Vai trò "đầu kéo" của cụm công nghiệp, làng nghề ở Từ Sơn
Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ phường Đồng Kỵ được người tiêu dùng ưa chuộng. Thực tế ở Từ Sơn (Bắc Ninh) cho thấy, khi chuyển dịch cơ cấu lao động, không theo kịp với quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ xuất hiện nhiều vấn đề xã hội.Mặt khác, khi địa phương chọn đúng "khâu đột phá" phát huy được tiềm năng, thế mạnh tại chỗ sẽ sớm khắc phục "lỗ hổng" này, đồng thời tạo động lực cho phát triển kinh tế.Thị xã Từ Sơn vốn là huyện nông nghiệp nằm cận Thủ đô Hà Nội. Nhiều đời nay các làng xã của Từ Sơn rất năng động trong mở mang nghề để phát triển kinh tế. Ở Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc có nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ. Xã Châu Khê, Đình Bảng có nghề gia công sắt thép. Nghề dệt ở Tân Hồng, nghề xây dựng ở Đồng Nguyên, Tương Giang... Tuy nhiên cho đến năm 2005, làng nghề ở Từ Sơn sản xuất phần lớn vẫn theo quy mô hộ. Một số doanh nghiệp, HTX thành lập mới sản xuất với quy mô nhỏ, công nghệ lạc...
Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ phường Đồng Kỵ được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Mặt khác, khi địa phương chọn đúng “khâu đột phá” phát huy được tiềm năng, thế mạnh tại chỗ sẽ sớm khắc phục “lỗ hổng” này, đồng thời tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Thị xã Từ Sơn vốn là huyện nông nghiệp nằm cận Thủ đô Hà Nội. Nhiều đời nay các làng xã của Từ Sơn rất năng động trong mở mang nghề để phát triển kinh tế. Ở Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc có nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ. Xã Châu Khê, Đình Bảng có nghề gia công sắt thép. Nghề dệt ở Tân Hồng, nghề xây dựng ở Đồng Nguyên, Tương Giang… Tuy nhiên cho đến năm 2005, làng nghề ở Từ Sơn sản xuất phần lớn vẫn theo quy mô hộ. Một số doanh nghiệp, HTX thành lập mới sản xuất với quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Số lượng làng nghề ở Từ Sơn khá cao, nhưng thiếu sự liên kết, sản xuất, kinh doanh còn khép kín… Thực trạng trên khiến sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp ở Từ Sơn xét cả về hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường không cao.
Từ Sơn có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, nhưng mật độ dân số cao, tốc độ đô thị hóa nhanh (năm 2009 huyện Từ Sơn trở thành thị xã). Đồng thời, khi hàng trăm ha đất nông nghiệp của huyện được chuyển đổi phát triển các khu, cụm công nghiệp đã tạo áp lực rất lớn trong vấn đề lao động, việc làm. Khi chuyển dịch cơ cấu lao động không theo kịp với quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ xuất hiện nhiều vấn đề xã hội. Từ Sơn từng xuất hiện nhiều “điểm nóng” về an ninh, trật tự và tệ nạn xã hội.
Nét mới trong phát triển kinh tế của Từ Sơn được ghi nhận từ năm 2009, khi thị xã tiến hành quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp làng nghề. Ba cụm công nghiệp, đô thị gắn với dịch vụ làng nghề hình thành đầu tiên tại các xã Phù Khê, Tam Sơn và Hương Mạc. Theo đó, các đề án của thị xã được triển khai khá đồng bộ, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, thu hút nguồn vốn và nhân lực. Có thể nói, đây là khâu đột phá, là “đòn bẩy” nhằm phát huy lợi thế, sự năng động của các thành phần kinh tế phát triển sản xuất.
Theo đó, thị xã cùng cơ quan chức năng các cấp đẩy mạnh hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nhất là về mặt bằng, vốn cho phát triển sản suất. Nhiều giải pháp, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ được triển khai áp dụng trên địa bàn. Khi các cụm công nghiệp làng nghề được hình thành, chính quyền cùng các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện triển khai đồng bộ các hoạt động khuyến công, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, tạo cơ hội ưu đãi về vốn vay phát triển hạ tầng, tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp. Toàn thị xã đã và đang triển khai thực hiện tới 281 dự án cho vay và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.
Tại Đồng Kỵ, sau quy hoạch phát triển làng nghề mộc mỹ nghệ, đã có hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư mở rộng sản xuất. Quá trình này không chỉ thu hút sáu nghìn lao động của phường, mà còn thu hút thêm bốn nghìn lao động vùng lân cận. Ở các cụm công nghiệp, làng nghề Châu Khê, Đồng Kỵ, Phong Khê chủ yếu là các hộ tư nhân sản xuất, kinh doanh với nguồn vốn đầu tư dưới 10 tỷ đồng, nhưng hoạt động khá hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo nên thương hiệu mạnh. Điển hình như Công ty cổ phần thép Tuấn Cường tại khu cụm công nghiệp Mả Ông, phường Đình Bảng. Vài năm trước công ty do anh Trần Văn Minh làm Giám đốc, có trụ sở ở Đa Hội với quy mô nhỏ. Khi hình thành cụm làng nghề Mả Ông, trong số hàng loạt doanh nghiệp tư nhân vào đây đầu tư phát triển sản xuất, công ty mở rộng được mặt bằng gấp hai lần, có cơ hội đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, tiên tiến. Hiện nay công ty đang triển khai mở rộng nhà máy mới, đầu tư 200 tỷ đồng, lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động hóa. Sản phẩm của công ty có tính cạnh tranh cao tại thị trường các tỉnh phía bắc và miền trung.
Đến nay, trên địa bàn thị xã đã có 14 cụm công nghiệp, làng nghề và đa nghề với tổng diện tích gần 400 ha. Có 464 doanh nghiệp đang sản xuất ổn định thu hút 18 nghìn lao động tại chỗ và các tỉnh lân cận. Sự hình thành và phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề ở Từ Sơn góp phần thúc đẩy, mở rộng quy mô sản xuất cả chiều rộng và chiều sâu. Hiện nay tại các phường Đình Bảng và Trang Liệt với ngành sản xuất đồ mộc mỹ nghệ đã có gần một nghìn máy chế biến gỗ và chạm khắc gỗ tự động, ứng dụng công nghệ thông tin. Việc đưa công nghệ cao vào sản xuất ở làng nghề không chỉ tiết kiệm nhân công, mà còn tiết kiệm tối đa nguyên liệu đầu vào (với máy chế biến gỗ tự động giảm 15 đến 20% nguyên liệu gỗ trong sản xuất). Đồng thời, góp phần hình thành phát triển nhiều làng nghề mới về đồ mộc như ở Tam Sơn, Hương Mạc, rồi sang đến các xã Tam Giang, Trung Nghĩa thị trấn Chờ của huyện Yên Phong. Các làng nghề mới hình thành chuỗi làng nghề, có sự liên kết tạo nên vùng sản xuất đồ mộc liên huyện, với sự phân công chuyên sâu. Đây chính là những yếu tố quan trọng tạo sự cạnh tranh cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh cho xuất khẩu.
Chủ tịch UBND xã Hương Mạc Đàm Đình Quang kể: Cách đây chưa lâu, Hương Mạc còn là xã thuần nông. Vài năm nay, do xu thế phát triển sản xuất tạo thế “đầu kéo” của toàn vùng, các hộ nông dân trong xã đang chuyển nhanh sang phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (TTCN).
Tân Hồng vốn là xã mới nâng cấp lên phường, dân số 11 nghìn người nhưng đất canh tác chỉ còn 491 ha. Trước áp lực của tình thế “nông dân hết ruộng” thị xã và phường cùng bà con tiến hành hàng loạt giải pháp để du nhập
nghề mới và phát triển được trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chính Nghĩa nêu ra giải pháp: Mỗi năm phường đứng ra tín chấp vay Ngân hàng Chính sách hàng tỷ đồng giúp cho các hộ thiếu vốn sản xuất vay để sản xuất kinh doanh. Phường có thêm 800 hộ sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ với các nghề như mộc, nề, cơ khí, chế biến lượng thực, thực phẩm. Trong lĩnh vực này ở phường có 30 doanh nghiệp tư nhân được thành lập mới, thu hút thêm ba nghìn lao động.
Quá trình trên ở Từ Sơn đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm, tăng tỷ trọng doanh thu trong các lĩnh vực công nghiệp – TTCN, dịch vụ từ 43% lên tới 78%. Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn Nguyễn Văn Quỹ cho biết: Năm 2011 giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN đạt gần sáu nghìn tỷ đồng (tăng năm lần so với năm 2009). Thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 63 triệu đồng/năm. Khu vực kinh tế tư nhân và cá thể chiếm 93,5% giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN và dịch vụ. Hiện nay, các doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn vẫn duy trì sản xuất khá ổn định. Quý I năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN trên địa bàn đạt 1.363 tỷ đồng, kinh tế cá thể đạt gần 852 tỷ đồng, kinh tế tư nhân đạt 413,8 tỷ đồng (trong khi kinh tế có vốn nước ngoài chỉ đạt 63 tỷ đồng).
Thực tế quy hoạch và phát triển sản xuất công nghiệp, TTCN “nóng” ở Từ Sơn cũng bộc lộ nhiều yếu kém, đi kèm nhiều hệ lụy. Đó là hạ tầng kỹ thuật ở các cụm công nghiệp, làng nghề còn chắp vá, thiếu đồng bộ. Các công trình xử lý ô nhiễm môi trường hầu như không có. Có không ít cụm công nghiệp, làng nghề vi phạm quy trình quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản, đất ở đây đã và đang “biến hóa” thành khu thương mại, nhà ở… Những yếu kém, bất cập này có nguyên nhân từ công tác quy hoạch và quản lý điều hành của chính quyền và cơ quan chức năng.
Thiết nghĩ, phát triển công nghiệp, TTCN gắn với xử lý hiệu quả vấn đề môi trường, quản lý đô thị đang là một trong những yêu cầu mang tính cấp bách trong quá trình phát triển ở thị xã Từ Sơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()