Vai trò của vận tải đường sắt
LSO-Ngoài sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu trên tuyến đường sắt, vai trò của các trung tâm, trạm kinh doanh vận tải đường sắt là rất quan trọng. Nếu các đơn vị này kiểm soát kỹ khách hàng của mình thì hàng lậu rất khó lọt lên tàu.
Kiểm tra hành chính trước khi lên tàu tại ga Lạng Sơn |
Ga Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) những ngày đầu tháng tư khá yên ắng và vắng vẻ. Ông Phạm Khái, Phó trưởng ga Đồng Đăng cho biết: mỗi ngày tại ga có 1 đôi tàu khách (1 chuyến đi, 1 chuyến về) Đồng Đăng – Gia Lâm và 1 đôi tàu liên vận quốc tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Gia Lâm (Hà Nội, Việt Nam). Ngoài ra, trung bình mỗi ngày có 2 đoàn tàu hàng liên vận.
Đặc thù của ga này không có nhiều hành khách mà chủ yếu là xếp, dỡ hàng. Trong quý I/2016, tại ga chỉ có 645 hành khách nhưng có tới trên 147 tấn hàng hóa xếp, dỡ tại đây.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, vận tải đường sắt Đồng Đăng cho biết: đối với hàng xếp lên tại ga, chúng tôi cùng với lực lượng chức năng kiểm tra rất kỹ, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp thì chúng tôi mới phục vụ vận chuyển. Còn hàng dỡ tại ga, đối với tàu hàng liên vận đều tuân thủ khai thủ tục hải quan và có sự kiểm tra của các lực lượng chức năng.
Thường thì hàng hóa trên tàu liên vận chỉ một phần dỡ tại ga Đồng Đăng, còn lại phần lớn sẽ dỡ tại ga Yên Viên (Hà Nội). Trước khi di chuyển, lượng hàng một lần nữa được kiểm tra, kiểm soát tại ga Đồng Đăng, đảm bảo đến mức thấp nhất có hàng lậu, hàng cấm.
Khác với ga Đồng Đăng, ga Lạng Sơn lại có đặc thù là phục vụ nhiều hành khách. Trung bình mỗi ngày tại đây có 2 đoàn tàu hàng, tuy nhiên, đây chỉ là ga dọc đường, hàng xếp không nhiều; còn hàng dỡ chủ yếu là vật tư nông nghiệp, nông sản. Về hành khách, trong quý I/2016, ga Lạng Sơn phục vụ trên 3,2 nghìn hành khách.
Ông Chu Minh Nam, Trạm trưởng Trạm Vận tải đường sắt Lạng Sơn (ga Lạng Sơn) cho biết: những năm trước đây thường xảy ra hiện tượng hành khách lợi dụng mang vác hàng lên tàu, nhưng hiện tại, các chuyến tàu khách tại đây đã không nhận vận chuyển hành lý.
Đặc biệt từ ngày 29/5/2015, khi đưa chuyến tàu khách chất lượng cao vào vận hành khai thác, tình trạng lợi dụng đưa hàng lậu lên tàu gần như đã chấm dứt. Theo quy định, mỗi hành khách được mang theo 20 kg tư trang, không để các đối tượng lợi dụng quy định này, Trạm Vận tải đường sắt Lạng Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ.
Chống buôn lậu trên tuyến đường sắt qua địa bàn, quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ tại ga Đồng Đăng và ga Lạng Sơn. Bởi tàu từ các ga này sẽ chỉ dừng 2 phút tại ga Bắc Lệ (Hữu Lũng), như vậy hàng lậu, hàng cấm (nếu có) tại các huyện có tuyến đường sắt chạy qua như Chi Lăng, Hữu Lũng sẽ không có cơ hội tuồn lên tàu.
Mới đây, ngày 31/3/2016, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các cấp, ngành hữu quan tăng cường phối hợp với ngành đường sắt trong đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng lậu. Trong đó nhấn mạnh công tác phối hợp kiểm tra hàng hóa theo quy định của pháp luật tại ga xếp, ga dỡ; trường hợp phát hiện hàng lậu trên các toa tàu đang chạy thì phối hợp với nhà ga, trưởng tàu niêm phong toa xe, áp tải về ga dỡ để kiểm tra…
Tuy nhiên, ngoài việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng thì vai trò của các đơn vị kinh doanh, vận tải đường sắt là rất quan trọng. Bởi hơn ai hết, các đơn vị kinh doanh này phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của khách hàng; nếu phát hiện sai phạm cần kiên quyết từ chối phục vụ và thông báo cho cơ quan hữu quan.
Với nhiều giải pháp của ngành đường sắt và các lực lượng trên địa bàn tỉnh, tình hình buôn lậu trên tuyến đường sắt qua địa bàn đã giảm rất sâu so với vài năm trước đây. Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống vẫn rất cần được duy trì, bởi với đặc thù có thể vận chuyển với khối lượng lớn, giá thành rẻ… đường sắt vẫn là phương tiện mà các đối tượng vận chuyển hàng lậu nhắm tới.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()