Vấn đề già hóa dân số và chính sách an sinh xã hội tại Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Dự báo mới nhất cho thấy, dân số nước này sẽ giảm đi 30% vào năm 2060 nếu tỷ lệ sinh không tăng. Điều này cho thấy, vấn đề an sinh xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Nhật Bản.Trong bối cảnh số người nghỉ hưu và người già ngày một tăng cao, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 17/2 đã thông qua đề cương cải cách chế độ an sinh xã hội và thuế nhằm dọn đường cho việc đạt mục tiêu chính sách tăng thuế tiêu dùng.Chính phủ và Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền đã hoàn tất đề cương vào ngày 6/1 nhằm tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014 và 10% vào tháng 10/2015. Trong đề cương chính sách này, chính phủ và DPJ cũng cam kết giảm 80 ghế nghị sĩ tại Hạ viện và cắt giảm lương của công chức. Điều này thể hiện quyết tâm của Thủ tướng Noda trong bối cảnh nợ công dài hạn tại Nhật...
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Dự báo mới nhất cho thấy, dân số nước này sẽ giảm đi 30% vào năm 2060 nếu tỷ lệ sinh không tăng. Điều này cho thấy, vấn đề an sinh xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Nhật Bản.
Trong bối cảnh số người nghỉ hưu và người già ngày một tăng cao, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 17/2 đã thông qua đề cương cải cách chế độ an sinh xã hội và thuế nhằm dọn đường cho việc đạt mục tiêu chính sách tăng thuế tiêu dùng.
Chính phủ và Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền đã hoàn tất đề cương vào ngày 6/1 nhằm tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014 và 10% vào tháng 10/2015. Trong đề cương chính sách này, chính phủ và DPJ cũng cam kết giảm 80 ghế nghị sĩ tại Hạ viện và cắt giảm lương của công chức. Điều này thể hiện quyết tâm của Thủ tướng Noda trong bối cảnh nợ công dài hạn tại Nhật Bản đang ở mức rất cao.
Theo ước tính của Bộ Tài chính Nhật Bản, nợ công của nước này sẽ vượt ngưỡng 1 triệu tỷ Yên (khoảng 12.810 tỷ USD) vào cuối tài khóa 2011. Các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu quốc gia và những khoản vay ngân hàng sẽ lên tới 1,024 triệu tỷ Yên vào cuối tháng 3/2012. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính tổng nợ công của Nhật Bản bao gồm cả các chi phí an sinh xã hội, hiện đã lên tới 1,054 triệu tỷ Yên, tương đương 220% GDP của nước này năm 2010.
Hiện nay, nước Nhật vẫn còn đủ khả năng tài chính để trả nợ công, nhưng với tình trạng dân số bị lão hóa ngày càng nhanh, từ nay cho đến hai, ba năm nữa thì tình hình sẽ khác.
Dân số Nhật Bản đang già hóa với tốc độ không ngờ. Nếu mọi việc cứ diễn ra như hiện nay thì Nhật Bản không thể tránh khỏi vỡ nợ. Đó là nguyên nhân vì sao ông Noda quyết định tăng thuế tiêu dùng lên 8% vào năm 2014 và 10% vào tháng 10/2015.
Theo ước tính, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060, tăng từ mức 23% vào năm 2010. Dân số già sẽ tạo ra những gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia. Lực lượng lao động sẽ phải gồng mình để gánh vác hệ thống thuế và an sinh xã hội.
Đối với người cao tuổi, lương hưu là nguồn thu nhập chính. Số liệu do Viện nghiên cứu Dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản năm 2003 cho thấy: Năm 1985, chi phí an sinh xã hội của Nhật Bản là gần 35.780 tỷ yên, chiếm 13,71% thu nhập quốc dân, trong đó, chi phí về lương hưu cho người cao tuổi chiếm 6,49%. Năm 1995, chi phí an sinh xã hội tăng lên đạt hơn 64.730 tỷ yên, chiếm 17,09% thu nhập quốc gia, chi phí lương hưu chiếm 8,84% trong chi phí an sinh xã hội, tăng 136% so với năm 1985. Năm 2001, Nhật Bản dành 81.400 tỷ yên cho chi phí an sinh xã hội, chiếm 22,0% trong thu nhập quốc dân thì chi phí về lương hưu chiếm 11,50% trong chi phí an sinh xã hội, tăng 130% so với năm 1995.
So sánh mức lương hưu của Nhật Bản với mức lương hưu của một số nước phát triển khác trên thế giới cho thấy sự chênh lệch khá rõ nét. Tại thời điểm tháng 3 năm 1998, mức lương hưu trung bình của những người được hưởng lương hưu tại Nhật là 172.200 yên/người, cao hơn so với mức lương hưu trung bình ở Mỹ. So sánh với mức lương hưu của người cao tuổi tại Anh, Đức và Thụy Điển, cũng trong năm 1996,1997, lương hưu trung bình cho tất cả người hưởng lương hưu tại Nhật cao hơn nhiều. Mức lương hưu trung bình cho tất cả những người hưởng lương hưu tại Nhật năm 1998 cao hơn gấp 3,55 lần so với mức lương hưu của người cao tuổi.
Như vậy, qua việc trợ cấp lương hưu cho người cao tuổi, có thể thấy, Chính phủ Nhật Bản đã làm khá tốt vấn đề an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản cũng ở mức cao so với thế giới. Theo dự báo, tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng lên. Dự báo tuổi thọ trung bình của nữ giới sẽ tăng từ mức 86,39 tuổi (năm 2012) lên mức 90,93 tuổi (năm 2060) và từ 79,64 tuổi lên mức 84,19 tuổi ở nam giới trong các mốc thời gian tương tự.
Các chuyên gia cho biết, dân số Nhật Bản sẽ giảm đi khoảng 1 triệu người mỗi năm trong vài thập kỷ tới và nước này cần xem xét lại hệ thống thuế và các chính sách phúc lợi xã hội để bảo đảm an sinh xã hội. Việc điều chỉnh thị trường lao động như tăng tuổi nghỉ hưu, nhằm tăng số lao động lớn tuổi trong lực lượng lao động cũng có ý nghĩa rất quan trọng trước tình trạng già hóa dân số và lực lượng lao động.
Như vậy, quá trình già hoá nhanh đã gây ra những khó khăn cho Chính phủ nói riêng và xã hội Nhật Bản nói chung. Trong một tương lai không xa, những nguy cơ như: Thị trường thu hẹp, thiếu hụt lực lượng lao động, khả năng chi trả thuế và các khoản bảo hiểm giảm… sẽ là những thách thức lớn cần phải giải quyết không phải chỉ riêng của Nhật Bản mà còn cả đối với những quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh trên thế giới.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()