Thứ 2, 25/11/2024 08:57 [(GMT +7)]
Vai trò của tổ chức đội trong phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"
Thứ 5, 12/05/2011 | 15:36:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Sau gần 3 năm đi vào thực tiễn các nhà trường, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có sức hút mạnh đối với học sinh nói chung và các em trong độ tuổi thiếu niên nhi đồng nói riêng. Vì vậy, phong trào được triển khai không phải là hình thức, mà nó đã tạo được sự chuyển biến quan trọng về chất trong mỗi nhà trường.
Các nội dung lớn của phong trào có 2 đối tượng thực hiện: nhà trường, giáo viên và học sinh. Nếu nói giáo viên là người khơi gợi, dẫn dắt, thì học sinh chính là chủ thể trong các hoạt động. Trong nội dung “Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp…”thì vai trò của học sinh là tham gia vệ sinh cảnh quan nhà trường, bảo vệ môi trường sư phạm; trong nội dung “dạy học hiệu quả”, thì học sinh được động viên đề xuất sáng kiến, khuyến khích suy nghĩ sáng tạo. Học sinh được rèn luyện kỹ năng sống, được tham gia các hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh; ngoài ra, học sinh còn được tham gia các hoạt động ngoài nhà trường như tìm hiểu lịch sử địa phương, chăm sóc, bảo vệ các công trình lịch sử văn hóa; tham gia các hoạt động nhân đạo, uống nước nhớ nguồn.
Đội viên Trường Tiểu học xã Quảng Lạc (TP Lạng Sơn) chăm sóc vườn hoa cây cảnh của nhà trường |
Là một tổ chức tập hợp thiếu niên nhi đồng ở các trường từ bậc tiểu học đến THCS để giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho các em, các Liên chi đội và Sao nhi đồng trong trường phổ thông là chủ thể trong hoạt động hưởng ứng và duy trì phong trào. Đối với một tỉnh có đại đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, các hoạt động đội và sao nhi đồng lại càng quan trọng. Có thể lấy Trường Tiểu học xã Quảng Lạc làm ví dụ. Những năm trước đây, cụm từ “đi học” đối với học sinh tiểu học Quảng Lạc cũng chỉ đơn thuần là đến trường để được thầy cô dạy biết viết, biết đọc, biết làm toán. Nay đã khác, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã có tác động mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục toàn diện. Song song với tiếp nhận CSVC trường lớp học khang trang, là một quá trình vun đắp củng cố khuôn viên, vườn hoa cây cảnh. Nếu trước đây học sinh không hề biết đến các loại hoa, lại càng không biết chăm sóc bồn hoa cây cảnh, thì bây giờ các hoạt động chăm sóc khuôn viên nhà trường đã trở thành công việc hàng ngày của các em. Các hoạt động tập thể như cùng nhau chăm sóc vườn hoa cây cảnh, cùng nhau luyện tập văn nghệ, viết bài về cuộc sống quanh ta, viết về gương thầy cô giáo của nhà trường…đã giúp các em mạnh dạn hơn; từ đó các thầy cô giáo có thể cung cấp cho các em những kỹ năng sống , kỹ năng tự bảo vệ phù hợp với lứa tuổi.
Đối với ngành GD Việt Nam, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được cho là mới, song trên thực tế, nó đã được UNICEF khởi xướng từ năm 2004; do sự phù hợp với thiếu niên nhi đồng, nên nhanh chóng được áp dụng tại nhiều nước có nền GD tiên tiến. Tại Lạng Sơn, khi phong trào này bắt đầu được triển khai cũng khiến nhiều người phân vân vì đặc điểm của GD Lạng Sơn có nhiều khác biệt: CSVC còn nhiều thiếu thốn, học sinh dân tộc thiểu số còn e dè nhút nhát, nhiều khi đến tự ti, mặc cảm. Khi triển khai phong trào này, vai trò của Đội thiếu niên và sao nhi đồng luôn được đánh giá cao; vì chính tổ chức này sẽ đứng ra duy trì các hoạt động. Đến nay, tất cả 100% số trường và cơ sở GD trên địa bàn triển khai có hiệu quả với 449 Liên đội với hàng ngàn chi đội hoạt động. Do mục tiêu của phong trào và mục đích hoạt động của Đội và Sao nhi đồng “ gặp nhau” ở một điểm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thì sự tham gia của các liên đội, chi đội càng có ý nghĩa.
Đối với các hoạt động ngoài nhà trường, phong trào “ngàn việc tốt” được khơi dậy, các Liên chi đội tổ chức tham quan học tập về lịch sử địa phương; bảo vệ, dọn vệ sinh các công trình lịch sử văn hóa như nhà bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, các khuôn viên, vườn hoa công cộng. Các hoạt động này không chỉ dừng lại ở hiệu quả trong bảo vệ di sản, mà còn có tác dụng thiết thực trong giáo dục thiếu niên nhi đồng.
Tổ chức đội và sao nhi đồng là nòng cốt trong phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và chính các em là đối tượng được hưởng những thành quả của phong trào ấy. Tuy vậy ở một số trường vẫn còn có sự “ tách bạch” giữa công tác đội với nội dung phong trào. Vì vậy không tránh khỏi sự nghèo nàn về nội dung, đơn điệu về hình thức. Rất mong có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành GD và Hội đồng đội các cấp để phong trào vừa được duy trì một cách bền vững, mà chất lượng hoạt động đội trong nhà trường cũng được nâng lên.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()