Vấn đề cần tập trung tháo gỡ
LSO-Thực hiện Nghị quyết số 818 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, đến nay, Lạng Sơn đã hoàn thành việc sắp xếp 51 đơn vị hành chính cấp xã (của 9 huyện) thành 25 đơn vị; giảm từ 226 xã, thị trấn trên toàn tỉnh xuống còn 200 xã, thị trấn. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp đã phát sinh nhiều vướng mắc về lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai tại cơ sở cần được tháo gỡ.
Người dân xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn theo dõi
đồ án quy hoạch xây dựng khu đô thị phía Nam thành phố
Qua tìm hiểu thực tế, sau 3 tháng sáp nhập, các đơn vị hành chính cấp xã đã đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai phát sinh nhiều vướng mắc do biến động địa giới hành chính.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi sáp nhập, việc điều chỉnh địa giới hành chính, chỉnh lý hồ sơ địa giới hành chính đối với các đơn vị hành chính mới chưa được thực hiện; ranh giới, mốc giới ngoài thực địa chưa được cụ thể và đối chiếu đồng bộ với hồ sơ địa chính; một số đơn vị hành chính cấp xã mới được thành lập có 2 loại đất (nông thôn, đô thị), hoặc đồng thời có đất thuộc các khu vực khác nhau (khu vực II – khu vực III), hồ sơ địa chính được điều chỉnh ranh giới gây khó khăn trong công tác quản lý, lưu trữ.
Không những thế, một số xã trước khi sáp nhập vào thị trấn còn nhiều thửa đất ở chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu. Về nguyên tắc, khi cấp giấy chứng nhận phải theo mục đích sử dụng và cơ chế chính sách khác theo quy định của đơn vị hành chính mới. Do vậy, khi cấp giấy chứng nhận đất ở cho các hộ thì việc xác định diện tích trong hạn mức giao đất và hạn mức công nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất thuộc ranh giới các xã sau khi sáp nhập vào thị trấn còn nhiều lúng túng.
Đơn cử như tại huyện Văn Quan, một phần diện tích của xã Xuân Mai vốn là đất ở tại nông thôn, khu vực II được điều chỉnh sáp nhập vào thị trấn Văn Quan là đất ở tại đô thị, khu vực I. Như vậy, sau khi sắp xếp các thửa đất của xã Xuân Mai nhập vào thị trấn sẽ là đất khu vực I và chuyển từ đất ở tại nông thôn thành đất ở tại đô thị. Do vậy, khi thực hiện nghĩa vụ tài chính để cấp giấy chứng nhận lần đầu hoặc công nhận hạn mức đất ở sẽ xảy ra thắc mắc về kinh phí, diện tích của các hộ giáp ranh giữa xã – thị trấn mới sáp nhập.
Cùng với đó, việc điều chỉnh địa giới hành chính, chỉnh lý hồ sơ địa giới hành chính đối với các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sáp nhập chưa được thực hiện đồng bộ gây ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên đề khác liên quan đến địa giới hành chính.
Ông Lộc Quang Cường, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Sơn cho biết: Huyện đang triển khai 2 dự án phát triển mở rộng đô thị thị trấn Bắc Sơn, trong đó có dự án khu đô thị phía Nam thị trấn có sử dụng một phần quỹ đất trên địa bàn xã Quỳnh Sơn (hiện nay sáp nhập vào xã Bắc Sơn lấy tên là xã Bắc Quỳnh) và một phần của xã Hữu Vĩnh (hiện nay sáp nhập vào thị trấn Bắc Sơn). Việc sáp nhập dẫn đến dự án bị ảnh hưởng bởi phải điều chỉnh hồ sơ pháp lý và điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với đơn vị hành chính mới và phù hợp với quy định hiện hành.
Từ thực tế phát sinh những khó khăn, vướng mắc, các huyện đã tổng hợp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để xin ý kiến UBND tỉnh về các giải pháp tháo gỡ. Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trên cơ sở những vướng mắc phát sinh, hiện nay, sở đang tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh một số giải pháp xử lý trong thời gian tới như: điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 cho phù hợp thực tế; các loại hồ sơ liên quan đến đất đai nói chung, do sáp nhập không còn xã cũ thì yêu cầu UBND xã mới xác nhận, giải quyết hồ sơ cho công dân không để tồn đọng. Về quản lý hồ sơ địa chính, cho phép sao lưu để quản lý, sau khi thực hiện phân định lại địa giới hành chính sẽ tiến hành đo đạc, biên tập lại bản đồ, hồ sơ địa chính theo quy định.
Ngoài ra, hiện nay, quy hoạch sử dụng đất đai giai đoạn 2011-2020 đã hết, trên cơ sở các xã mới được sáp nhập, UBND các huyện cần xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu giai đoạn 2021-2025 bảo đảm tính chiến lược lâu dài. Trong đó, quan trọng nhất là xác định nhu cầu sử dụng các loại đất để đưa vào quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế gắn với công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai như: lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Với sự vào cuộc của các cấp ủy chính quyền từ cấp tỉnh, huyện và xã, hy vọng những vấn đề vướng mắc phát sinh tại các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập sẽ sớm được giải quyết, hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra cho năm 2020 và những năm tiếp theo.
Ý kiến ()