Vẫn còn những khó khăn
Học sinh trường Tiểu học 1 xã Thái Bình làm quen với việc học ngoại ngữ theo chương trình mới |
Đề án ngoại ngữ quốc gia bắt đầu được triển khai từ năm 2008 nhằm mục đích đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 môn ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông. Thực hiện đề án này, tại Lạng Sơn, năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh có 249 trường tiểu học thực hiện dạy tiếng Anh với 1.609 lớp và 29.667 học sinh được dạy học tiếng Anh. Kết quả cuối năm học, chất lượng dạy và học tiếng Anh đã có chuyển biến tích cực, có 29.563 học sinh tiểu học được xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành. Tuy vậy, đối với các trường tiểu học ở khu vực vùng xa, vùng nhiều dân tộc thiểu số việc dạy học tiếng Anh còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Chu Mạnh Dũng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Bình cho hay: Với đặc thù là huyện có 55% đơn vị thuộc vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, học sinh thuộc các dân tộc thiểu số chiếm 94,7%; đội ngũ giáo viên tiếng Anh có 18,7% giáo viên đạt trình độ B2. Do thiếu giáo viên nên năm học 2016 – 2017, huyện Lộc Bình mới chỉ tổ chức thực hiện dạy học tiếng Anh cho 33 trường tiểu học với 199 lớp và trên 3.267 học sinh (có 3 trường chưa học môn tiếng Anh là Tiểu học Ái Quốc I, Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Ái Quốc, Tiểu học Vân Mộng). Kết quả cuối năm học, số học sinh hoàn thành tốt môn tiếng Anh mới chỉ đạt 35%.
Hiện nay, tại các trường tiểu học, môn tiếng Anh được tổ chức thành môn học chính khóa của học sinh khối lớp 3, 4, 5, với thời lượng từ 2 – 4 tiết/tuần. Với thời lượng này, mỗi trường cần ít nhất 2 đến 3 giáo viên tiếng Anh mới bảo đảm việc giảng dạy. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh chỉ có 970 giáo viên trực tiếp dạy tiếng Anh, trong đó cấp tiểu học có 242 giáo viên/247 trường tiểu học nên số lượng giáo viên chưa đáp ứng với nhu cầu. Trong khi đó, số giáo viên chuẩn B2, C1 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo của 2 cấp tiểu học và THCS mới đạt 218/741 giáo viên môn tiếng Anh (đạt 29,4%) nên nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm việc dạy ở hai cấp học này.
Chia sẻ về việc giảng dạy này, thầy giáo Đinh Văn Phúc, giáo viên dạy môn tiếng Anh Trường PTDTBT THCS xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định cho biết: Là giáo viên dạy môn tiếng Anh ở trường PTDTBT THCS, nhưng do thiếu giáo viên nên khi triển khai đề án dạy học tiếng Anh cấp tiểu học, tôi lại phải kiêm nhiệm thêm việc dạy môn này ở Trường Tiểu học Đoàn Kết. Đa số học sinh là dân tộc thiểu số, ít được tiếp xúc với môi trường xã hội, nên nhút nhát, sự hiểu biết cũng hạn chế, đặc biệt vốn từ tiếng Việt còn hạn chế, kỹ năng giao tiếp và lĩnh hội thông tin chưa được tốt, nên việc dạy – học tiếng Anh đối với giáo viên và học sinh còn nhiều khó khăn.
Để khắc phục khó khăn, ngành giáo dục tỉnh đã từng bước đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn và ngày càng nâng cao chất lượng bộ môn tiếng Anh. Theo đó, từ đầu năm học 2017 – 2018, việc học tiếng Anh trong trường tiểu học đã được ngành giáo dục chú trọng như: đa dạng hình thức dạy và học tiếng Anh, tạo môi trường thuận lợi cho học sinh học tiếng Anh đồng thời có nhiều cơ hội được thể hiện tiếng Anh. Cùng đó là tổ chức các chuyên đề, các cuộc thi và giao lưu tiếng Anh để học sinh có cơ hội tham gia cấp trường và cấp huyện, thành phố; tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn; chú trọng trang bị cơ sở vật chất như phòng học, máy chiếu, thiết bị, sách và các tài liệu tham khảo… Hy vọng rằng với sự quan tâm, đầu tư đó, trong năm học này, chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường tiểu học trên địa bàn sẽ đạt được kết quả tốt.
Ý kiến ()