Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc không phải là của cải, tiền bạc, sự kế thừa địa vị mà là những lời dặn dò tâm huyết, những bài học được đúc kết từ thực tế cuộc đời hoạt động cách mạng của Người và từ kết quả của tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Di chúc của Người không những có ý nghĩa thiêng liêng với hiện tại mà còn nguyên giá trị to lớn đối với tương lai. Ánh sáng trong Di chúc sẽ mãi mãi soi rọi, dẫn đường, chỉ lối cho việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, xứng đáng vai trò cầm quyền lãnh đạo cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện “Di chúc” của Hồ Chí Minh trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 cũng chính là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng trong nhà trường phấn đấu xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn ngày càng vững mạnh và phát triển toàn diện trong thời đại mới.
LSO-Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại “Di chúc” thiêng liêng. Đó là lời căn dặn cuối cùng, là tình cảm, niềm tin của Người với toàn Đảng, toàn dân và các thế hệ người Việt Nam đương thời và muôn đời sau. Di chúc đã đề cập đến nhiều phương diện, chứa đựng những giá trị lý luận, thực tiễn, trong đó, những lời di huấn về Đảng và xây dựng đạo đức cách mạng cho Đảng là những nội dung quý giá mãi mãi soi sáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Từ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng bởi vì đó là nền tảng tinh thần quyết định sự phát triển lành mạnh một con người và của xã hội. Chúng ta luôn ghi nhớ rằng, tư cách, phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của mọi công dân không phân biệt bất cứ ai. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huấn, để xây dựng Đảng trong điều kiện là một Đảng cầm quyền, vấn đề tiên quyết là phải chăm lo giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng.
Người căn dặn cho cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Luận điểm của Người nhắc nhở rằng trong học tập, lao động, công tác cũng như trong cuộc sống đời thường của từng người ở xã hội ta vào thời kỳ cách mạng nào cũng thế, nếu sự bất liêm, bất chính, lãng phí, tham ô, lười biếng, vô trách nhiệm, thu vén cá nhân, ích kỷ vì lợi ta hại người còn lẩn khuất đâu đó bằng sự dối trá với chính mình, với tập thể và cộng đồng thì đó là “kẻ thù nội xâm” nguy hiểm khôn lường.
Chống suy thoái về đạo đức là chống lười biếng, xa xỉ, quan liêu và đặc biệt là chống sự nhũng lạm. Theo quan điểm của Người, là cán bộ, công chức nhà nước thì dù ít, dù nhiều đều có quyền hành. Cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Có quyền mà thiếu lương tâm, không chịu tu dưỡng rèn luyện thì dễ trở nên hủ bại, dễ biến thành sâu mọt của dân, dễ “dĩ công vi tư”. Vì vậy Người cho rằng tham nhũng là bệnh của những người có quyền lực, lạm dụng quyền lực cộng với lòng tham để nhũng nhiễu dân; do đó là bệnh của cán bộ công chức. Muốn chống tham nhũng, phải chống cả xa xỉ, vì xa xỉ mà sinh ra tham nhũng. Mà chống tham nhũng trước hết là chống tham quyền, vì tham quyền là gốc của lợi. Chống tham nhũng phải bằng giáo dục, công tác tư tưởng. Nhưng chỉ có giáo dục đạo đức không thôi thì không thể xoá bỏ được tham nhũng mà phải kết hợp chặt chẽ với pháp luật, mà quan trọng là tính khoa học và minh bạch của bộ máy, đồng thời phải dùng cả “pháp trị” với tính nghiêm minh của pháp luật, phép nước.
Chống suy thoái về đạo đức, đặc biệt phải tập trung chống chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì chủ nghĩa cá nhân là một loại giặc, đồng minh với các loại giặc khác. Muốn chống các loại giặc khác, trước hết phải chống giặc trong lòng, tức chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh khác nhau. Nó không chỉ ảnh hưởng tới từng cá nhân, đối với dân tộc, mà còn làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Thực hiện lời di huấn của Người trong sự nghiệp đổi mới hiện nay cần coi trọng xây dựng đạo đức của người cán bộ, đảng viên và công chức. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa XI đã thảo luận và ra Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong thời gian qua đã tổ chức học tập và quán triệt đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, quần chúng trong toàn trường về những nội dung trong nghị quyết. Đưa ra các giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên quan trọng, gắn với các nhiệm vụ chính trị cụ thể của nhà trường:
Thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề, hàng năm tổ chức nghiên cứu, trao đổi, thảo luận tại các chi bộ trong từng tháng, từng quý, gắn với việc sơ kết, tổng kết và nêu gương điển hình tiên tiến.
Xây dựng và bổ sung các chuẩn mực đạo đức cụ thể, sát với đặc điểm tình hình nhiệm vụ chính trị của nhà trường, thực hiện Điều lệ Đảng, quy định những điều đảng viên không được làm. Các chuẩn mực đạo đức được xây dựng theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành một trong những cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng đăng ký thực hiện, kiểm điểm theo Nghị quyết Hội nghị 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trong sinh hoạt chi bộ, kiểm điểm cuối năm theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, chân thành.
Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc không phải là của cải, tiền bạc, sự kế thừa địa vị mà là những lời dặn dò tâm huyết, những bài học được đúc kết từ thực tế cuộc đời hoạt động cách mạng của Người và từ kết quả của tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Di chúc của Người không những có ý nghĩa thiêng liêng với hiện tại mà còn nguyên giá trị to lớn đối với tương lai. Ánh sáng trong Di chúc sẽ mãi mãi soi rọi, dẫn đường, chỉ lối cho việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, xứng đáng vai trò cầm quyền lãnh đạo cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện “Di chúc” của Hồ Chí Minh trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 cũng chính là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng trong nhà trường phấn đấu xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn ngày càng vững mạnh và phát triển toàn diện trong thời đại mới.
Trần Văn Tuấn
Ý kiến ()