Vấn đề xử lý nợ xấu từ VAMC
Việc Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời được các chuyên gia kinh tế ví như là "cú huých" tạo động lực đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, từng bước khơi thông nguồn tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, làm "xẹp" quả bóng nợ xấu như thế nào và trong bao lâu, là câu hỏi không dễ trả lời khi thực tế, nó vẫn đang treo lơ lửng trước mắt VAMC, ngân hàng và DN.
Việc Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời được các chuyên gia kinh tế ví như là “cú huých” tạo động lực đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, từng bước khơi thông nguồn tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, làm “xẹp” quả bóng nợ xấu như thế nào và trong bao lâu, là câu hỏi không dễ trả lời khi thực tế, nó vẫn đang treo lơ lửng trước mắt VAMC, ngân hàng và DN.
VAMC – công cụ xử lý nợ xấu
Ðược thành lập theo Quyết định số 1459/QÐ-NHNN ngày 27-6-2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), VAMC là DN đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn, chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát trực tiếp của NHNN. VAMC hoạt động với số vốn điều lệ 500 tỷ đồng và theo nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận; công khai, minh bạch; hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu.
VAMC ưu tiên mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có nợ xấu hơn 3%, các ngân hàng thương mại vốn nhà nước và các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu. Sau quá trình thẩm định, VAMC sẽ tiến hành mua các khoản nợ xấu của các TCTD qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt (TPÐB). Ðầu tháng 10 vừa qua, VAMC đã thực hiện giao dịch đầu tiên với việc mua lại 1.723 tỷ đồng nợ xấu của Agribank. Sau đó, VAMC tiếp tục ký các hợp đồng mua nợ xấu của ba ngân hàng: Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) với giá trị nợ xấu lên tới khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Theo đại diện lãnh đạo VAMC, dự kiến trong tháng 10 này, công ty sẽ mua lại khoảng 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu, và từ nay đến cuối năm mục tiêu đề ra là từ 30 nghìn đến 35 nghìn tỷ đồng.
Ðánh giá về việc VAMC mua lại nợ xấu của các TCTD trong thời điểm này, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: Ðây là giải pháp đúng đắn để cứu nguy cho các ngân hàng thương mại đang thiếu vốn và chịu sức ép từ nợ xấu. Một số lãnh đạo ngân hàng TMCP cũng chỉ ra rằng, với việc chỉ còn khoảng hai tháng nữa sẽ kết thúc năm tài chính 2013, để giảm áp lực xử lý nợ xấu có thể ảnh hưởng tới các chỉ tiêu kinh doanh, nhiều ngân hàng đang khẩn trương “loại” bớt nợ xấu ra khỏi sổ sách. Do đó, mong muốn bán nợ xấu cho VAMC đang là một trong những phương án được nhiều ngân hàng nghĩ tới.
Với việc bán nợ xấu cho VAMC, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: Không chỉ các TCTD trở nên lành mạnh hơn, mà cả DN cũng có thêm cơ hội được vay vốn, nền kinh tế cũng được kích cầu khi dòng vốn được kích hoạt. Cụ thể, sau khi bán nợ, ngân hàng có cơ hội cơ cấu lại để bảo đảm hoạt động an toàn. Khoản nợ xấu bán cho VAMC, ngân hàng được đưa ra phần ngoại bảng để theo dõi mà không phải trích lập ngay lập tức 100% dự phòng rủi ro, thay vào đó sẽ chia đều cho năm năm, tối thiểu mỗi năm 20%. Ngân hàng cũng có thể sử dụng TPÐB từ VAMC vay vốn của NHNN, tối đa 70% giá trị trái phiếu. Lãi suất cho các TCTD thông qua việc tái cấp vốn bằng TPÐB đang được VAMC đề xuất tối thiểu là 2%, thay vì mặt bằng lãi suất vay tái cấp vốn hiện nay khoảng 7% một năm. Còn đối với DN sau khi bán nợ cũng được lợi là tái cơ cấu, có khả năng trả nợ, được xem xét miễn giảm lãi suất cũng như vay các khoản mới.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, theo quy định, các khoản nợ xấu bán cho VAMC đều phải có tài sản bảo đảm. Do đó, khi bán nợ xấu cho VAMC, tài sản bảo đảm của khách hàng không phải bị buộc bán rẻ nên DN và ngân hàng đều có lợi. Ðặc biệt, tại thời điểm lĩnh vực bất động sản đang trầm lắng thì việc bán rẻ sẽ gây lãng phí cho cả ngân hàng và DN. Do đó thông qua xử lý nợ qua VAMC, ngân hàng và DN đều giữ được tài sản, vẫn có vốn để hoạt động.
Ðồng quan điểm, TS Nguyễn Ðức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostbank chia sẻ: Hiện nay, giá tài sản tương đối thấp, đặc biệt là bất động sản. Sau một thời gian, khi nền kinh tế phục hồi, tài sản lên giá, lúc đó tổ chức tín dụng có phát mại, bán tài sản thì sẽ không bị bán với giá rẻ như bây giờ. Mặt khác, sau khi bán nợ cho VAMC, ngân hàng trích lập đủ 20% thì chỉ sau ba năm, sẽ có thêm một khoản không nhỏ. Và khi thị trường hồi phục, giá trị tài sản lên, ngân hàng chỉ cần bán được 80% giá trị sổ sách thì lượng thu nhập bất thường của họ sẽ rất lớn.
Ðẩy nhanh tiến trình xử lý nợ
Sau một loạt động thái tiến hành mua nợ từ các TCTD của VAMC, nhiều ý kiến cho rằng việc mua nợ mới chỉ là bước đi đầu tiên trong cả chặng đường xử lý nợ xấu. Bước tiếp theo được thị trường chờ đợi đó là VAMC sẽ xử lý số nợ xấu mà họ mua như thế nào. Cũng theo khẳng định của Phó Chủ tịch HÐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng, việc ký hợp đồng mua nợ chỉ là bước đầu. Thời gian tới, việc quan trọng hơn là công ty sẽ phân loại nợ, sàng lọc và đưa ra biện pháp xử lý. “Các khoản nợ đã mua về sẽ được tái cơ cấu thế nào, danh mục phục hồi tài sản ra sao. Ðó mới là việc quan trọng và khó nhất. VAMC sẽ cùng ngân hàng hỗ trợ DN từng bước vượt qua khó khăn, có điều kiện thực hiện chiến lược kinh doanh khả thi của mình”, ông Hùng chia sẻ. Ngoài ra, VAMC cũng vẫn tiếp tục phối hợp Cơ quan thanh tra giám sát NHNN theo dõi và cảnh báo các TCTD về việc xử lý nợ xấu.
Trong quá trình xử lý nợ xấu, đại diện lãnh đạo VAMC cho biết cơ quan này kỳ vọng, với sự hỗ trợ của các TCTD, các cơ quan, ban ngành liên quan, VAMC sẽ nhanh chóng hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, có đóng góp quan trọng trong việc xử lý nhanh nợ xấu và là nhân tố tích cực đóng góp vào quá trình phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, qua đó góp phần tạo ra tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy mạnh hơn quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, TS Lê Xuân Nghĩa – thành viên Ban Cố vấn Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong việc xử lý nợ xấu, cần có thêm nguồn lực tài chính ngoài TPÐB để xử lý nợ xấu, chẳng hạn như phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc bán tài sản nhà nước (thoái vốn, bán DNNN, bất động sản…) để hỗ trợ vốn cho VAMC. Ngoài ra, cần có cơ chế cụ thể hơn về bảo lãnh tín dụng áp dụng cho VAMC với thủ tục đơn giản, hiệu quả để tái cơ cấu DN; cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục sang nhượng, chuyển đổi tài sản áp dụng đặc biệt cho VAMC.
Còn theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN: Ðể giải quyết nợ xấu, cần sự kết hợp đồng bộ giữa các chính sách của VAMC với chính sách của NHNN, Chính phủ và các bộ, ban, ngành. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng cần nỗ lực tự giải quyết nợ xấu và làm khỏe mạnh “cơ thể” của mình.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra cảnh báo khả năng sau 5 năm quay vòng, rất có thể các TCTD sẽ phải nhận lại món nợ xấu đã bán nếu sau thời gian này, VAMC vẫn không giải quyết được khối tài sản thế chấp, tín chấp. Và với việc cam kết trích lập dự phòng mỗi năm 20% nợ xấu cho VAMC xử lý nợ, thì việc bán nợ xấu của các TCTD cũng chỉ giống vay vốn trả chậm với lãi suất cao, chỉ có thể giúp các TCTD làm “sạch” sổ sách để được tái cấp vốn trong khoảng thời gian 5 năm. Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong thời điểm hiện tại, khi các tài sản định giá, nhất là bất động sản và hàng tồn kho không dễ chuyển đổi và thu hồi vốn, thì vấn đề giải quyết đầu ra cho các khoản nợ xấu từ VAMC là không hề đơn giản.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()