Thứ 4, 25/12/2024 14:06 [(GMT +7)]
Vãn cảnh di tích, danh thắng xuân Xứ Lạng
Thứ 5, 17/02/2011 | 08:51:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Từ lâu, Lạng Sơn vẫn luôn tự hào là vùng đất có nhiều di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đi vào thơ ca, là điểm dừng chân tham quan, du lịch của nhiều đoàn du khách gần xa. Xuân về vãn cảnh di tích, danh thắng (DT – DT) trên quê hương Xứ Lạng, mỗi người chắc chắn sẽ cảm nhận được nhiều điều ý nghĩa.
Tiêu biểu di tích, danh thắng Xứ Lạng
Đối với các đoàn du khách, thành phố Lạng Sơn (TPLS) luôn là một điểm dừng chân thú vị. Bởi nơi đây, du khách có thể trải nghiệm nhiều nội dung trong hành trình. Trong đó, nội dung vãn cảnh các DT- DT luôn được du khách dành thời gian đáng kể. Hầu như những ai mới đến Lạng Sơn lần đầu thì cũng đều hỏi về các địa danh trong câu “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Cũng phải thôi, bởi đây là những địa danh đã gắn liền với dặm dài công cuộc dựng xây, phát triển và trưởng thành của TPLS nói riêng, quê hương Xứ Lạng nói chung. Nhân nói về câu ca dao, xin được điểm đôi dòng về những địa danh trên.
Du khách vãn cảnh động Nhị Thanh |
Đồng Đăng (Cao Lộc), một trong những địa bàn trọng điểm của khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Trong các năm 2009, 2010 vừa qua, lễ khai mạc chương trình Lễ hội (LH) Xuân Xứ Lạng đã được tỉnh chọn tổ chức tại thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) rất ấn tượng, gợi mở cho du khách đến với nhiều loại hình du lịch (DL) ý nghĩa ở Lạng Sơn. Đáng nói hơn, chương trình khai mạc được tổ chức đúng vào dịp diễn ra LH Đồng Đăng – một trong những LH lớn của tỉnh. Mặt khác, di tích đền Mẫu là một địa chỉ hàng năm đón nhiều lượt du khách đến vãn cảnh, cầu ước may mắn trong năm mới. Đa số các đoàn du khách đi DL mua sắm ở chợ Tân Thanh thì đều ghé thăm di tích đền Mẫu. Ngay đối diện đó, còn có chợ Đồng Đăng, nơi đây cũng là một địa chỉ mua sắm hấp dẫn của du khách. Rồi quay trở về địa bàn TPLS, du khách thường đến thăm quần thể DT – DT Nhị, Tam Thanh – Núi Tô Thị – Thành Nhà Mạc. Theo hành trình như, sau khi thăm động Nhị Thanh, lễ chùa Tam Giáo, du khách sẽ tiếp tục đến thăm động Tam Thanh. Đặc biệt, trong động Tam Thanh có chùa Tam Thanh. Trong tiếng chuông chùa văng vẳng vào vách động, khói hương trầm phảng phất sẽ khiến chúng ta thấy sự tĩnh tại vô cùng và gợi lên bao chiều liên tưởng về một thời khai sơn của ông cha ta. Đi sâu vào trong lòng động, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những kỳ thú do thiên nhiên ban tạo với những nhũ đá tráng lệ. Đến cuối động, chúng ta lại thấy một sự khoáng đạt với sự soi rọi của một luồng sáng ngược cực đẹp. Vị trí này từng được “dân” săn ảnh nghệ thuật sáng tác ra rất nhiều tác phẩm đặc sắc. Theo đường thông thiên sẽ đưa du khách đến lầu Vọng Thị. Từ đây nhìn chếch về phía Đông Bắc sẽ thấy tượng đá nàng Tô Thị bồng con ngóng chồng dãi dầu cùng năm tháng – một biểu tượng đẹp về người phụ nữ Việt Nam. Kế bên đó là di tích Thành Nhà Mạc trầm mặc, rêu phong, cổ kính. Nếu có sức khỏe một chút leo lên các đỉnh núi trên khu di tích này, du khách sẽ thấy như cả TPLS chỉ trong tầm mắt của mình. Xa xa về phía Đông Bắc sẽ thấy phố chợ Kỳ Lừa – nơi đây hiện có chợ Đêm Kỳ Lừa, di tích đền Tả Phủ – nơi thờ Thân Công Tài (thường gọi là Tả Phủ) – người có công khai lập ra phố chợ Kỳ Lừa trở thành biểu tượng cho hoạt động thương mại sầm uất của tỉnh và khu vực xưa và nay. Chếch về phía Đông Nam, du khách thấy Núi Phai Vệ – di chỉ khảo cổ, được ví như “hòn non bộ khổng lồ” giữa lòng thành phố… Rồi dòng sông Kỳ Cùng uốn lượn quanh co. Quả là “sơn thủy hữu tình”!
Di tích, lễ hội – nội dung ý nghĩa trong hành trình du xuân
Xin được nói thêm về LH. Ở Lạng Sơn, nhiều LH được tổ chức thường gắn với một di tích nào đó. Do đó, đây sẽ là điều kiện để du khách biết đến di tích qua LH và ngược lại. Năm 2010 vừa qua cũng là năm đầu tiên, nghi lễ rước kiệu từ di tích Nhị Thanh sang Tam Thanh, và ngày hôm sau qua LH Lồng tồng làng Khòn Lèng tổ chức ngay dưới chân núi nàng Tô Thị – một LH dân gian khá tiêu biểu cho cư dân nông nghiệp Lạng Sơn. Trong mùa LH, với nghi lễ rước kiệu, du khách còn bắt gặp ở LH đền Kỳ Cùng, đền Tả Phủ. Đây là phần được nhân dân đón chào rất trọng thịnh, góp phần làm tăng không khí vui hội xuân trên toàn địa bàn tỉnh nói chung, TPLS nói riêng.
Với du khách đến TPLS, trong hành trình DL văn hóa tâm linh, thường đi vãn cảnh DT- DT, cầu tài, cầu lộc, sức khỏe, may mắn… theo thứ tự như sau: Đền Kỳ Cùng, Đền Trần, Chùa Tiên, Đền Cửa Đông, Chùa Thành. Sau đó đi lễ chùa Tam Giáo, thăm động Nhị Thanh, lễ chùa Tam Thanh và thăm động Tam Thanh, ngắm nàng Tô Thị, leo núi ngắm toàn cảnh thành phố Lạng Sơn… Còn từ thành phố đi sang các vùng phụ cận, nếu đi lên phía Bắc thì thường vào lễ đền Mẫu Đồng Đăng, đi về phía Đông là vãn cảnh, lễ chùa Bắc Nga, trên đường về Hà Nội thì vào vãn cảnh đền Bắc Lệ. Theo dân gian, nếu trong hành trình thăm được từng ấy DT – DT đủ theo thứ tự diễn trình, sẽ ý nghĩa, bày tỏ được nhiều sự thành kính và ước vọng của mình…
Mùa xuân vãn cảnh DT – DT mỗi người sẽ thấy tĩnh lòng hơn, để rồi tiếp tục nỗ lực đạt được nhiều mục tiêu, ý nghĩa cao đẹp trong cuộc sống thường nhật còn nhiều bộn bề, sôi chảy. Qua đó, còn bày tỏ tấm lòng tri ân với các bậc tiền nhân anh hùng, cũng như cầu ước những điều an lành sẽ đến với bản thân và gia đình trong năm mới. Đó thực sự là một nét văn hóa thanh tao, một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta. Và Lạng Sơn luôn mở cửa đón chào đông đảo du khách về vãn cảnh DT- DT mỗi độ xuân về.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()