Vai trò lãnh đạo của Đảng và niềm tin của nhân dân
Tổ quốc Việt Nam của tôi đang trên đường đổi mới, với những ai hằng ngày tiếp xúc với các kết quả của sự nghiệp đổi mới sẽ rất dễ vì quen thuộc mà chưa cảm nhận sâu sắc như những người xa xứ về thăm quê nhà. Với tôi, mỗi lần về thăm quê hương, thì đường từ sân bay, qua quốc lộ 1A đi về phía nam chính là cột mốc ghi dấu các đổi thay trong những ngày tháng tôi vắng nhà. Năm 1976, lần đầu tôi xa Tổ quốc, và đến Cộng hòa dân chủ (CHDC) Đức bằng tàu hỏa liên vận quốc tế, 14 ngày mới tới nơi. Cuối năm 1981, tôi trở về bằng đường hàng không. Một hình ảnh tôi không bao giờ quên khi xuống sân bay Nội Bài, lúc đó khu vực sân bay chỉ có một ngôi nhà duy nhất, mái nhà lợp lá cọ. Một thời gian sau, trở lại để sang CHDC Đức, tôi đã thấy một ngôi nhà khách xây kiên cố hơn, mái nhà làm bằng ngói. Nhưng hành trình đến sân bay không đơn giản.
Một ngày trước khi bay, tôi phải xếp hàng rất lâu để mua vé xe ca ở bến xe Gia Lâm cho chặng đường Hà Nội – Nội Bài. Để không bị lỡ chuyến bay, tôi phải ngủ lại một đêm trên nền nhà của nhà khách sân bay. Để chống lạnh, tôi lót những tờ báo lên nền nhà bằng xi-măng. Còn hôm nay, nhà ga hàng không khang trang, thuận tiện hơn nhiều. Một niềm vui nữa là nhà ga T2 sắp đưa vào hoạt động.
Sau một thời gian dài trở lại, nhiều người thật sự bị “sốc” vì sự thay đổi của đất nước và con người Việt Nam.
Cách đây không lâu, tôi chứng kiến sự cảm nhận của hai luật sư người Đức, có văn phòng luật sư tại thành phố Leipzig. Là đồng nghiệp, tôi quen biết họ từ những năm 80 của thế kỷ trước, và đã được nghe họ kể về chuyến du lịch Việt Nam năm 1987 do Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức. Hồi ấy, họ chỉ được đi lại khi có hướng dẫn viên đi cùng, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân rất hạn chế.
Sau lần đó, họ muốn trở lại thăm Việt Nam, không chỉ đến những thành phố đẹp mà đến vùng sâu, vùng xa, để biết về sinh hoạt của một gia đình Việt Nam bình thường.
Và tôi đã cùng họ thực hiện một hành trình xuyên Việt. Muốn có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn, từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh chúng tôi theo đường bộ, đường sắt. Trước đó, chúng tôi đã lên Sa Pa (Lào Cai), sang Lai Châu, vòng về Yên Bái, Việt Trì (Phú Thọ). Trong những năm qua, hai người bạn này đã đi du lịch đến hầu hết các nước trên thế giới, vì vậy họ rất thú vị khi đến thăm, dùng bữa trưa tại gia đình chị gái tôi. Chị gái tôi và anh rể không phải là người giàu có, trước khi về hưu là giảng viên Trường đại học Hồng Đức, Thanh Hóa. Hai người bạn Đức cho tôi biết suy nghĩ chân thật của họ: trang bị đồ dùng bằng điện của gia đình cũng đầy đủ như của họ ở bên Đức, chỉ có điều khác là họ đi làm bằng xe ô-tô riêng, còn anh chị tôi đi xe máy. Và họ ngạc nhiên sau khi hỏi tiền thuê nhà chiếm bao nhiêu phần trăm thu nhập, thì được anh chị tôi trả lời: phần lớn người dân Việt Nam là chủ các ngôi nhà hay căn hộ họ sử dụng; trong khi đó ở CHLB Đức, phần lớn người dân vì không đủ tiền mua nhà hay xây nhà, mà ở thuê. Phần lớn gia đình ở Đức phải chi khoảng 50% thu nhập để trả tiền thuê nhà, ở các thành phố lớn tiền thuê nhà thường rất đắt, nên tỷ lệ chi phí này ở đó còn cao hơn nhiều. Khi đi bộ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… hai luật sư người Đức nói với tôi, họ cảm giác như đang dạo bước ở các thành phố ở phương Tây. Tất nhiên, khi đến thăm các bản, làng ở gần Sa Pa hay các huyện xa của các tỉnh Lai Châu, Yên Bái… họ cũng thấy sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn còn lớn, nhiều gia đình nông dân còn vất vả. Nhưng so với lần họ đến Việt Nam năm 1987, thì theo họ, khoảng cách đã rút ngắn rất nhiều, vì thấy các gia đình có điện sử dụng, và ở vùng sâu, vùng xa mà nhiều gia đình có điện thoại, ti-vi, xe máy. Họ cũng biết Việt Nam còn phải tập trung công sức, tiền của và thời gian cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo. Bởi vì, ngay cả CHLB Đức, sau gần 70 năm kết thúc chiến tranh, hiện vẫn còn phải quan tâm đến vấn đề này, vì theo báo cáo chính thức của Chính phủ CHLB Đức thì năm qua 15,2% số dân Đức đang sống trong nghèo khổ. Còn theo nhận định của một số tổ chức xã hội thì con số người nghèo khổ ở Đức thực tế cao hơn nhiều.
Mặc dù không thể đi thăm tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam trong vòng ba tuần, nhưng hai người bạn của tôi cũng nắm rất rõ thành tích của Việt Nam trên lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, vì trước khi trở lại họ đã đọc các bản phân tích của Ngân hàng Thế giới. Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới và LHQ, những năm qua không có quốc gia nào trên thế giới đạt được kết quả lớn hơn Việt Nam trên lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Không chỉ trên lĩnh vực an sinh xã hội mà các lĩnh vực khác liên quan đến con người, thí dụ về quyền con người nói chung và quyền tự do tôn giáo nói riêng, Việt Nam thu được những thắng lợi vượt bậc. Những thắng lợi của Việt Nam trong các thập kỷ qua đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Với nhiều nước, Việt Nam là một tấm gương không những trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong quá khứ mà cả trong xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội sau chiến tranh. Kết thúc hành trình xuyên Việt, hai luật sư người Đức nói với tôi, những gì họ đã nghe, đã đọc và tận mắt chứng kiến ở Việt Nam đã gây ấn tượng rất sâu sắc với họ. Họ đặt câu hỏi: Chính quyền Việt Nam hiện tại có vững chắc không, tương lai của chính quyền ấy sẽ như thế nào? Và tôi trả lời: Chính quyền đó rất vững chắc, không gì có thể lay chuyển. Đất nước Việt Nam của tôi hôm nay đã vững mạnh hơn rất nhiều, vì thế chính quyền Việt Nam sẽ trường tồn. Cơ sở cho sự trường tồn này là lòng tin của mọi người dân Việt Nam vào Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam; đó là sự thật không chỉ riêng tôi, mà đại đa số người dân Việt đều nhận thức được.
Năm nào tôi cũng về thăm quê, mỗi lần về tôi lại có rất nhiều cơ hội để kiểm chứng. Một trong các cơ hội đó là những lần trò chuyện với anh trai của mẹ tôi, bác Lê Khắc Minh ở phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa. Trước khi về hưu bác tôi là giáo viên. Những năm 60 của thế kỷ trước, khi Nhà nước phát động phong trào bổ túc văn hóa, nhiều năm liền, bác đã tình nguyện lên giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, nơi các dân tộc thiểu số ở miền tây Thanh Hóa. Tôi rất hạnh phúc vì những gì bác tâm sự với tôi. Qua bác, tôi biết không chỉ có bác tôi, người thuộc thế hệ của những người “xưa nay hiếm” mà các con cháu của bác cũng hoàn toàn tin tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam, tin tưởng vào tương lai đất nước. Song tôi thấy hạnh phúc hơn khi biết, niềm tin này không chỉ tìm thấy trong họ hàng của gia đình tôi, mà trong tất cả các gia đình trên quê hương Việt Nam thân yêu.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()