Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại
Văn hóa dân gian vẫn có sức sống đâu đó trong đời sống đương đại, nhưng hầu hết vẫn chỉ là tự phát. Nếu có những chiến lược hỗ trợ đúng cách, văn hóa dân gian sẽ phát triển mạnh mẽ trong đời sống đương đại, đem lại những giá trị không chỉ tinh thần mà cả vật chất.
Những cách làm độc đáo
Không phải ai cũng để ý, một số yếu tố văn hóa dân gian đã được khai thác rất thành công trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, tạo nên những sản phẩm vật chất hoặc tinh thần độc đáo, có ý nghĩa. Một trong số đó, được biết đến nhiều nhất, có thể kể đến các sản phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Trí Minh. Anh là người xây dựng tên tuổi trong làng âm nhạc với vai trò nhạc sĩ âm nhạc điện tử, và đưa vào trong các tác phẩm của mình nhiều chất liệu, trong đó có âm nhạc dân gian.
Nhạc sĩ chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình có mẹ là nghệ sĩ nhạc dân gian, cho nên được tiếp xúc rất sớm với loại hình âm nhạc này. Bản thân tôi là nhạc sĩ và là người thực hành khai thác, phát triển vốn văn hóa dân gian”.
Nhạc sĩ cho biết, ngay từ đầu những năm 2000, anh đã đưa âm nhạc dân gian vào các tác phẩm của mình. Ban đầu, anh chỉ khai thác bằng cách dựa vào các nét của âm nhạc dân gian và sáng tác. Đến nay, cách thức khai thác của anh đã thay đổi: “Tôi mời hẳn nghệ sĩ âm nhạc dân gian cùng sáng tác với mình chứ không chỉ khai thác đơn thuẩn sản phẩm đã có sẵn nữa”. Các loại hình âm nhạc dân gian mà nhạc sĩ thường đưa vào tác phẩm của mình là ca trù, âm nhạc của đồng bào các dân tộc…
Khác với nhạc sĩ Trí Minh là một nhạc sĩ chuyên nghiệp có sử dụng yếu tố văn hóa dân gian vào tác phẩm của mình, Đặng Văn Hậu lại là một nghệ nhân dân gian thực thụ. Sinh ra và lớn lên tại làng nghề tò he Xuân La (xã Phượng Dức, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), anh không chỉ nặn tò he thành thạo, mà còn nâng tò he lên thành một nghệ thuật, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao từ món đồ chơi dân gian truyền thống cha ông để lại.
Năm 2017, anh cùng với nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân nặn con giống bột Đồng Xuân cuối cùng của Hà Nội Phạm Nguyệt Ánh mày mò tìm cách khôi phục lại con giống bột cổ xưa đã thất truyền. Đến nay, toàn bộ hình ảnh con giống bột như: Nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá vàng, bộ lục súc và con giống ở Huế… đã được anh Hậu phục hồi lại gần như đầy đủ.
Ngoài ra, bằng sự sáng tạo của mình, nghệ nhân Đặng Văn Hậu còn tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tạo tác công phu… để phục vụ cho những đối tượng khách hàng khác nhau. Thí dụ, bộ sản phẩm “Tích Trung thu” anh phối hợp với họa sĩ Cẩm Anh thực hiện, được thiết kế và thử nghiệm nhiều lần trước khi hoàn chỉnh, có giá thành lên tới hàng triệu đồng, mức giá cao gấp hàng trăm lần so với sản phẩm tò he thông thường.
Họa sĩ Lê Mạnh Cương, người sáng lập KEIG Studio và game “Thần tích” lại lựa chọn một con đường khác để khai thác vốn văn hóa dân gian. “Thần tích” là game đầu tiên dựa trên chất liệu kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Ý tưởng của những người sáng lập game là xây dựng một trò chơi điện tử với các nhân vật trong truyền thuyết, cổ tích của Việt Nam như Lạc Long Quân, Âu Cơ hay Sơn Tinh, Thủy Tinh…
Đây chỉ là ba trong số rất nhiều thí dụ thực trong cuộc sống, được nêu lên trong buổi trò chuyện về “Văn hóa dân gian trong thời đương đại”, chương trình nằm trong chuỗi sự kiện đối thoại “Sống với văn hóa dân gian” do Trường Đại học Việt Nhật và Liên minh Sáng kiến văn hóa Việt Nam đồng chủ trì, các đơn vị Chèo 48h Tôi chèo về quê hương, VICH – Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, Về Làng, Trường Ca Kịch viện đồng tổ chức, với sự phối hợp của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Phòng Thí nghiệm tương tác người – máy, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Folklore Club USSH.
Những giải pháp để văn hóa dân gian “sống” trong đời sống đương đại
Nhiều nhà nghiên cứu, người thực hành cũng như nghệ nhân dân gian đã có những chia sẻ, ý tưởng về việc giữ cho văn hóa dân gian phát triển trong đời sống đương đại. Một trong những giải pháp được nhiều người quan tâm là giáo dục cho thế hệ trẻ.
PGS, TS Trần Thị Thanh Tú (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, tiếp cận từ giáo dục là một trong ba cách tiếp cận quan trọng đối với văn hóa dân gian, cùng với kết hợp với kinh tế để tạo ra giá trị gia tăng, và kết hợp với công nghệ để phát triển.
Bà Trần Thị Thanh Tú cho rằng, ngay từ nhỏ, trẻ nhỏ phải được tiếp cận với các sản phẩm văn hóa dân gian như tò he, rối nước… Tuy nhiên, hiện nay ở các chương trình giáo dục cấp tiểu học, phổ thông đều chưa có, chưa quan tâm đến nội dung này. Trẻ biết về văn hóa dân gian chủ yếu do các gia đình chủ động cho các con tiếp cận. Ở các cấp học cao hơn, học sinh cần có sự tiếp cận cao hơn nữa, theo nhận thức của các con.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng chia sẻ về kinh nghiệm tiếp cận lớp trẻ của mình. Anh kể: “Chúng tôi tham gia các lễ hội văn hóa và hội chợ để trải nghiệm. Tò he là món đồ hấp dẫn các em nhỏ, chúng tôi giúp các em tiếp cận bằng cách cho các em trải nghiệm nặn tò he với các dụng cụ của nghệ nhân. Từ đó, các em có thể hiểu hơn và yêu thích văn hóa truyền thống hơn”.
Một điều quan trọng không thể thiếu, là định hướng và chính sách của Nhà nước. GS.TS. Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam nếu không có chính sách, định hướng từ Nhà nước thì không làm được gì. Hiện tại, các chính sách của Nhà nước đối với văn hóa dân gian cũng khá mở, nhưng chưa thực sự hỗ trợ hay tiếp cận được đến đối tượng của chính sách. Thí dụ như các nghệ nhân dân gian, mặc dù đã có danh hiệu được công nhận, nhưng lại chưa hề có chế độ gì.
Đồng ý kiến với GS. TS Lê Hồng Lý, nhạc sĩ Trí Minh cho rằng, là người tham gia trực tiếp từ rất lâu, anh nhận thấy để phát triển được thì phải có định hướng của Nhà nước, nếu không có các chính sách mở đường của Nhà nước thì các chính sách phát triển con người không đi đến đâu.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng cho rằng, nghệ nhân dân gian không chỉ làm việc một mình theo kinh nghiệm vốn có từ cộng đồng của mình, mà phải hợp tác với nhiều bên. Chính vì thế, cần đến hoạch định chính sách, sáng tạo, sản xuất, để tạo nên sản phẩm kết hợp như vậy.
Ngoài ra, việc tạo ra những chuỗi giá trị cũng là cách để văn hóa dân gian tồn tại. Các sản phẩm thương mại khai thác yếu tố văn hóa dân gian, các sản phẩm du lịch, hay những sản phẩm cụ thể như áo dài, tò he… đều có thể được xây dựng thành chuỗi giá trị.
Điều quan trọng nhất, là người dân phải nhận thức được những giá trị quý báu của văn hóa dân gian, sử dụng và khai thác các sản phẩm có yếu tố văn hóa dân gian bên cạnh các sản phẩm hiện đại, đó cũng là một cách hướng về nguồn cội.
Nhiều khi chúng ta mải chạy theo những giá trị khác mà bỏ quên văn hóa dân gian. Ngày xưa, GS Trần Quốc Vượng có nói “Còn dân là còn văn hóa”. Như đợt Covid-19 vừa rồi, chúng ta thấy có rất nhiều ca dao tục ngữ hò vè về đề tài này, đó là điều thú vị của văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Trong đời sống hiện đại, cái gì khai thác đc các yếu tố văn hóa dân gian thì sẽ tồn tại rất lâu”.
GS. TS Lê Hồng Lý
TheoNhandan
Ý kiến ()