Đi lên từ thế mạnh
Chợ Cái Rồng là trung tâm buôn bán lớn nhất của huyện đảo. Mấy năm nay, hàng hóa phong phú, đặc biệt là thủy sản tươi sống. Bác bán hàng tên Hòa nhanh nhảu cho biết, chợ Vân Đồn tiêu thụ hơn năm tấn tu hài, hàu Thái Bình Dương mỗi ngày và nhiều gia đình đang giàu lên từ việc nuôi trồng các loài nhuyễn thể này. Theo lời bác, chúng tôi tìm đến một 'đại gia' nuôi tu hài ở xã Đông Xá trước kia vốn là một nông dân thuộc diện nghèo. Anh Hoàng 'đại gia' nuôi tu hài, vui vẻ tâm sự: Việc nuôi tu hài của gia đình anh bắt đầu từ năm 2005. Lúc đầu, gia đình chưa dám làm vì không có vốn, nhưng được chính quyền xã tạo điều kiện cho vay, đưa đi tham quan học tập cách làm ở các tỉnh bạn nên đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng. Sau ba vụ nuôi tu hài thành công, anh đã trả đủ tiền vay và bắt đầu có lãi. Tiếp đến, anh cùng các hộ liên kết tìm các vịnh kín gió để nuôi thả. Đến nay, anh có thu nhập 200 triệu đồng/năm từ nuôi tu hài. Còn ở xã Bản Sen, Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Phương, cho biết, Đảng ủy xã chọn nghề nuôi tu hài, ốc hương để thoát nghèo. Sau 5 năm thực hiện, nghề nuôi trồng các loài nhuyễn thể này đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 50,3% (năm 2005) xuống 18% (năm 2010).
Ngoài nuôi trồng thủy sản, huyện đảo Vân Đồn còn phát huy thế mạnh về du lịch và khai thác đất rừng. Nhân dân các đảo Quan Lạn và Minh Châu đang triển khai hiệu quả mô hình 'du lịch sinh thái cộng đồng'. Với ưu điểm là liên kết các hộ trong công tác vệ sinh môi trường, cải tạo cơ sở hạ tầng, gìn giữ công trình văn hóa cổ, đầu tư sản xuất nông sản sạch… đã thu hút đông khách tham quan, du lịch. Ba tháng đầu năm 2011, Vân Đồn đón hơn 60 nghìn lượt khách du lịch, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượng du khách quay trở lại chiếm gần 40%. Đến thăm xã núi cao Vạn Yên, chúng tôi lại được ngắm những rừng cam, măng vầu, thanh mai tươi tốt. Bí thư Đảng ủy xã Chu Quyết Thắng, cho biết: Vạn Yên không có bờ biển, nên trước đây nhân dân chủ yếu trồng lúa, đời sống rất khó khăn, hơn 50% số hộ thuộc diện nghèo. Từ khi xã vận động bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mô hình 'trồng rừng ngoài gỗ', nghĩa là bên cạnh việc trồng rừng, khai thác gỗ có kế hoạch là đẩy mạnh trồng cây lấy quả, chăn nuôi. Nhiều hộ tích cực sưu tầm chọn các giống cây ăn quả, cây lấy củ phù hợp với thổ nhưỡng kết hợp chăn nuôi gia súc.
Nhờ chủ động phát huy các thế mạnh địa phương mà thời gian qua đời sống kinh tế-xã hội của huyện đảo phát triển nhanh. Năm 2005, thu ngân sách toàn huyện mới đạt năm tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo là 16,67% thì năm 2010 thu ngân sách đạt 41 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,97%.Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyễn Thị Nụ, cho biết, đây là kết quả của sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng hướng và sự tham gia tích cực của toàn đảng bộ, trong đó có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, đảng viên thôn, xã.
Cùng dân lo xóa nghèo, làm giàu
Ngẫm câu 'đảng viên đi trước làng nước theo sau' với Đảng bộ xã Vạn Yên thật đúng, mà điển hình là bác Đinh Văn Lầu, Chủ tịch Hội nông dân xã, người đi đầu trong phát triển mô hình 'trồng rừng ngoài gỗ', được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Thấy đời sống gia đình và bà con trong xã vất vả, bác mạnh dạn mua các cây: thanh mai, cam, trồng thử. Không ngờ, chúng lớn nhanh và cho nhiều trái. Bác tìm và trồng thêm ba kích, măng bát độ và nuôi ong. Từ cách làm này, bác thu gần 100 triệu đồng mỗi năm. Thấy hiệu quả, bác vận động bà con làm theo. Giờ đây mô hình 'trồng rừng ngoài gỗ' được bà con nhân rộng ra nhiều xã có rừng trong huyện.
Tinh thần của các cán bộ, đảng viên thôn, xóm còn được bà con ghi nhận trong công tác an sinh xã hội. Năm 2010 vừa qua, huyện ủy đề ra chương trình xóa nhà tạm. Các đồng chí cấp ủy các cấp và cán bộ chủ chốt đều bám cơ sở để 'đốc chiến'. Sau sáu tháng, toàn huyện đã xóa được 178 nhà tạm. Cán bộ năng nổ, nhiệt tình chưa đủ mà phải có trình độ. Đó là kinh nghiệm của Vân Đồn trong công tác lãnh đạo. Đến với Hạ Long, một xã trung tâm của huyện, chúng tôi được nghe câu chuyện từ Bí thư Đảng ủy xã đồng thời là Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Đồng. Năm 2005, xã Hạ Long có sáng kiến xã hội hóa việc xây dựng các nhà văn hóa thôn. Chủ trương này được Huyện ủy ủng hộ và trợ cấp kinh phí. Nhưng vì nóng vội, yếu kém trong quản lý nên đã để thất thoát kinh phí. Kết quả là hầu hết đội ngũ lãnh đạo xã, thôn bị kỷ luật. Từ bài học này, Huyện ủy rút kinh nhiệm và quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Ngoài việc cử cán bộ theo các lớp học do tỉnh mở, Huyện ủy chủ động liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong, ngoài tỉnh mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ xã, thôn, trong đó chú trọng các ngành thủy sản, du lịch, quản lý đô thị… Nhiều cán bộ xã, thôn còn tự học để nâng cao trình độ. Đến nay, hầu hết cán bộ xã đã đạt chuẩn, lực lượng cán bộ trẻ chiếm hơn 70% và phát huy tốt năng lực trong thực hiện nhiệm vụ.
Tận mắt chứng kiến những đổi thay của huyện đảo Vân Đồn, chúng tôi tin rằng trong tương lai không xa, nơi đây sẽ là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và dịch vụ cao cấp, là đầu mối giao thương quốc tế như Đề án phát triển Khu kinh tế-xã hội Vân Đồn đã được Chính phủ phê duyệt.
Ý kiến ()