Vẫn còn số liệu lớn thông tin tiêm chủng chưa được xác thực
Việc xác minh, xác thực thông tin tiêm chủng của người dân trên nền tảng quản lý tiêm chủng chính xác là điều kiện quan trọng nhất để cấp “hộ chiếu vaccine”. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn khối lượng lớn số liệu thông tin chưa được xác minh, xác thực.
Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng: Còn 4% chưa được nhập liệu
Tại Hội thảo triển khai chứng nhận điện tử tiêm vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/3, đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 22/3, thực tế trên toàn quốc đã triển khai tiêm 202.029.331 mũi vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng mới ghi nhận 193.683.000 mũi tiêm (tương ứng 96% mũi tiêm đã nhập dữ liệu trên nền tảng quản lý tiêm chủng). Còn khoảng 8.345.000 mũi tiêm, tương đương 4%, chưa được nhập dữ liệu trên hệ thống.
Đối với việc xác minh, xác thực thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ tháng 11/2021, các cơ quan chuyên môn của 3 bộ là Bộ Công an, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng và quản lý.
Hiện nay, các đơn vị đã gửi thông tin từ hệ thống quản lý tiêm chủng sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tổng cộng 76.625.823 đối tượng, trong đó 73.112.823 đối tượng, tương ứng 167.141.886 mũi tiêm đã được xác thực có căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân; 3.513.000 đối tượng không có căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc sai định dạng căn cước công dân, chứng minh nhân dân.
Trong số 73.112.823 đối tượng có căn cước công dân hoặc chứng minh thư thì có gần 51,5 triệu đối tượng, tương ứng 123.419.556 mũi tiêm có thông tin xác thực đúng; 19.039.997 đối tượng, tương ứng 41.051.177 mũi tiêm sai thông tin như số định danh không có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sai ngày sinh, sai họ tên, sai thông tin khác; 2.579.540 đối tượng tương đương 2.671.153 mũi tiêm chưa được xác thực thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Việc xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng quản lý tiêm chủng chính xác là điều kiện quan trọng nhất để cấp “hộ chiếu vaccine”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất lớn số liệu thông tin chưa được xác minh, xác thực.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, mặc dù Bộ đã có nhiều văn bản đôn đốc các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu hồi cứu, cũng như phối hợp với công an địa phương để xác minh, xác thực thông tin ngay từ nền tảng hệ thống quản lý tiêm chủng, nhưng đúng thực tế vẫn còn nhiều số liệu thông tin chưa được xác minh, xác thực.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng kế hoạch rà soát, bổ sung làm sạch dữ liệu tiêm chủng, đồng thời phối hợp với Bộ TT&TT nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 5772/QĐ-BYT về biểu mẫu và quy trình cấp “hộ chiếu vaccine” sau quá trình đàm phán với Liên minh châu Âu và một số quốc gia về việc công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine”.
Sẽ tập huấn cấp ‘hộ chiếu vaccine’ trên cả nước vào tuần tới
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế (Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế), thời gian vừa rồi, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm cấp “hộ chiếu vaccine” tại 3 bệnh viện là Bệnh viện E, K và Bạch Mai. Đến nay, các kết quả hiện trên hệ thống đã sẵn sàng, đáp ứng tốt việc cấp “hộ chiếu vaccine”. Trong tuần tới, Bộ sẽ tập huấn và triển khai cấp “hộ chiếu vaccine” trên quy mô cả nước.
Cũng tại hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh, Bộ Y tế sẽ triển khai chứng nhận điện tử tiêm vaccine COVID-19 theo tiêu chuẩn do WHO, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển trong và ngoài nước của người dân.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, để cấp và theo dõi số lượng giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân bằng chữ ký số; triển khai việc xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng tham gia tiêm chủng, bảo đảm mỗi người dân đã tiêm chủng có giấy chứng nhận điện tử tiêm vaccine COVID-19 với đầy đủ các thông tin phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho người dân khi nhập cảnh nước ngoài, Bộ Y tế đã ban hành biểu mẫu và quy trình cấp giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử theo Quyết định số 5772/QĐ-BYT.
Hiện nay, theo quy định, các cơ sở tiêm chủng sẽ thực hiện ký số. Để thực hiện kỹ thuật này, Bộ Y tế xây dựng 2 phương án. Thứ nhất là các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số, thứ 2 là tùy thực tế địa phương sẽ giao một cơ quan đầu mối thực hiện (có thể là Sở Y tế hoặc CDC tại các địa phương).
Ông Nguyễn Bá Hùng cho biết, thực chất việc ký số rất đơn giản, cho phép ký hàng nghìn người cùng một lúc. “Người dân không phải làm thao tác gì, nhưng phải khai báo chính xác khi đi tiêm chủng. Các cơ sở tiêm chủng sẽ chịu trách nhiệm rà soát thông tin, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin của người dân và thực hiện ký số”.
Ông Nguyễn Bá Hùng cũng giải thích thêm, khi thực hiện cấp “hộ chiếu vaccine” điện tử, tức là tất cả người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng và có mã QR code (theo tiêu chuẩn quốc tế). Khi đó, “hộ chiếu vaccine” điện tử sẽ hiển thị trên ứng dụng PC-Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế. Hiện, Bộ Y tế đang phối hợp Bộ TT&TT xây dựng chức năng hiển thị mục “hộ chiếu vaccine” trên ứng dụng phòng, chống COVID-19 được công nhận hiện nay.
Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, quy trình cấp “hộ chiếu vaccine” sẽ bao gồm 3 bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng phải rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng. Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn về quy trình xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên cơ sở dữ liệu về dân cư do Bộ Công an quản lý.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng sẽ thực hiện ký số, sau đó dữ liệu sẽ được chia sẻ với hệ thống quản lý cấp chứng nhận vaccine do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) quản lý.
Bước 3: Cục Y tế dự phòng sẽ ký số tập trung. Sau đó, “hộ chiếu vaccine” dưới định dạng mã 2D sẽ được hiển thị trên các ứng dụng như Sổ sức khỏe điện tử và PC-Covid.
Hiện nay, biểu mẫu “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam đã được công nhận lẫn nhau với 17 quốc gia.
Ý kiến ()