Văn Chấn khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế
Cán bộ xã Cát Thịnh trao đổi với anh Trần Quốc Tuyến ở thôn Ngã Ba về kỹ thuật chăm sóc ba ba giống bố mẹ. Huyện miền núi Văn Chấn (Yên Bái) tuy có địa hình khá phức tạp, nhưng lại được chia thành ba tiểu vùng kinh tế rõ rệt, có cánh đồng Mường Lò gồm 12 xã, tương đối bằng phẳng; chín xã, thị trấn có lợi thế về phát triển vườn đồi, vườn rừng và trồng lúa nước; vùng cao gồm mười xã, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc.Khai thác thế mạnh của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 19 đề ra mục tiêu đến năm 2015 bình quân thu nhập đầu người đạt 22 triệu đồng/năm trở lên... Sau hơn một năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Văn Chấn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Lịch, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ này, Huyện...
Cán bộ xã Cát Thịnh trao đổi với anh Trần Quốc Tuyến ở thôn Ngã Ba về kỹ thuật chăm sóc ba ba giống bố mẹ. |
Khai thác thế mạnh của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 19 đề ra mục tiêu đến năm 2015 bình quân thu nhập đầu người đạt 22 triệu đồng/năm trở lên… Sau hơn một năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Văn Chấn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Lịch, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ này, Huyện ủy đã ban hành chương trình hành động với những giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tập trung khai thác thế mạnh của từng vùng, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và đào tạo nghề cho nông dân; thay đổi phương pháp làm việc của các phòng ban, đơn vị; đẩy mạnh phát triển đảng viên ở những xã đặc biệt khó khăn…
Để tìm hiểu về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ huyện, chúng tôi đến xã Cát Thịnh đúng hôm bà con trong xã nô nức xuống đồng trồng khoai tây Atlantic và rau màu vụ đông. Được biết, đây là giống khoai tây mới đưa vào trồng đại trà ở xã nhưng đã có sản lượng tới 20 tấn/ha. Thấy tôi băn khoăn về năng suất khoai tây và các cây rau vụ đông, bác Giàng A Phử, dừng tay cuốc đất nói: Những năm trước, xã Cát Thịnh trồng được 15 ha, năm nay trồng nhiều hơn vì giống khoai này cho năng suất cao lại bán được giá. Nhà báo cứ vào ủy ban xã là biết hết!…
Chúng tôi gặp đồng chí Dương Trung Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Cát Thịnh thì được biết, để cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ xã và huyện, Đảng ủy xã đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế – xã hội, về công tác xây dựng Đảng. Trong đó, xã chú trọng vào chuyển đổi các cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn xã đã trồng được 25 ha khoai tây, phấn đấu đến hết năm 2013 trồng 40 ha. Ngoài ra một số hộ trong xã còn nuôi ba ba trên diện tích 3,8 ha mặt nước. Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi, trồng các cây vụ đông thì Đảng ủy xã còn khuyến khích bà con chuyển đổi diện tích trồng chè năng suất thấp sang trồng cây keo, bồ đề lấy gỗ; đưa giống măng bát độ vào trồng. Với phương pháp đa canh đó, đã có nhiều hộ thu nhập được hơn một tỷ đồng/năm như hộ anh Sa Quang Huy, thôn Ba Khe 2; anh Trần Quốc Tuấn, thôn Ngã Ba… Để bảo đảm các chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng bộ đi vào cuộc sống, Đảng ủy xã đã đề ra các giải pháp như, tham khảo ý kiến của đảng viên, nhân dân trước khi ban hành; chủ động phân công các đồng chí đảng ủy viên thường xuyên theo dõi nắm tình hình các thôn, bản; tăng cường cán bộ, đảng viên xuống sinh hoạt chi bộ tại những thôn, bản đặc biệt khó khăn…
Cách Cát Thịnh không xa là thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, nơi điển hình của phong trào thay đổi tư duy trong việc dồn điền đổi thửa. Thời gian đầu thực hiện chủ trương này, chỉ có một số hộ hưởng ứng, vì tư tưởng chưa thông suốt, nhất là những hộ có đất trồng lúa tốt, thuận tiện việc chăm bón… Để giải quyết vấn đề này, Đảng ủy thị trấn tổ chức nhiều cuộc họp để nhân dân thảo luận một cách dân chủ. Sau đó lãnh đạo thị trấn bàn bạc với cán bộ, đảng viên và các đoàn thể ở các khu dân cư, đẩy mạnh tuyên truyền về ích lợi của việc dồn điền đổi thửa; hỗ trợ phân bón, giống cho các hộ khi cải tạo đất xấu. Một số đảng viên ở Chi bộ 3 B đi đầu thực hiện nghị quyết. Tiêu biểu là các đồng chí Vũ Đăng Lư, Phạm Minh Hồng, Lại Thị Huệ… Nhiều hộ gia đình thấy các cán bộ, đảng viên thực hiện chuyển đổi ruộng đất đạt hiệu quả đã tích cực làm theo. Tại những thửa ruộng đã quy hoạch, một số giống lúa mới như DS1, chiêm hương được bà con đưa vào trồng và cho sản lượng đạt 8,5 tấn/ha. Theo đồng chí Lê Ngọc Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn, nông trường Nghĩa Lộ có diện tích đất rừng và đất trồng chè nhiều, diện tích đất trồng lúa chỉ có 86 ha. Do đó, Đảng ủy thị trấn xác định để tăng thu nhập cho các hộ làm nông nghiệp thì phải đẩy mạnh trồng cây lúa, cây rau màu vụ đông theo hướng hàng hóa; phát huy thế mạnh của địa phương trong chế biến chè, trồng rừng, chăn nuôi gia súc. Muốn làm được điều đó cần tập trung quy hoạch ruộng đất; chọn các loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao; ổn định diện tích rừng và chè.
Rời huyện Văn Chấn, chúng tôi nhận thấy muốn khơi dậy tiềm năng trong phát triển kinh tế – xã hội ở một huyện miền núi thì các cấp ủy đảng phải có quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm và điều quan trọng hơn là biết khơi dậy sức dân, chung sức đồng lòng biến nghị quyết của các cấp ủy đảng thành hiện thực…
Theo Nhandan
Ý kiến ()