Vận động đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia bảo hiểm
Vùng Tây Bắc gồm sáu tỉnh, chiếm một phần ba diện tích cả nước, với hơn 10 triệu dân, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, khu vực vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém; đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không ổn định, trông chờ vào mùa vụ, thiên tai thường xuyên xảy ra… Ðây là nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc người lao động và người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình còn thấp so với tiềm năng, cũng như mặt bằng chung cả nước.
Tại hội thảo “Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình” tổ chức mới đây tại tỉnh Ðiện Biên, thông tin về kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ở khu vực Tây Bắc, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết: Tính đến ngày 30-9-2017, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT khu vực Tây Bắc là 4.405.383 người, chiếm 5,58% tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên toàn quốc. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 10.211 người, tăng 12% so với năm 2016; số người tham gia BHYT là 4.395.172 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 96,2% so với số dân vùng. Trong đó, tỷ lệ bao phủ BHYT của cả sáu tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT theo Quyết định số 1167/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả nêu trên đã ghi nhận những nỗ lực cố gắng phấn đấu của các địa phương khu vực Tây Bắc trong công tác thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế, vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế -xã hội còn nhiều yếu kém; địa bàn rộng, giao thông đi lại cách trở, cho nên việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình không dễ dàng; người dân chủ yếu là đồng bào DTTS, nhận thức còn hạn chế, không có việc làm thường xuyên, kinh tế không ổn định, trông chờ vào mùa vụ, thiên tai lại hay xảy ra;… Ðây là những nguyên nhân dẫn tới số người lao động và người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình còn thấp so với tiềm năng chung của toàn vùng.
Ðặc biệt, Tây Bắc vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao (kết quả điều tra năm 2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, số hộ nghèo thuộc khu vực miền núi Tây Bắc có tỷ lệ cao nhất, hơn 31%). Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của vùng cao, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT có tăng (do đối tượng hộ nghèo và cận nghèo đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT). Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi, tỷ lệ bao phủ BHYT của cả sáu tỉnh khu vực Tây Bắc đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT theo Quyết định số 1167. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn đối tượng tham gia BHYT của khu vực này lại do Nhà nước bao cấp hoặc hỗ trợ một phần. Ðây là lý do khiến tỷ lệ bao phủ BHYT khu vực Tây Bắc được đánh giá là không bền vững.
Để chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp bà con các dân tộc thấy được quyền lợi thiết thực, như có được sự giúp đỡ, hỗ trợ khi chẳng may gặp những rủi ro về sức khỏe, hoặc có tiềm lực kinh tế để ổn định cuộc sống sau khi hết tuổi lao động. Phó Chủ nhiệm Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh: Ðiều cốt yếu ở đây là phải làm sao để tuyên truyền cho người dân hiểu chính sách BHXH, BHYT sẽ là “lưới đỡ” cho người già khi không còn sức lao động, cho người bệnh khi không may bị ốm đau, chủ động tham gia ngay cả khi không còn trợ cấp của Nhà nước. Tuyên truyền phải bảo đảm tinh thần “đi tận ngõ, gõ cửa tận nhà” để chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vượt qua trở ngại khoảng cách về địa lý đến được với mỗi đồng bào DTTS. Ðây là yếu tố quan trọng để phát triển BHXH, BHYT bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc.
Với góc tiếp cận của các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, đồng bào DTTS, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, TS Trần Bá Dung cho rằng, qua báo chí, nhất là thông qua các ấn phẩm cấp phát miễn phí các thông tin về BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình đến được với đồng bào các DTTS, có vai trò to lớn trong việc tác động đến nhận thức, nếp nghĩ, thay đổi thái độ và từ đó thay đổi hành vi – cách làm của đồng bào. Qua đó, đồng bào có thể tìm hiểu, nhận biết lợi ích, cách thức thực hiện để tham gia bảo hiểm…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, để việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT khu vực Tây Bắc được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện, BHXH Việt Nam cũng có nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, BHXH các địa phương phải đặc biệt chú trọng, chủ động hơn nữa trong phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư. Phát huy vai trò, uy tín, kinh nghiệm của Ủy ban Dân tộc và các tổ chức đoàn thể, cũng như vai trò của các già làng, trưởng bản và đại lý thu BHXH trong công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đến với từng gia đình, từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, với địa bàn vùng Tây Bắc có đặc thù rộng lớn, địa hình chia cắt, cho nên ngoài việc tăng cường tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, cần đẩy mạnh vai trò của mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT và tăng số lượng đại lý thu nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho khu vực Tây Bắc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()