Vai trò nêu gương của lãnh đạo về tự phê bình và phê bình
LSO-Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nêu bốn giải pháp cần tiến hành. Trong đó nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên được đặt lên hàng đầu. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình cũng được đưa lên hàng đầu.
Đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kỳ thứ bảy, năm 2017 |
Tự phê bình nghiêm túc trước tập thể những ưu, khuyết điểm của bản thân nhằm mục đích phát huy ưu điểm và sửa chữa khuyết điểm. Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó, trong sinh hoạt đảng hiện nay, một hiện tượng khá phổ biến là tự phê bình và phê bình thiếu nghiêm túc, qua loa, chiếu lệ, dễ người dễ ta, có biểu hiện thỏa hiệp, không phê bình ai, để không ai phê bình mình. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là cán bộ lãnh đạo chưa nghiêm túc tự phê bình và phê bình.
Cán bộ lãnh đạo nghiêm túc tự phê bình nghĩa là: vừa thực hiện chức năng tự giáo dục, vừa là bài học thực tiễn, tấm gương sáng trước cấp dưới và quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, “Cán bộ cao cấp phải xung phong gương mẫu trong tự phê bình và phê bình”. Theo Người: “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”.
Cán bộ lãnh đạo tự phê bình về những sai phạm, khuyết điểm của mình là con đường ngắn nhất để khôi phục và nâng cao uy tín. Những cán bộ lãnh đạo không tự phê bình nghiêm túc, sợ mất chức vì tự phê bình khi chức vụ đang gắn chặt với đặc quyền, đặc lợi…là những biểu hiện chủ yếu và đáng lo ngại nhất về sự sa sút phẩm chất, tư cách của người cán bộ lãnh đạo.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55, ngày 19/12/2016 về một số vấn đề cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên với 6 nhóm nội dung nêu gương; Tỉnh ủy Lạng Sơn cụ thể hóa bằng việc ban hành Quy định số 644, ngày 18/4/2017 về trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, với phương châm: cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; cán bộ là người đứng đầu phải là người gương mẫu nhất. Quy định nêu gương có 8 nhóm nội dung, trong đó tự phê bình và phê bình là nhóm nội dung quan trọng được đưa vào quy định. Theo đó, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “phải là tấm gương trong thực hiện tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, chân thành, khách quan; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa…”.
Trong đợt kiểm điểm cuối năm 2016 – năm đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm điểm rất nghiêm túc, khách quan, cầu thị, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm của từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, đồng thời yêu cầu có kế hoạch sửa chữa khuyết điểm trong năm 2017.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Tổ chức Trung ương, trực tiếp theo dõi một số tỉnh, trong đó có Lạng Sơn cho rằng: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Lạng Sơn là tỉnh có những cách làm sáng tạo, thể hiện sự nghiêm túc trong triển khai thực hiện, trong kiểm điểm các đồng chí đã rất thẳng thắn tự phê bình và phê bình, dám nhận trách nhiệm về những khuyết điểm, nhất là đồng chí đứng đầu cấp ủy.
Đồng chí Nông Văn Thảm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Hiện nay, Tỉnh ủy đang chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị xây dựng và ban hành quy định nêu gương theo quy định của trung ương, của Tỉnh ủy gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, cán bộ lãnh đạo nêu gương sáng về tự phê bình nghiêm túc sẽ là dấu hiệu tích cực mở đầu cho việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.
PHÙNG KHIÊM
Ý kiến ()