Vai trò lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ trong chiến thắng Điện Biên Phủ
LSO-Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” không những ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX mà còn đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi nhất, đột phá thành trì của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Đây là kết tinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ.
Cựu chiến sĩ Điện Biên vui mừng gặp gỡ trong buổi tọa đàm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ |
Từ ngày đầu kháng chiến, Đảng và Bác Hồ đã sớm đề ra đường lối chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”; vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kiên trì giành thắng lợi từng bước và phải dựa vào sức mạnh nội lực. Vì vậy, có thời gian xây dựng lực lượng, xoay chuyển tình thế có lợi cho ta; lực lượng vũ trang nhân dân từng bước được xây dựng, củng cố và phát triển (gồm 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.
Đường lối chiến tranh nhân dân đã xác định tính chất cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống chiến tranh phi nghĩa xâm lược, nô dịch thuộc địa của thực dân, đế quốc. Vì vậy, nó còn được sự chung sức của nhân dân Lào, Campuchia; được nhân dân Trung Quốc, Liên Xô và nhân dân tiến bộ trên thế giới đồng tình, giúp đỡ tích cực cho kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
Đảng và Bác Hồ đã biết xây dựng, phát triển lực lượng; biết thời thế, tạo thời thế và biết đánh bằng việc phát huy kết tinh truyền thống nghệ thuật quân sự của ông cha “lấy đoản chế trường, lấy thô sơ thắng hiện đại, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”. Tuy lực lượng vũ trang non trẻ, vũ khí trang bị thô sơ, phương tiện chiến đấu thiếu thốn “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” nhưng triệu người cùng ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã một lòng “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Từ việc cầm chân địch ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ (cuối 1945), Hà Nội, Nam Định (cuối 1946) đến chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông 1947) đập tan mưu đồ “đánh nhanh, thắng nhanh và úp bắt cơ quan đầu não kháng chiến” của ta… Kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao. Chiến dịch Biên giới (Thu Đông 1950) thắng lợi cho ta dễ dàng liên hệ quốc tế qua biên giới Việt -Trung. Các chiến dịch: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… làm địch rệu rã. Đến giữa năm 1953, giặc Pháp phải dàn trải lực lượng để đối phó, buộc chúng phải thay đổi chiến lược bằng “Kế hoạch Na-va”.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn Kế hoạch Đông Xuân 1953-1954, Bác Hồ phân tích: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Người nêu rõ nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, buộc địch phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Hướng Tây Bắc sẽ là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Phương châm chiến lược: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.
Với mưu đồ “chuyển bại thành thắng”, Na-va chiếm đóng Điện Biên Phủ và xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Nam Á. Để buộc giặc phải phân tán lực lượng, các chiến trường trong nước và toàn Đông Dương đã phối hợp chiến đấu, phối hợp với các hoạt động ở khắp vùng sau lưng địch. Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 khẳng định sự đúng đắn trong chỉ đạo chiến lược của Đảng và Bác Hồ, là điểm chốt để hạ quyết tâm trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Đây là lúc “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang “đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng có nhiều sơ hở” của giặc để giành thắng lợi quyết định.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được Na-va cho là “một pháo đài bất khả xâm phạm”. Ta có ưu thế về bộ binh nhưng địch chiếm ưu thế về phương tiện chiến tranh và chiếm ưu thế tuyệt đối về xe tăng, máy bay; tuy nhiên, cốt yếu là việc sử dụng lực lượng, vận dụng nghệ thuật đánh phù hợp. Trên cơ sở so sánh lực lượng, ta chuyển hướng từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” – Đây là quyết định thể hiện trí tuệ, có ý nghĩa quyết định giành chiến thắng. Đồng thời, ta tập kích các sân bay Gia Lâm, Cát Bi để chặn tiếp tế đường không; đường bộ, đường sắt huyết mạch nối cảng Hải Phòng với Hà Nội bị cắt đứt thường xuyên. Khắp nơi, nhân dân nổi dậy phá tề, trừ gian, nhiều đồn bốt địch bị vây hãm phải rút chạy hoặc đầu hàng… Sau 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, ta đã giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Na-va, kết thúc sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thời kỳ mới, nhân dân các dân tộc trong tỉnh càng tin tưởng và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ðảng, Bác Hồ đã nói: “Thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều…”. Vì vậy, chúng ta đoàn kết thực hiện cho được hoài bão của Người: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trước mắt là thực hiện tốt chuyên đề năm 2014 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”, Nghị quyết số 73 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về nhiệm vụ năm 2014, Chỉ thị số 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) về việc tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Lạng Sơn năm 2014; góp phần vào thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
NGUYỄN ĐỨC LUẬN
Ý kiến ()