Vai trò đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở trong thời kỳ hội nhập
LSO- “Trong thời kỳ hội nhập, để tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đội ngũ những người làm công tác văn hóa cơ sở đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, những năm qua, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH - TT&DL) tỉnh luôn quan tâm thực hiện nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ cán bộ này”- Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VH - TT&DL cho biết.
Cán bộ văn hoá là một trong 7 chức danh cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ cấp xã, phường, thị trấn. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, hiện nay, toàn tỉnh có 404 cán bộ, công chức làm công tác văn hóa ở các xã, phường, thị trấn. Trong đó, gần 50% cán bộ làm công tác văn hóa có trình độ đại học, cao đẳng theo đúng chuyên ngành.
Để phát huy hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở (CBVHCS), hằng năm, Sở VH-TT&DL đều xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBVHCS. Các huyện, thành phố thường xuyên đánh giá chất lượng và thực trạng hoạt động của CBVHCS. Trên cơ sở đó, Sở VH-TT&DL xây dựng kế hoạch và triển khai các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa tại các xã, phường, thị trấn; tạo điều kiện cho CBVHCS tham gia học tập nâng cao trình độ; tích cực động viên, khuyến khích các CBVHCS phát huy năng lực để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa tại các địa phương…
Cán bộ văn hóa xã, được tập huấn kiến thức quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa và gia đình
Bắc Sơn, Hữu Lũng, Tràng Định, Chi Lăng… là các huyện làm tốt công tác văn hóa bởi đã phát huy được vai trò của đội ngũ CBVHCS. Cùng với việc bám sát các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, các cán bộ văn hóa căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tích cực lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tham mưu cho chính quyền các giải pháp đẩy mạnh phong trào văn hóa trong quần chúng nhân dân. Các hoạt động bề nổi như: liên hoan thông tin lưu động, hội diễn văn nghệ quần chúng, lễ hội hoặc tổ chức các hoạt động văn hoá – nghệ thuật nở rộ, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hội nhập trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Bà Đinh Thị Thao, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Để hoạt động văn hóa đạt hiệu qủa cao, hằng năm, huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho CBVHCS, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cán bộ đi học nâng cao trình độ. Đến nay, hơn 90% CBVHCS trong toàn huyện có trình độ cao đẳng, đại học. Giúp cho các CBVHCS phát huy năng lực, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình. Ví như để sưu tầm hiện vật dân tộc học và các hoạt động chào mừng ngày kỷ niệm 590 chiến thắng Chi Lăng có sự đóng góp không nhỏ của CBVHCS; đặc biệt đội ngũ CBVHCS đã tham mưu cho UBND huyện đặt biển tại khu di tích lịch sử Chi Lăng với 52 điểm di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, từ đó đã tạo ấn tượng tốt cho du khách, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.
Khác với Chi Lăng, Bắc Sơn là huyện có tiềm năng du lịch lớn. Tại đây CBVHCS đã phát huy tích cực vai trò của mình trong bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, khơi gợi, thúc đẩy những phong trào văn hóa, thể thao, du lịch do ngành và địa phương phát động, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Năm 2017, huyện Bắc Sơn đã tổ chức thành công đại hội thể dục thể thao và ngày hội quýt vàng Bắc Sơn…, thu hút hơn 30 ngàn lượt khách du lịch. Với thành tích xuất sắc, phòng Văn hóa- Thông tin huyện Bắc Sơn đã được nhận cờ thi đua của Bộ VHTT&DL.
Đảm nhiệm công tác văn hóa gần chục năm nay, chị Hoàng Thị Luận, cán bộ văn hóa xã Hữu Liên, Hữu Lũng chia sẻ: “Xã Hữu Liên có trên 90% dân số là đồng bào các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao… nếu không phải là người bản địa, tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền và ngành VH-TT&DL; sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, tôi có điều kiện để phát huy năng lực, tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức và tích cực hưởng ứng các phong trào văn hóa tại cơ sở. Đến nay, 12/12 thôn đã có nhà văn hóa, trên 85 % số hộ gia đình trong xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa…”.
Với những giải pháp cụ thể, tích cực của các cấp chính quyền và ngành VH-TT&DL, đội ngũ CBVHCS đã từng bước được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, 193/404 CBVHCS có trình độ đại học, chiếm 47,7%. Đội ngũ CBVHCS phát huy tốt vai trò của mình, trở thành hạt nhân, nòng cốt trong việc vận động, hướng dẫn quần chúng nhân dân đẩy mạnh các phong trào văn hóa tại cơ sở.
Bài, ảnh: TUYẾT MAI
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()