Những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế, trên cả nước đã ra đời rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ sản xuất và kinh doanh trên các lĩnh vực khác nhau. Sự ra đời của các doanh nghiệp là một tất yếu khách quan, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế, tạo ra việc làm, giúp ổn định thu nhập, đặt người lao động vào quá trình chuyên môn hóa, từng bước nâng cao tay nghề. Trong bối cảnh ấy, từ tính đa dạng của sản xuất và kinh doanh, đòi hỏi của việc xây dựng uy tín thương hiệu, từ yêu cầu trong việc tổ chức, quản lý và sự hình thành bộ nguyên tắc ứng xử với khách hàng và ứng xử giữa thành viên trong doanh nghiệp,... đã dẫn tới sự ra đời của văn hóa doanh nghiệp.Đánh giá vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong sự phát triển của doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu cho rằng, đó là "yếu tố căn bản tạo nên sự khác biệt của một thương hiệu", là "yếu tố vàng của thành công". Từ vai trò quan trọng của nó, thời...
Những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế, trên cả nước đã ra đời rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ sản xuất và kinh doanh trên các lĩnh vực khác nhau. Sự ra đời của các doanh nghiệp là một tất yếu khách quan, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế, tạo ra việc làm, giúp ổn định thu nhập, đặt người lao động vào quá trình chuyên môn hóa, từng bước nâng cao tay nghề. Trong bối cảnh ấy, từ tính đa dạng của sản xuất và kinh doanh, đòi hỏi của việc xây dựng uy tín thương hiệu, từ yêu cầu trong việc tổ chức, quản lý và sự hình thành bộ nguyên tắc ứng xử với khách hàng và ứng xử giữa thành viên trong doanh nghiệp,… đã dẫn tới sự ra đời của văn hóa doanh nghiệp.
Đánh giá vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong sự phát triển của doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu cho rằng, đó là “yếu tố căn bản tạo nên sự khác biệt của một thương hiệu”, là “yếu tố vàng của thành công”. Từ vai trò quan trọng của nó, thời gian qua, một số doanh nghiệp ở Việt Nam đã rất chú trọng đến việc xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp của mình. Ở các doanh nghiệp này, bên cạnh sự quan tâm tới “toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp ấy và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích”, một số nơi còn chú ý tới sinh hoạt tinh thần của cán bộ, nhân viên với sự ra đời câu lạc bộ sở thích, trung tâm vui chơi giải trí, tổ chức hội diễn văn nghệ… Đó là các hoạt động cần được khuyến khích. Tuy nhiên bên cạnh đó, đã xuất hiện hiện tượng có một vài doanh nghiệp nhân danh văn hóa doanh nghiệp để tổ chức một số hoạt động “phi văn hóa” mà nếu tin tức về hoạt động này không lọt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp thì công chúng không thể biết. Bởi ở đó, nhân viên được tạo điều kiện để giải trí theo cách thức phản cảm. Nơi tạo điều kiện để nhân viên hò hát bằng cách “phá phách” phần lời của một số bài hát nổi tiếng. Nơi để cho nhân viên biểu diễn văn nghệ gần như khỏa thân. Thậm chí gần đây, vi-đê-ô clip về một tiết mục văn nghệ trong đó “các chàng trai lột váy bạn diễn, lộ cơ thể chỉ còn mặc bi-ki-ni” đã gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Và đáng tiếc là, dù đã có lời xin lỗi công chúng, người đại diện của doanh nghiệp này vẫn thanh minh đó là “sinh hoạt riêng của công ty… đây chỉ là một tiết mục nội bộ”!
Như đã nói, sự phát triển của văn hóa doanh nghiệp là cần thiết, nên được khuyến khích. Nhưng cần xác định dứt khoát rằng, dù quan trọng đến mức nào, dù cái riêng độc đáo như thế nào thì văn hóa doanh nghiệp cũng không thể nằm ngoài chuẩn mực, tiêu chí văn hóa chung của xã hội. Văn hóa ấy không chỉ góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp mà còn phải góp phần vào sự phát triển con người, thỏa mãn nhu cầu của con người một cách lành mạnh. Nói cách khác, không được hiểu, không được coi văn hóa doanh nghiệp là một “thế giới riêng”, muốn làm gì thì làm. Nếu không quan tâm tới vấn đề này, tự đặt ra ngoài yêu cầu chung, văn hóa doanh nghiệp có thể ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường văn hóa xã hội, và ảnh hưởng tới uy tín của chính doanh nghiệp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()