Vấn đề khủng hoảng nợ công tại Mỹ và các nước phát triển
Tâm trạng lo âu của một nhà đầu tư chứng khoán Hàn Quốc trước biểu đồ chỉ số KOSPI tụt dốc. Vấn đề nợ công ở Mỹ và châu Âu đang bao phủ "những đám mây đen" trên bầu trời kinh tế thế giới. Tăng trưởng GDP thế giới đối diện nguy cơ suy thoái trở lại, và điều này đang thổi bùng lên các cuộc tranh luận về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới.Suy thoái, khủng hoảng toàn cầu liệu có xảy ra tiếp ?Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P đã hạ mức tín nhiệm AAA của Mỹ xuống hạng AA , do lo ngại về thâm hụt ngân sách, nâng trần nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là lần đầu kể từ năm 1941 đến nay, một tuyên bố của S&P đã tạo ra một cú sốc kinh tế lớn, đe dọa vỡ nợ tại Mỹ (khối lượng công trái Mỹ đã lên tới 9.340 tỷ USD; nợ chính phủ theo đồng hồ đo nợ đã lên hơn 14.000 tỷ USD), cho dù vấn đề nợ công của các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chưa...
|
Suy thoái, khủng hoảng toàn cầu liệu có xảy ra tiếp ?
Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P đã hạ mức tín nhiệm AAA của Mỹ xuống hạng AA , do lo ngại về thâm hụt ngân sách, nâng trần nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là lần đầu kể từ năm 1941 đến nay, một tuyên bố của S&P đã tạo ra một cú sốc kinh tế lớn, đe dọa vỡ nợ tại Mỹ (khối lượng công trái Mỹ đã lên tới 9.340 tỷ USD; nợ chính phủ theo đồng hồ đo nợ đã lên hơn 14.000 tỷ USD), cho dù vấn đề nợ công của các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chưa được giải quyết. Phản ứng dây chuyền tiếp theo là thị trường chứng khoán châu Á, châu Âu giảm mạnh; chỉ số Đao Giôn sụt giảm 643,76 điểm trong ngày, hơn 5%; giá dầu tụt giảm sâu, giá vàng tăng chóng mặt, tăng trưởng GDP thế giới đối diện với nguy cơ suy thoái trở lại… đang thổi bùng lên các cuộc tranh luận về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới.
Trước thực tế trên, một số chuyên gia cho rằng, đây là cuộc khủng hoảng lần thứ hai; số khác thì khẳng định cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính năm 2008 vẫn chưa kết thúc; ý kiến thứ ba thì nhắc lại mô hình phục hồi hình chữ W đã xuất hiện rõ.
Câu chuyện vỡ nợ công xảy ra đúng ngay sau khi kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi từ khủng hoảng tài chính – kinh tế 2008, bắt đầu từ một số nước thuộc EU – đồng tiền chung châu Âu. Tính đến năm 2010, nợ công của Mỹ bằng 90,4% GDP, mức chung của EU là 80,3%, trong đó riêng Hy Lạp: 123%; I-ta-li-a: 127%; Ai-len: 142%. Kỷ lục là Nhật Bản: 197% GDP. Đến thời điểm hiện nay, các chỉ số này đều cao hơn.
Gần đây, vấn đề nợ công đã dồn chính quyền Mỹ vào thế “nghìn cân treo sợi tóc” rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ đến hạn – vỡ nợ. Câu chuyện tưởng như đã xong trên bàn nghị sự của Thượng viện và Hạ viện Mỹ, nhưng những cuộc tranh luận và bàn thảo về các giải pháp khắc phục, hay chí ít cũng đánh giá lại những tác động của khủng hoảng nợ công vẫn tiếp tục.
Tờ tạp chí Phố Uôn cho rằng, có ba khác biệt cơ bản giữa cuộc khủng hoảng tài chính ba năm về trước với những sự kiện gần đây: Thứ nhất, hai cuộc khủng hoảng có nguồn gốc hoàn toàn khác nhau. Cuộc khủng hoảng năm 2008 lây lan từ dưới lên, bắt đầu từ những người mua nhà quá lạc quan, vay nợ dưới chuẩn quá nhiều. Sau đó lan sang cỗ máy chứng khoán hóa của Phố Uôn, cộng thêm một chút “hỗ trợ” của các công ty xếp hạng tín dụng… Kết thúc cuộc lây lan này là khủng hoảng tài chính – kinh tế xảy ra tại các nền kinh tế trên toàn cầu. Tóm lại, cuộc khủng hoảng năm 2008 là từ khu vực tài chính gây ra suy thoái kinh tế.
Còn những khó khăn hiện tại bắt nguồn từ trên xuống. Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều gói hỗ trợ, nhưng rốt cuộc vẫn chưa kích thích được các nền kinh tế, hay nói cách khác họ vẫn chưa sắp xếp các ngôi nhà kinh tế vào một trật tự. Cuối cùng là họ đánh mất niềm tin từ các giới doanh nhân và cộng đồng tài chính. Hậu quả tất yếu là sự giảm sút mạnh chi tiêu và đầu tư trong khu vực tư nhân, tạo ra vòng luẩn quẩn: thất nghiệp tăng cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tạp chí Phố Uôn cho rằng, trong trường hợp này, ngân hàng không phải là thủ phạm mà là nạn nhân.
Sự khác biệt thứ hai, các công ty tài chính và các hộ gia đình, sau một thời kỳ “sung túc” trước khi xảy ra khủng hoảng 2007-2008, thì nay, sau khi bong bóng bất động sản vỡ tung, họ chịu cú sốc lớn về nợ và suy thoái. Những ngày gần đây, nhiều thông tin cộng hưởng, những lo ngại về khó khăn kinh tế tiếp tục làm cho họ thiên hướng nắm giữ tài sản, cất giấu tiền mặt và quản trị tốt các khoản vay nợ. Hậu quả tất yếu trong kinh tế thị trường khi số người hành động theo kiểu như vậy tăng lên đáng kể, đó là tình trạng suy kiệt cả trong tiêu dùng và đầu tư.
Sự khác biệt thứ ba, có lẽ là hệ quả của hai sự khác biệt trước, điều đơn giản trong khủng hoảng năm 2008 là chính phủ nhảy ra can thiệp cung cấp thanh khoản bằng cách lần lượt hạ lãi suất, thông qua các gói giải cứu ngân hàng và bơm tiền mặt vào nền kinh tế. Cuối cùng thì các nền kinh tế cũng thành công trong việc sớm chặn đà suy thoái toàn cầu.
Nhưng hiện nay, như một phản ứng chưa hề có tiền lệ, tình trạng căng thẳng lại không phải do thiếu thanh khoản. Tạp chí Phố Uôn phân tích, nhiều công ty Mỹ đang ngồi trên những đống tiền nhiều kỷ lục, một số khác thì đang được thụ hưởng quá nhiều từ các đòn bẩy tài chính. Vấn đề là ở chỗ thiếu niềm tin đối với các cơ hội đầu tư và khả năng của chính phủ của họ trong việc khởi động tăng trưởng kinh tế. Cũng theo tạp chí này, các nhà đầu tư lo ngại tới mức, một vài nhà tỷ phú của Mỹ và Đức cũng không đủ sức thuyết phục để họ nhảy vào thị trường lúc này. Như vậy, vấn đề mấu chốt trước mắt là phải khơi dậy được nhu cầu và tăng trưởng đầu tư may ra mới giúp thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ, tình trạng thiếu niềm tin như hiện nay. Nhưng để làm được điều đó lại phải có thời gian.
Thực tế là, khủng hoảng lần này không giống như năm 2008, tiền của các chính phủ không còn là phép màu nhiệm.
Đâu là bản chất của vấn đề?
Từ năm 1917, Quốc hội Mỹ đã ban hành luật quy định về mức trần tối đa cho phép chính quyền có thể đi vay để trang trải thêm các chi tiêu trong ngân khố. Từ đó đến nay, các nhà kinh tế đã thống kê được là đã có 81 lần (kể cả ngày 2-8-2011), chính quyền Mỹ xin Quốc hội cho nâng trần định mức đi vay.
Vì sao một quốc gia có tiềm lực kinh tế và quốc phòng lớn nhất thế giới lại lâm vào tình trạng này? GDP của Mỹ hiện nay đạt khoảng 15 nghìn tỷ USD, chiếm 25% GDP của cả thế giới. Từ trước đến nay, Mỹ được coi là quốc gia an toàn nhất cho cơ hội đầu tư vốn, vì mức độ rủi ro thấp nhất.
Có một vấn đề chưa được đề cập nhiều, đó là gần đây, ngày 1-8 vừa qua, mạng công dân Ốt-ta-oa đưa ra phân tích cho rằng, nước Mỹ sẽ thật sự đối mặt với khủng hoảng nợ vào năm 2020, khi các khoản chi cho chăm sóc y tế và lương hưu sẽ tăng mạnh, mà nguyên nhân sâu xa là tình trạng già hóa dân số. Hiện nay, tỷ lệ người lao động/số người về hưu là 3/1 (ba người làm việc nuôi bốn người), nhưng dân số độ tuổi thanh niên sẽ giảm đi nhanh chóng những năm tới, tỷ lệ trên sẽ giảm còn 1,5/1 hoặc 1/1. Hiện nay, ngân sách Mỹ đang chi trả cho mỗi người dân trên 65 tuổi tới 26 nghìn USD/năm. Các nhà chuyên môn dự báo, nếu không có gì đột xuất, thì ba chương trình chăm sóc y tế, hỗ trợ y tế và an sinh xã hội như hiện nay sẽ ngốn hết ngân sách Mỹ chỉ trong 25 năm tới. Theo nhà kinh tế Ma-ry Mi-cơ, nếu hình dung Chính phủ Mỹ như một công ty, thì hiện nay quyết toán tài chính của họ đang thâm hụt ròng khoảng 35 – 40 nghìn tỷ USD.
Việc cắt giảm mạnh các chương trình xã hội tại Mỹ lại không hề đơn giản, cũng giống như việc tăng thuế, vì chính quyền phải “lấy lòng dân” để tranh phiếu ủng hộ. Bởi vậy, cú “xả hơi” như trước giờ G của ngày 2-8 vừa qua, như chính Tổng thống B.Ô-ba-ma đã nói, mọi việc đang mới chỉ là khởi đầu. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, đây mới chỉ là cú “hoãn binh” để đi tìm một giải pháp căn cơ hơn cho việc thu hẹp dần bội chi ngân sách. Như vậy, vấn đề cốt lõi cho việc giải quyết khủng hoảng nợ công tại Mỹ vẫn còn bỏ ngỏ.
Báo chí Nga trích lời của Thủ tướng V.Pu-tin cho rằng, Mỹ đang ăn bám cả thế giới bằng chính sách tiền tệ như hiện nay. Báo chí Trung Quốc chỉ trích Mỹ và các nước EU vô trách nhiệm trong việc để xảy ra cuộc khủng hoảng nợ lần này. Nhưng trên thực tế, các nước vẫn chưa tìm ra phương án nào tối ưu để thay thế cho việc lựa chọn đồng USD và vàng làm tài sản dự trữ. Và rồi liệu nguyên lý của Ki-nít có còn ứng nghiệm: “Khi tôi nợ anh một USD thì vấn đề đang là của tôi, khi tôi nợ anh một triệu USD thì vấn đề lại là của anh”?.
Theo Nhandan
Ý kiến ()