Vấn đề di cư: Đức đặt thời hạn mục tiêu đạt thỏa thuận với Italy
Đức hy vọng đến cuối tháng Bảy này sẽ đạt được thỏa thuận với Italy về việc tiếp nhận lại người di cư.
Phát biểu với báo chí ngày 11/7 sau cuộc gặp với người đồng cấp Italy Matteo Salvini trước thềm cuộc họp chính thức của bộ trưởng nội vụ các nước EU tại Áo, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết quan chức hai nước có thể sẽ gặp gỡ một cách “hết sức nhanh chóng” để thảo luận vấn đề Italy tiếp nhận lại người di cư từ Đức. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này trong tháng Bảy” hoặc muộn nhất là vào đầu tháng Tám.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Salvini cho rằng hai bên chia sẻ mục tiêu chung là giảm số người di cư để hai nước, giảm số người thiệt mạng và giảm số người di cư hiện đang ở hai nước này. Ông cũng nhấn mạnh rằng Italy muốn thấy các nước châu Âu tăng cường đảm bảo biên giới bên ngoài của châu lục trước khi đồng thuận về một thỏa thuận tiếp nhận lại người di cư.
Quan chức Italy nhấn mạnh: “Trước khi chấp nhận một người nhập cư ở Italy, chúng tôi muốn châu Âu bảo vệ biên giới bên ngoài của mình. Chỉ khi điều đó thành hiện thực, chúng tôi mới có thể thảo luận tất cả các vấn đề còn lại.”
Thỏa thuận với Italy về việc nhận lại người di cư là vấn đề chính trong thỏa hiệp mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đạt được với Bộ trưởng Nội vụ Seehofer và cũng là lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) nhằm chấm dứt những tranh cãi về vấn đề nhập cư vốn đe dọa đến sự tồn tại của chính phủ liên minh.
Theo thống kê đã có hơn 700.000 lượt người di cư đặt chân lên các bờ biển của Italy kể từ khi bùng nổ làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu vào năm 2013. Căn cứ quy định của EU, người di cư phải xin cấp quy chế tị nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới. Tuy nhiên, quy định này đã tạo áp lực đối với Italy và Hy Lạp bởi đây là những điểm cửa ngõ mà hàng trăm nghìn người di cư tìm đến đầu tiên sau khi trốn chạy khỏi nội chiến và nghèo đói tại Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác.
Sau khi lên nắm quyền vào 1/6/2018, chính phủ mới tại Italy đã kiên quyết siết chặt hoạt động nhập cư thông qua việc đóng cửa các bến cảng đối với tàu nhân đạo giải cứu người di cư gặp nạn trên biển Libya và Rome cũng đã từ chối tiếp nhận lại số người đang mắc kẹt tại biên giới với Đức./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()