Vai trò mang tính xây dựng của Việt Nam trong bảo đảm an ninh hàng hải
Trang Modern Diplomacy (chuyên trang của châu Âu về các vấn đề quốc tế) vừa đăng bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ Pankaj Jha, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh chiến lược trường quốc tế Jindal thuộc Đại học toàn cầu Jindal (Ấn Độ), trong đó có những phân tích chi tiết nội dung bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về chủ đề tăng cường an ninh biển. Bài viết đã đánh giá cao cách tiếp cận và sáng kiến của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Theo TTXVN, Giáo sư Pankaj Jha nhận định, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những câu hỏi rất xác đáng về việc hình thành nhận thức và ý thức hàng hải ở cấp độ quốc tế. Một trong những khía cạnh quan trọng được đề cập là sự hợp nhất các cơ chế và sáng kiến quốc tế nhằm thúc đẩy cấu trúc an ninh hàng hải khu vực dưới sự bảo trợ của LHQ, đồng thời phát triển các cấu trúc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm.
Việt Nam đã làm việc tích cực trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, khi thúc đẩy chương trình nghị sự dưới sự bảo trợ của tổ chức khu vực và cố gắng tập hợp các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cùng xem xét thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như hoàn tất các cuộc đàm phán liên quan việc thông qua dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tác giả bài viết nhận định, phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về thực trạng và những yêu cầu cấp bách được đánh giá cao, cho thấy an ninh hàng hải thật sự được coi là nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự.
Cuộc họp tháng 8 của Hội đồng Bảo an LHQ đã nêu rõ trong Tuyên bố Chủ tịch kêu gọi thúc đẩy hợp tác hàng hải và phát triển cấu trúc an ninh nhằm thúc đẩy thương mại hàng hải, cũng như bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải. Hầu hết thành viên tham gia phiên thảo luận mở cấp cao đều nhất trí và đề nghị cần thực hiện song song với phát triển kinh tế xanh và khai thác bền vững tài nguyên biển.
Theo bài viết của Giáo sư Pankaj Jha, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao phương châm 5S của Ấn Độ khi tham gia Hội đồng Bảo an. Thủ tướng đã nhấn mạnh trong lĩnh vực hàng hải, các quốc gia đang phải đối mặt những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển là những thách thức lâu dài cần được ưu tiên giải quyết. Việt Nam là quốc gia ven biển cần khai thác tài nguyên để phát triển bền vững kinh tế biển, xây dựng môi trường biển an toàn vì lợi ích người dân.
Bài viết có đoạn nêu rõ, trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vạch ra cách thức Việt Nam sẽ phối hợp cộng đồng quốc tế để đạt mục tiêu đề ra và thúc đẩy an ninh hàng hải ở tất cả các cấp. Đáng lưu ý, trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính sử dụng những từ ngữ phù hợp và cách tiếp cận thuần thục để đề cập tất cả thách thức trong lĩnh vực hàng hải mà không gây căng thẳng.
Tác giả bài viết khẳng định, Việt Nam đã thật sự đi đầu giải quyết các thách thức liên quan Biển Đông và ngày càng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết tranh chấp chung ở vùng biển này. Dưới sự chủ trì của Ấn Độ tại Hội đồng Bảo an và sự tập trung vào chủ đề an ninh hàng hải, các nước có lẽ sẽ đạt được đồng thuận cao hơn về mặt ngoại giao rằng, việc sử dụng sức mạnh quân sự và lực lượng dân quân biển sẽ không giải quyết được các vấn đề hàng hải có nhiều bên tranh chấp.
Theo Giáo sư Pankaj Jha, việc khai thác tài nguyên và thăm dò dầu khí trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình là quyền của bất kỳ quốc gia nào theo luật pháp quốc tế. Điều này phải được tôn trọng và thật sự đã được “cộng hưởng” trong suốt bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp đặc biệt về an ninh hàng hải của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ý kiến ()