. Không phải ngẫu nhiên chủ đề của tháng ATGT quốc gia năm nay mang tên “Tháng văn hóa giao thông”. Đây vừa là vấn đề có tính cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, nhằm xây dựng ý thức tự giác và thái độ ứng xử chuẩn mực cho con người khi tham gia giao thông.
Nhìn lại tình hình tai nạn giao thông năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010 ở tỉnh ta khiến chúng ta thật sự đau lòng. Mặc dù năm 2009 so với năm 2008 giảm được 2 tiêu chí song số người chết lại tăng với tổng số 170 vụ, làm chết 139 người, bị thương 188 người, trong đó có vụ đặc biệt nghiêm trọng tại Km 34 150 trên Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Vân Thủy , huyện chi Lăng làm chết 11 người. 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 83 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 63 người, bị thương 105 người, so với cùng kỳ giảm 4 vụ, giảm 2 người chết song tăng 20 người bị thương. Trong các vụ TNGT này, số vụ do người lái xe mô tô độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, 6 tháng đầu năm 2010 địa bàn các huyện Hữu Lũng, Lộc Bình, Tràng Định tăng cả 3 tiêu chí so cùng kỳ, trong đó những ngày cuối tháng 6 huyện Lộc Bình tăng đột biến do vụ TNGT làm chết cả 3 sinh viên đang học đại học ở Hà Nội về nghỉ hè tại địa phương. Trên thực tế, chúng ta không khỏi bức xúc về những hành vi coi thường pháp luật về ATGT. Việc một số nhóm thanh niên tổ chức đua xe về ban đêm, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, thách thức cảnh sát giao thông bằng hành vi chạy xe máy với tốc độ cao không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí có nhóm thách đố nhau cùng đua xe sóng đôi, cùng “bốc đầu”, cùng va quyệt “xem ai chết trước”, hậu quả là chết thật, để lại khổ đau cho biết bao gia đình. Không hiếm một số lái xe chở hàng, tranh khách phóng nhanh, vượt ẩu, đỗ không đúng nơi quy định. Giờ tan trường vẫn khá phổ biến hiện tượng học sinh dàn hàng 3, hàng 4 tay cầm ô đạp xe. Một số xe mô tô chở 3, chở 4 người đầu tóc xanh đỏ, tuổi choai choai phóng như bay, gây bất bình cho dư luận và gây nguy hiểm cho nhiều người trên đường. Trước đèn đỏ vẫn có kẻ ngang nhiên cắt mặt, chèn trước, vượt đèn đỏ… Đâu đó, thi thoảng ta vẫn bắt gặp các vụ va quệt xe máy, xe ô tô, nếu người trong cuộc biết nói lời xin lỗi, biết kiềm chế bản năng, biết nhường đường và không cố len lên vượt ẩu thì tình trạng ùn tắc giao thông, các vụ tai nạn không thể xảy ra. Bấy lâu nay, chúng ta trăn trở suy nghĩ đi tìm các nguyên nhân, song nguyên nhân quan trọng là lỗ hổng trong văn hóa ứng xử khi thamgia giao thông của nhiều người. Làm thế nào để xây dựng văn hóa giao thông đang là câu hỏi đặt ra cho tất cả các cấp, các ngành và từng cơ quan, đơn vị, từng địa bàn dân cư và mỗi gia đình, từng cá nhân trong xã hội.
Ai cũng hiểu, mỗi hành vi vi phạm pháp luật về ATGT, cũng đồng thời là hành vi thiếu văn hóa. Điều đáng báo động là khi tình trạng coi thường luật giao thông diễn ra như hiện nay, nhiều người từ chỗ bất bình đã dần chuyển sang chấp nhận nó như việc bình thường của đời sống. Đến nỗi đằng sau những hành vi đánh võng, lạng lách, rồ máy phóng như bay trên đường khiến cho nhiều người phải thót tim, thì không ít người cầu mong cho chúng đừng đâm phải ai, mà là tự… ngã. Để có được trật tự và văn minh thực sự trong giao thông, phải bắt đầu từ việc xây dựng một nền văn hóa giao thông vững chắc. Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi ứng xử đúng đắn theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cũng đồng nghĩa với việc phải nâng cao ý thức của mọi người khi tham gia giao thông…Công việc này là trách nhiệm của toàn xã hội và phải được thực hiện ở mọi nơi, bắt đầu là trong gia đình và tại trường học, cho mọi đối tượng từ già đến trẻ. Xây dựng văn hóa giao thông là việc lâu dài, bền bỉ và liên tục, được lồng ghép trong nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà chúng ta đã và đang thực hiện mười năm nay và cần được tiếp tục quan tâm đẩy mạnh, làm cho sâu sắc hơn, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi người, thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()