Vấn đề cần quan tâm
LSO-Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn có xu hướng tăng. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của người dân còn kém, tình trạng phóng xe máy nhanh trên đường giao thông liên thôn, liên xã, không đội mũ bảo hiểm... vẫn diễn ra tại khu vực nông thôn. Nguyên nhân khác nữa là do hệ thống đường giao thông nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ.
CSGT huyện Cao Lộc kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông tại thị trấn Cao Lộc |
Không tính đường quốc lộ, tỉnh lộ, hiện tỉnh Lạng Sơn đang quản lý 2.626 km đường xã, 4.568 km đường thôn bản, ngõ xóm. Trong mấy năm qua, Lạng Sơn đã đầu tư và đưa vào sử dụng 163 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, qua đó nâng số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được bốn mùa lên 213 xã.
Mặc dù nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa, năng lực lưu thông nâng cao… nhưng trật tự giao thông lại phức tạp. Đường giao thông nông thôn được cải tạo, mở rộng, nâng cấp nhưng nhiều ngõ ngách, đường ngang, đường nhánh… Hạn chế này cộng với ý thức của bà con khi tham gia giao thông còn kém đã dẫn đến những vụ va chạm giao thông. Một nguyên nhân khác cũng cần nhắc tới là hệ thống đường giao thông nông thôn của nhiều xã đầu tư nhưng chưa đồng bộ, đây là những nguyên nhân làm cho tình trạng an toàn giao thông (ATGT) khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đang trở nên phức tạp.
Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an tỉnh, hiện toàn tỉnh đang quản lý 329.340 mô tô và hằng năm, số lượng xe mô tô đăng ký mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tăng từ 20 – 30 nghìn xe, trong đó, một số lượng không nhỏ phát sinh mới ở khu vực các xã nông thôn. Đây cũng là một yếu tố khiến tai nạn giao thông tại khu vực nông thôn tăng. Thống kê của Ban ATGT tỉnh, năm 2015 có 65 vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại khu vực nông thôn mà đối tượng chính là do xe mô tô gây nên.
Ông Nguyễn Đình Đại, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Hiện nay, hầu hết trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm các quy định về đảm bảo ATGT vẫn diễn ra khá thường xuyên. Trên các tuyến giao thông nông thôn, dù lưu lượng xe ít hơn quốc lộ, tỉnh lộ nhưng trật tự giao thông vẫn phức tạp, việc đi lại của người dân còn rất tùy tiện, nguy cơ gây mất ATGT cao. Đáng lo ngại chính là đường giao thông nông thôn đầu tư nâng cấp đẹp hơn, nhưng ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của nhiều người dân vẫn còn kém.
Theo thống kê của lực lượng cảnh sát giao thông các huyện, được biết, phần lớn số vụ TNGT tại khu vực nông thôn đều rơi vào lứa tuổi thanh, thiếu niên, lỗi vi phạm chủ yếu là điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm… Chính những vi phạm này khiến nguy cơ dẫn đến TNGT, va chạm giao thông là đều khó tránh khỏi.
Ông Lâm Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh đánh giá: có nguyên nhân khiến TNGT xảy ra trên hệ thống đường giao thông ở khu vực nông thôn tăng. Trong đó, nguyên nhân chính là do chưa có sự tập trung đúng mức vào các đối tượng cần được tuyên truyền là đối tượng thanh, thiếu niên. Do vậy, để người dân có thể chuyển biến từ nhận thức đến hành động, công tác tuyên truyền cần được thường xuyên liên tục, gắn liền với các buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt văn hóa và việc xây dựng xã nông thôn mới. Mỗi tổ, thôn, xóm, bản cần thành lập các tổ tuyên truyền về ATGT. Về lâu dài, song song với việc nâng cấp mặt đường cũng cần lắp đặt các biển báo và các thiết bị ATGT làm gờ giảm tốc từ đường thôn ra đường xã, đường xã ra đường huyện…
Vừa qua (8/1/2016), Ban ATGT tỉnh đã ban hành kế hoạch năm ATGT 2016. Theo đó, để đạt được mục tiêu giảm số vụ TNGT từ 5 – 10% so với năm 2015 thì Sở GTVT sẽ triển khai một số biện pháp, trong đó rà soát các vị trí đấu nối từ đường tỉnh, đường huyện ra quốc lộ và từ đường xã ra đường huyện. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về chấp hành Luật Giao thông đường bộ ngay từ cấp xã, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tại cơ sở thôn, xóm. Đặc biệt, Ban ATGT các huyện sẽ tổ chức tuyên truyền kế hoạch đảm bảo ATGT đến từng xã trực thuộc, từ đó chính quyền xã tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân của xã.
Nhằm ngăn chặn và giảm thiểu TNGT ở vùng nông thôn, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT thì các huyện, thành phố cần huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Đồng thời huy động các lực lượng tham gia đảm bảo trật tự ATGT khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an huyện, công an xã.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()