Vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải
Quy mô lưới điện truyền tải (LÐTT) ở nước ta ngày càng mở rộng, tăng trưởng cao hằng năm, nhưng nhìn chung, chưa bảo đảm độ dự phòng (N-1). Tình trạng quá tải đường dây (ÐZ) và máy biến áp (MBA) thường xảy ra trên lưới 220 kV nối các nhà máy điện do khai thác cao nguồn điện và ÐZ cấp điện cho các trung tâm phụ tải lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Lưới 500 kV luôn phải truyền tải cao từ bắc vào nam để đáp ứng nhu cầu điện luôn tăng cao ở khu vực này. Nhiều thiết bị 500 kV, 220 kV đã vận hành lâu năm, chất lượng thiết bị suy giảm, ảnh hưởng độ an toàn, tin cậy cung cấp điện.
Thiết bị quá tải, xuống cấp
Qua tìm hiểu thực tế, các ÐZ 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa hiện mang tải khoảng 30%; các ÐZ 500 kV khu vực đông bắc (Quảng Ninh) tải 30%; ÐZ 500 kV Quảng Ninh – Thường Tín tải 65%; ÐZ 500 kV Thường Tín – Nho Quan tải 72%; ÐZ 500 kV Nho Quan – Hà Tĩnh mang tải 90%, có thời điểm mang tải tới 106%. Cung đoạn Hà Tĩnh – Ðà Nẵng công suất 65% nhưng mạch còn lại quá tải, lên tới 127%, do đó, nhiều thời điểm, đơn vị điều độ phải tách tụ để nâng cao khả năng tải, làm giảm độ tincậy của lưới.
Nhìn chung, các trạm biến áp (TBA) vận hành ổn định, bảo đảm cung cấp điện cho phụ tải, tuy nhiên, vẫn còn sự cố do thiết bị vận hành lâu năm như KH502, KH504 ở TBA 500 kV Ðà Nẵng… Các MBA phát sinh hàm lượ ng khí cháy như pha B của MBA AT2 thuộc TBA 500 kV Hà Tĩnh, MBA AT2 thuộc TBA 500 kV Plây Cu. Ngoài ra, còn ghi nhận tình trạng hỏng hóc đồng hồ đo nhiệt dầu MBA, sự cố rơ-le; do chập mạch nhị thứ gây ra…
Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 Nguyễn Hà Ðông nói: ÐZ 500 kV mạch 1 đã vận hành hơn 20 năm, hiện đã già cỗi, thường xuyên gặp sự cố, do đó đã đến lúc cần thay thế các thiết bị để bảo đảm vận hành an toàn. Vì TBA 500 kV là điểm nút quan trọng, cho nên, anh em ở trạm phải trực vận hành rất căng thẳng. Việc thay thế thiết bị chính cũng hết sức khó khăn khi TBA 500 kV là điểm hòa điện của các trục 500 kV, lúc nào cũng mang tải cao, tách khỏi vận hành để thao tác là không đơn giản.
Chuyên gia Nguyễn Ðức Ninh ở Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho rằng, do đặc điểm phân bố không đồng đều cũng như chế độ hoạt động khác nhau của các dạng nguồn điện của Việt Nam, lưới điện 500 kV thường xuyên phải truyền tải một lượng công suất rất lớn, nhất là các ÐZ 500 kV Nho Quan – Hà Tĩnh trên giao diện bắc – trung; các cung đoạn từ Plây Cu đến Phú Lâm trên giao diện trung – nam. Hiện tượng sụp đổ điện áp gây sụt điện áp tại đầu nhận công suất khi truyền tải điện 500 kV ở mức cao.
Nỗ lực giảm sự cố
Phó Trưởng banKỹ thuật (Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia – NPT) LãMạnh Hoàn cho biết, các thiết bị hệ thống ÐZ 500 kV hầu hết đã vận hành lâu năm, nhất là ÐZ 500 kV mạch 1. Ðối với máy kháng ở TBA 500 kV Ðà Nẵng bị trục trặc vừa qua, NPT và các đơn vị thường xuyên thí nghiệm định kỳ, đo đếm bên ngoài. Các phép đo chủ yếu là điện áp thấp. Việc phát hiện sự cố tiềm ẩn là rất khó khăn. Còn việc thay thế, hiện tại là khó khả thi vì kinhphí hạn hẹp. Hơn nữa, MBA, máy kháng đang vận hành bình thường, không thể “lôi ra” thay.
Giai đoạn năm 2015-2020, xu hướng truyền tải điện cao theo chiều bắc – nam sẽ được tiếp tục, cho nên khả năng đáp ứng tiêu chí dự phòng phụ thuộc chủ yếu phương thức vận hành, huy động nguồn và công suất truyền tải trên đường trục bắc-nam. NPT quy định tăng cường kiểm tra các PD Test, cách điện cứng các MBA, máy kháng. Ðại tu, sửa chữa, thay thế các MBA, máy kháng, máy cắt, lưỡi dao cách ly, biến dòng điện, biến điện áp, các rơ-le bảo vệ kiểm bán dẫn bị hư hỏng. Theo dõi thường xuyên, định kỳ các thiết bị TBA, giám sát chế độ vận hành thiết bị, không để vận hành quá điện áp, quá tải.
NPT cũng đã đề xuất Bộ Công thương, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) cần có dự trữ MBA, máy kháng dự phòng, thiết bị có nguy cơ hư hỏng cao (mặc dù việc này góp phần làm đọng vốn) tại những địa bàn trọng yếu; tập trung tăng cường quản lý kỹ thuật, nỗ lực trangbị các thiết bị tiên tiến hơn để theo dõi, giám sát hoạt động của hệ thống LÐTT nhằm chủ động phát hiện, ngăn ngừa, giảm thiểu sự cố trên lưới. NPT cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ TBA không người trực. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, vật tư thiết bị TBA. Sử dụng công nghệ tự động hóa để đơn giản hóa thao tác và kiểm soát trình tự thao tác cho người vận hành.
Ðối với một số ÐZ 500 kV thường xảy ra nhiều sự cố do sét đánh, tự động đóng lại không thành công. Sau khi xác định nguyên nhân, NPT chỉ đạo các đơn vị phối hợp Trường đại học Bách khoaHà Nội nghiên cứu đưa ra giải pháp xử lý tiếp địa, điều chỉnh khe hở mỏ phóng. Kết quả các sự cố dạng này giảm rõ rệt thời gian qua. Cùng với các biện pháp nói trên, NPT cũng hết sức coi trọng công tác bảo đảm an toàn hành lang lưới điện 500 kV. NPT đã đề xuất và thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương và EVN giao các công ty truyền tải điện ký hợp đồng bảo vệ hành lang cho ÐZ 500 kV mạch 2 với chính quyền các địa phương, quân đội nơi có ÐZ đi qua… Chính vì vậy, dù khối lượng quản lý lưới điện ngày càng tăng, nhưng số lượng sự cố trong năm 2014 đã giảm 31 vụ so với năm 2013. Trong đó, số lượng sự cố đối với các TBA đã giảm 39 vụ so năm 2013. Trong năm không để xảy ra sự cố nào đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng quá trình cấp điện cho phụ tải và gây mất điện.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()