Vẫn còn nhiều rào cản về tiếp cận dịch vụ y tế phòng chống HIV/AIDS
Theo Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 242.000 người.
HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đáng lưu ý, dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ.
Thế nhưng, hiện vẫn còn khá nhiều rào cản về tiếp cận với các dịch vụ y tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS, mà một trong những nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 cùng các yếu tố như nguồn tài chính eo hẹp, quy trình cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nguy cơ cao còn phức tạp…
Khó khăn chồng chất
Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay những năm qua, quỹ bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, với 95% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế và tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm.
Quỹ bảo hiểm y tế đến nay trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nâng tỷ trọng của Quỹ bảo hiểm y tế trong tổng chi cho HIV/AIDS tăng từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 25% nguồn lực trong nước cho HIV.
Thực trạng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến an sinh xã hội cho các đối tượng trên, về mặt chủ trương và chính sách, an sinh xã hội cho những người có nguy cơ có HIV và những người có HIV đã được quan tâm và đầu tư.
Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương, thực tế cho thấy nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV hiện quỹ bảo hiểm y tế sẽ không chi trả, do vậy việc cung cấp các dịch vụ dự phòng còn rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Đánh giá tiếp cận với các dịch vụ y tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và COVID-19 và các gói an sinh xã hội, Tiến sỹ Lê Phương Hòa – Trưởng phòng Quản lý Khoa học và hợp tác nghiên cứu quốc tế, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và nhóm chuyên gia của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS cho hay đại dịch COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020 khiến cho công tác phòng chống HIV/AIDS trở nên khó khăn hơn.
Qua khảo sát cho thấy nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế dự phòng ở người có nguy cơ cao và người có HIV gồm: Hỗ trợ vật phẩm phòng COVID-19, hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV cho người có HIV, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dịch cho nhóm nam quan hệ đồng giới, hỗ trợ chi phí khám và điều trị Methadone cho người tiêm chích ma túy, chuyển gửi đi xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm HIV…
Theo Tiến sỹ Lê Phương Hòa, các rào cản khi tiếp cận các dịch vụ y tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và COVID-19 trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh như: Các đối tượng không được ra ngoài, không có/thiếu tiền, bị kỳ thị xã hội, thiếu thông tin về các gói dịch vụ y tế, thủ tục nhận hỗ trợ phức tạp, sức khỏe tâm thần không đảm bảo để tiếp cận các dịch vụ, không đủ dụng cụ bảo hộ y tế phòng chống COVID-19…
Cần đơn giản hóa các thủ tục
Theo Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 242.000 người. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.
Giai đoạn 2021-2022, hằng năm phát hiện 12.000-13.000 người nhiễm HIV mới, tăng 20% so với giai đoạn 2019-2020 (10.000-11.000 người nhiễm HIV/năm) cho thấy sự hiệu quả trong việc áp dụng triển khai các mô hình mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam nhân định MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua.
Ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Dự án VUSTA cho hay VUSTA đã tham gia vào các dự án của Quỹ Toàn cầu từ năm 2011, từ đơn vị nhận tài trợ phụ vào năm 2011 đã trở thành nhà tài trợ chính từ năm 2015. Giai đoạn 2021-2023, dự án đặt mục tiêu tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng và triển khai tại 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Từ năm 2018 đến nay, dự án VUSTA – quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận với dịch vụ y tế. Trong số đó, một trong những mục tiêu của dự án là đẩy mạnh việc hoàn thiện và thực thi khung pháp luật và chính sách nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng và thuận lợi.
Chính vì vậy, Dự án VUSTA khuyến nghị mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước, bên cạnh đó cần đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội tham gia bảo đảm an sinh xã hội; tập trung các giải pháp làm giảm kỳ thị của xã hội đối với người tiêm chích ma túy, MSM, phụ nữ bán dâm và tăng ngân sách cho các dịch vụ dành cho các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, quy trình để cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nguy cơ cao nên được tính toán lại và đơn giản hơn.
Để khắc phục tình trạng trên, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã đưa ra một số giải pháp như: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị mua sắm thuốc ARV bảo hiểm y tế để thực hiện các kế hoạch mua sắm bổ sung thuốc ARV; điều tiết thuốc ARV các nguồn để hỗ trợ cho các cơ sở chưa có thuốc.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần đẩy mạnh làm việc với Quỹ toàn cầu đề nghị hỗ trợ thuốc ARV đối với các thuốc do bảo hiểm y tế và nguồn ngân sách nhà nước chi trả nhưng không mua được; làm việc với các đơn vị cung ứng xét nghiệm tải lượng, hướng dẫn các cơ sở điều trị điều chỉnh đơn vị ký hợp đồng xét nghiệm tải lượng HIV.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng cần ban hành các văn bản để hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ hoặc từ ngân sách địa phương trong việc hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế để người bệnh tiếp tục duy trì điều trị./.
Ý kiến ()