Văn chương lấp lánh vẻ đẹp cuộc sống
Nhằm tiếp tục nuôi dưỡng, khơi lên tinh thần cống hiến, ngọn lửa sáng tạo văn chương của các tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức giới thiệu những cuốn sách nổi bật được xuất bản, phát hành trong năm 2024.
Không chỉ tạo nên dấu ấn văn chương đặc sắc, mỗi tác phẩm còn như những thanh âm lấp lánh vẻ đẹp cuộc sống.
Xuất hiện trong danh sách vinh danh là 10 tác phẩm: Truyện ký “Theo dấu chân Người” (Giáo sư Trình Quang Phú); tập truyện ngắn “Trên đỉnh giời” (nhà văn Y Ban); tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” (nhà văn Phạm Thị Bích Thủy); tiểu thuyết “Nhặt bóng người” (nhà văn Vũ Thanh Lịch); trường ca “Lũ” (nhà thơ Lữ Mai); bút ký “Dấu chân bộ đội Cụ Hồ” (nhà văn Hạnh Đỗ); tiểu thuyết dịch “Phía đông vườn địa đàng” (dịch giả Phạm Văn); truyện thiếu nhi “Hải Âu đi tìm cha” (nhà văn Trần Thu Hằng); hồi ký “Thư cho em: Chuyện tình tướng Hoàng Đan và vợ qua lời kể con trai” (tác giả Hoàng Nam Tiến); hồi ức “Nhớ và ghi lại” (nhà văn Hồ Đắc Thạnh).
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, mỗi cuốn sách được Hội đề cử để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu, khen tặng đợt này đều chứa đựng những giá trị và nét đặc sắc riêng về cả nghệ thuật thể loại và nội dung. Trong đó, có hai tác phẩm khiến ông ấn tượng nhất là “Trên đỉnh giời” của nhà văn Y Ban và “Theo dấu chân Người” của Giáo sư Trình Quang Phú.
Với “Trên đỉnh giời”, nhà văn Y Ban đã chinh phục người đọc bằng những truyện ngắn “nóng hổi” về các vấn đề mà con người trong thời đại ngày nay phải đối mặt. Và điều đáng quý là cho dù phải đi qua những thách thức, rối loạn, ngờ vực hay thất bại thì cuối cùng, thứ mà mỗi người hướng đến vẫn luôn là vẻ đẹp nhân văn, chân thực của cuộc sống.
Từ tập truyện, bạn đọc còn có thể thấy nghệ thuật viết truyện ngắn đầy tinh tế của một nhà văn giàu kinh nghiệm. Chính yếu tố này đã giúp thông điệp của từng câu chuyện được thể hiện hấp dẫn, lôi cuốn. Còn với “Theo dấu chân Người”, nhà văn Trình Quang Phú gây bất ngờ khi thể hiện con người, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một góc nhìn mới.
“Dựa trên những tư liệu lịch sử và sáng tạo cá nhân, tác giả đã dựng lên hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi có cảm giác như đang sống trong chính thời đại của chúng ta, hiện diện trong cuộc sống hằng ngày, trong mỗi nếp nhà, mỗi bước đi của dân tộc...” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.
Đặc biệt, lần đầu trong danh sách vinh danh có sự xuất hiện của tác phẩm sách điện tử: Trường ca “Lũ” của nhà thơ Lữ Mai do Công ty Sách điện tử Waka phát hành, đánh dấu bước chuyển mình của văn học trong thời đại công nghệ số. Cảm tác từ hiện thực tàn khốc của siêu bão Yagi (bão số 3) trong năm 2024, nhà thơ Lữ Mai đã viết nên những vần thơ giàu cảm xúc lấy hình tượng trung tâm là linh hồn một em bé xấu số.
Ở thế giới khác, em được mẹ thiên nhiên che chở và có hành trình quay ngược thời gian, kể về những câu chuyện đã qua… Không chỉ phản ánh sự khốc liệt của thiên tai, tố cáo mạnh mẽ nạn phá rừng, “Lũ” còn thắp lên ánh sáng ấm áp của sự sẻ chia, đoàn kết, yêu thương giữa con người với con người, đồng thời khẳng định trách nhiệm của người cầm bút trước những biến động của cuộc sống. Ý nghĩa này càng được nhân lên khi ngay thời điểm ra mắt, trường ca “Lũ” đã đồng hành cùng chương trình gây quỹ hỗ trợ trẻ em vùng cao, khẳng định sức mạnh kết nối cộng đồng qua văn học.
Sâu lắng và đầy xúc động, hồi ức “Thư cho em: Chuyện tình tướng Hoàng Đan và vợ qua lời kể con trai” của tác giả Hoàng Nam Tiến khiến nhiều người đọc thổn thức với những bức thư tay kể về mối tình vượt thời gian của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ là đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh.
Nên duyên từ thuở đôi mươi nhưng vì chiến tranh, thời gian họ được ở bên nhau rất ít ỏi. Chính những lá thư chất chứa bao tâm tình được hai người viết cho nhau trong hơn 40 năm đã băng qua bom đạn, trở thành sợi dây kết nối tâm hồn, tình yêu của họ trong những tháng năm gian khó. Không đơn thuần chỉ là hồi ức về tình yêu, tác phẩm còn mang đến cho người đọc hôm nay những hình dung sống động về một thời kỳ đầy anh hùng và lãng mạn của dân tộc…
10 tác phẩm - con số được vinh danh không nhiều, nhưng thể hiện được sự đa dạng về đề tài, thể loại, phần nào cho thấy đời sống văn chương khá sôi động trong năm qua. Mỗi tác phẩm tựa như cuộc dấn thân nghệ thuật của người viết để khai phá những câu chuyện, những thông điệp ý nghĩa.
Đáng chú ý, “chắp bút” cho các tác phẩm là những tác giả ở nhiều độ tuổi khác nhau, có người đã ngoài 80, 90 tuổi, có người ở độ tuổi ngoài 60, cũng có những tác giả đang sung sức thuộc lứa 7x, 8x. Điều này khẳng định, dòng chảy văn học Việt Nam vẫn đang được nuôi dưỡng bởi những cây bút thuộc nhiều thế hệ.
Nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều là văn chương Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện của những “giọng nói trẻ”. Họ sẵn sàng thể hiện trách nhiệm công dân đặt ra trong tác phẩm. Họ đang cùng thế hệ nhà văn đi trước sáng tạo theo những phong cách khác nhau, song tất cả đều hướng tới tôn vinh vẻ đẹp của văn chương và vẻ đẹp của con người, dân tộc Việt Nam.
Ý kiến ()