Vấn đề cần được quan tâm
LSO-Gần đây, trên địa bàn cả nước nổi lên nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tại Lạng Sơn thời gian qua cũng ghi nhận không ít trường hợp. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và có sự quan tâm của cộng đồng, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Tình nguyện viên tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trên địa bàn thành phố Lạng Sơn |
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 vụ hiếp dâm trẻ em, 6 vụ giao cấu với trẻ em, 2 vụ dâm ô, đặc biệt xảy ra 1 vụ giết, hiếp trẻ em. Đây đều là những vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ tính riêng năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Ngay khi có thông tin tố giác từ gia đình, lực lượng chức năng đã khẩn trương vào cuộc, đến nay đã tiến hành điều tra làm rõ 7 vụ với 9 đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em; khởi tố 6 vụ, 8 bị can. Đây chỉ là những vụ việc được gia đình kịp thời phát hiện và tố giác. Trên thực tế còn rất nhiều vụ việc chưa bị phát hiện hoặc gia đình biết nhưng không tố cáo. Qua đó, có thể thấy xâm hại tình dục ở trẻ em đang có diễn biến phức tạp, cần có sự nhìn nhận và quan tâm đúng mức từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: nguyên nhân dẫn đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua một phần do ảnh hưởng từ phim ảnh trên Internet, mạng xã hội; một số đối tượng không nhận thức được hành vi hiếp dâm, dâm ô là phạm tội; một phần nhận thức được, song có xu hướng lệch lạc về tình dục, sở thích tình dục bệnh hoạn, khác thường…Phần lớn các vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở khu vực nông thôn, những nơi vắng vẻ, ít người qua lại. Đối tượng xâm hại đa số là người thân trong gia đình, họ hàng, làng xóm. Cũng phải nói thêm rằng, sự thiếu quan tâm từ gia đình cũng như nhận thức của các bậc phụ huynh về vấn đề này còn chưa đầy đủ khiến nhiều vụ việc xảy ra nhưng không được tố giác. Lý do khiến các vụ việc không được tố giác chủ yếu là sự thiếu hiểu biết về pháp luật, bị đe dọa, sự ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ hoặc đối tượng là người thân trong gia đình. Đặc biệt, tâm lý xấu hổ của trẻ bị hại và gia đình cũng là rào cản khiến không ít vụ việc không được điều tra làm rõ.
Sau khi bị xâm hại, trẻ em ngoài bị tổn thương về sức khỏe còn bị ảnh hưởng rất lớn về tinh thần. Cụ thể như trường hợp bé H.A.Đ, sinh năm 2008, ở huyện Hữu Lũng. Trên đường đi học về H.A.Đ bị Hoàng Văn Đức, người cùng huyện chặn đường, đưa vào nơi vắng vẻ thực hiện hành vi hiếp dâm. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình em đã kịp thời tố giác với chính quyền. Tuy nhiên, sau đó em bị ảnh hưởng năng nề về tâm, sinh lý trong một thời gian dài.
Bà Đặng Thị Lan, Phó Trưởng Phòng Chăm sóc, Bảo vệ trẻ em – Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Với những trẻ em bị xâm hại tình dục chúng tôi cũng đã tiếp cận, động viên thăm hỏi để các cháu ổn định tâm lý, tiếp tục học tập, hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, sở xác định năm 2017 là năm phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, trong tháng 7/2017, chúng tôi sẽ tổ chức tháng hành động vì trẻ em với nội dung phòng, chống xâm hại tình dục. Hiện nay, phòng lao động, thương binh và xã hội 11 huyện, thành phố đang tích cực phối hợp với các trường học tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về nội dung phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức trong học sinh và phụ huynh về vấn đề này.
Từ những vụ việc xảy ra trong thời gian qua có thể thấy, tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em ngày càng có những diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần nắm bắt vấn đề, chủ động phòng, tránh và trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tránh rơi vào hoàn cảnh dễ bị xâm hại. Cùng với đó, việc phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các tổ chức chính trị và toàn xã hội.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()