Vai trò của tổ chức đảng trong xây dựng nông thôn mới ở Bắc Ninh
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là mặt trận hàng đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, là cơ sở và lực lượng không thể thiếu để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và hội nhập quốc tế,...
Với vị trí chiến lược quan trọng đó, BanChấp hành T.Ư Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, cùng những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn tại nhiều địa phương, ngày 6-5, tại Bắc Ninh, Ban Biên tập Báo Nhân Dânphối hợp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của tổ chức đảng trong xây dựng nông thôn mới”. Chúng tôi xin lược ghi những ý kiến tham luận tại hội thảo.
Phát biểu Đề dẫn hội thảo, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Sau năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có nhiều khởi sắc, với những thành tựu khá toàn diện và to lớn. Tuy nhiên, xây dựng NTM là một chương trình lớn, yêu cầu phải có nguồn lực không nhỏ. Quá trình tổ chức thực hiện phải năng động, sáng tạo, trong khi năng lực lãnh đạo của nhiều tổ chức đảng chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác triển khai còn lúng túng. Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 26, bảo đảm đúng lộ trình xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia đã được Chính phủ ban hành, cần có sự nhận thức toàn diện, sâu sắc hơn, sự vào cuộc quyết liệt hơn, với những cách làm sáng tạo của các tổ chức đảng. Đồng chí đề nghị hội thảo cần tập trung thảo luận nêu rõ vai trò của tổ chức đảng và làm thế nào phát huy vai trò tổ chức đảng trong xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; vai trò của tổ chức đảng, của chi bộ trong huy động sức dân xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; vận động nhân dân thực hiện chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, trong giải quyết các điểm nóng nảy sinh bởi những bất cập từ quản lý, sử dụng đất; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Từ thực tiễn của các cơ sở tỉnh Bắc Ninh để nhìn ra việc xây dựng NTM cả nước, phát huy những thuận lợi, khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng NTM.
Hiện đại hóa nông thôn, câu chuyện mới mẻ của chi bộ Trong điều kiện năng lực cán bộ cấp xã, thôn còn hạn chế nhưng phải gánh trách nhiệm lớn, nên ban đầu nhiều chi bộ lúng túng khi triển khai thực hiện. Đồng chí Vương Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, một vùng quê có truyền thống canh tác, bộc bạch: “Trong hai năm đầu xây dựng NTM (2011-2012), chưa khai thác được tiềm năng nội lực cũng như sự chung sức của nhân dân. Tiến độ xây dựng các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước quá chậm, gây hoài nghi, thiếu tintưởng trong nhân dân. Một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào vốn đầu tư của Nhà nước”. Phải đến năm thứ ba thì chi bộ thôn Nghĩa Xá mới tìm được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân sau khi kiên trì tuyên truyền, thuyết phục. Đến nay, thôn Nghĩa Xá đã huy động được 580 triệu đồng từ nhân dân đóng góp, chủ yếu sử dụng làm đường bê-tông. Sau ba năm, thôn rút ra kinh nghiệm, xây dựng NTM phải thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân đóng góp, dân kiểm tra, dân được hưởng lợi”.
Tỉnh Bắc Ninh đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tại nhiều xã, có những thôn bị thu hồi toàn bộ đất trồng lúa. Vấn đề đó đặt ra yêu cầu với các chi bộ phải lãnh đạo góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. “Sau hai đợt thu hồi đất, đến tháng 10-2013, thôn Đại Thượng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du cơ bản không còn đất nông nghiệp”. Bí thư Chi bộ thôn Đại Thượng Khương Văn Hồngnêu thực tế: “Cấp ủy chi bộ thôn xác định, dạy nghề là khâu đột phá và đã tổ chức được sáu lớp học nghề cho 180 người dân, trong đó có ba lớp trồng rau an toàn, hai lớp kỹ thuật chế biến thức ăn, một lớp chăm sóc cây cảnh. Ngoài một số con em của địa phương được nhận vào làm việc trong các nhà máy, chi bộ khuyến khích số lao động còn lại tham gia mở dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp như làm cây cảnh, chế biến thực phẩm, xây nhà trọ cho thuê, làm tạp vụ… Đồng chí Khương Văn Hồng kiến nghị tỉnh cần có chính sách, biện pháp tổ chức dạy nghề phù hợp với ngành nghề của các nhà máy đang đóng tại địa phương để khi học xong, lao động có việc làm tại chỗ.
Thôn Bình An, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong vốn có diện tích canh tác bình quân đầu người thấp so với các thôn trong xã.
Năm 2008, thôn lần lượt chuyển đổi tới 40% diện tích đất nông nghiệp để xây dựng Cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ. Bí thư Chi bộ thôn Đỗ Văn Tuyến cùng đảng viên trong chi bộ bàn cách mở hướng phát triển nghề mới trên địa bàn như sơ chế tóc, sản xuất đồ gỗ cao cấp, xây nhà trọ. Nhờ đó, thôn tạo thêm gần một nghìn việc làm, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người lên 31 triệu đồng năm 2013, gấp hai lần so với năm 2011. Thôn không còn hộ nghèo.
Huy động sức dân, đảng viên phải “miệng nói, tay làm” Xã Tân Chi, huyện Tiên Du là xã điểm thực hiện chương trình NTM. Qua ba năm thực hiện, tổng kinh phí đầu tư đạt gần 66 tỷ đồng, xã đã đạt 15/19 tiêu chí, tăng thêm ba tiêu chí so với trước khi thực hiện NTM. Đồng chí Hoàng Xuân An, Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, để huy động nội lực trong dân cần xây dựng chương trình một cách bài bản, lộ trình rõ ràng, công khai minh bạch các khoản chi tiêu. Kinh nghiệm lãnh đạo của các chi bộ cho thấy, để huy động sức dân thì đảng viên phải sát dân, tai nghe, miệng nói, tay làm.
Thực tế tại Bắc Ninh cho thấy, sự vào cuộc hiệu quả của các doanh nghiệp với phong trào xây dựng NTM là hết sức quan trọng. Một trong những doanh nghiệp gắn bó, liên kết với nông dân Bắc Ninh có hiệu quả là Tập đoàn ĐABACO Việt Nam, chuyên về các lĩnh vực chăn nuôi, cây trồng, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản. Đồng chí Nguyễn Như So, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty nêu kinh nghiệm, Đảng bộ phối hợp với lãnh đạo các công ty, xí nghiệp để lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ, các đơn vị trong doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ này vừa đem lại lợi nhuận cho công ty, vừa góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều gia đình nông dân. Những năm qua, từ hiệu quả “kép”, quy mô sản xuất, kinh doanh của tập đoàn ngày càng mở rộng, tạo việc làm cho hơn 4.500 người, đồng thời tiêu thụ lượng nông sản rất lớn cho nông dân trên địa bàn.
Giải phóng mặt bằng, việc khó, cần giải pháp hay Giải phóng mặt bằng (GPMB) là công việc khó khăn nhất khi xây dựng NTM, là thách thức lớn đối với các tổ chức đảng.
Chỉ vì việc đền bù đất đai để xây dựng nhà máy xử lý nước thải mà Chi bộ Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn đã phải khai trừ hai đảng viên. Chi bộ mất đoàn kết nghiêm trọng, 38 đảng viên mỗi người một ý. Đại hội chi bộ không bầu đủ số lượng cấp ủy, không bầu được bí thư chi bộ. Một số quần chúng nhân dân tổ chức khiếu kiện vượt cấp khiến cho tình hình căng thẳng, mất ổn định. Trước tình thế đó, Đảng ủy phường điều động đồng chí Phó bí thư Thường trực Đảng ủy về làm bí thư chi bộ, sau đó điều động tiếp đồng chí cán bộ văn phòng ủy ban về làm phó bí thư chi bộ, trưởng khu phố Trịnh Nguyễn.
Những tháng sau đó, Thị ủy thị xã Từ Sơn đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ sinh hoạt theo Quy định 76 về xã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện dự án. Đến tháng 10-2013, các hộ có ruộng đã tình nguyện nhận tiền đền bù GPMB, bàn giao đất cho dự án. Từ vụ việc ở phường Châu Khê, đồng chí Dương Quang Sắc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường, Bí thư Chi bộ khu phố Trịnh Nguyễn, nêu bài học sâu sắc trong lĩnh vực công tác này: “Cấp ủy chi bộ cần nghiên cứu sâu các chương trình, dự án và triển khai đến cán bộ, đảng viên, các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân thật đầy đủ”. Các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, nhất là trong toàn bộ quy hoạch khu vực dự án; quy trình công nghệ của nhà máy; giải thích rõ cho nhân dân lợi ích của dự án; các dự án phải bảo đảm đúng lộ trình thực hiện, không kéo dài.
Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, giải quyết kiến nghị của chi bộ, đảng viên và nhân dân kịp thời, thỏa đáng.
Cũng trong việc GPMB, đồng chí Trần Ngọc Linh, Bí thư Chi bộ thôn Tiến Bào, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn nêu kinh nghiệm của địa phương là đảng viên đi trước, làm trước. Chẳng hạn như việc đền bù ruộng Dự án làm đường vào khu lưu niệm đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, sau khi chi bộ ra nghị quyết, thì chỉ trong ba ngày, toàn bộ số hộ dân có ruộng đã nhận đền bù, tự nguyện di dời, giao đất.
Khi có đề nghị, Thường trực Thị ủy Từ Sơn đã về dự sinh hoạt với các chi bộ nông thôn để lắng nghe các ý kiến phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời xử lý những tình huống mới phát sinh.
Rút kinh nghiệm từ việc phát huy trách nhiệm của đảng viên và tổ chức đảng trong các công việc khó như GPMB, xử lý những nơi mất đoàn kết…, đồng chí Đỗ Văn Huynh, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Bắc Ninh nêu thực tiễn địa phương: “Trong hai năm trở lại đây, thanh tra nhân dân ở cơ sở đã kiến nghị với chính quyền giải quyết hơn 300 đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, giảm bớt và hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, đông người, tham gia hòa giải những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng” ở cơ sở. Trong hai năm 2012 – 2013 đã luân chuyển 26 cán bộ, qua đó củng cố những địa bàn “nóng” và yếu, những nơi nội bộ mất đoàn kết, trình độ năng lực cán bộ hạn chế như đảng bộ phường Võ Cường, phường Suối Hoa, xã Khúc Xuyên, Ban quản lý chợ Nhớn, Bắc Ninh…”.
Diện mạo mới cho đời sống văn hóa khu dân cư Quá trình xây dựng NTM đòi hỏi việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư ở một cấp độ cao hơn, trong đó vai trò của tập thể chi ủy, chi bộ thôn là quyết định.
Đồng chí Nguyễn Đình Hưởng, Bí thư Chi bộ thôn Du Tràng, xã Giang Sơn, huyện Gia Bình nêu cách làm của địa phương: “Chi bộ thôn tập trung vào các hoạt động xóa nhà dột nát, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 16 hộ/497 hộ. Hơn 90% số hộ dân được sử dụng nước máy, thành lập tổ thu gom rác thải và chất thải. Thôn đổi mới việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ và kỷ niệm các ngày lễ theo hướng tiết kiệm, đơn giản hóa thủ tục. Tám câu lạc bộ văn hóa, thể thao, phòng, chống tệ nạn xã hội với hơn 450 hội viên của thôn hoạt động rất tích cực, góp phần giữ vững an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội. Do đó, nhiều năm nay không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn”. Tư tưởng thông suốt, tình làng nghĩa xóm đậm đà, làm cho người dân thêm yên tâm, ủng hộ chủ trương NTM.
Để kinh tế – xã hội nông thôn phát triển, điểm mấu chốt là phải có sự lãnh đạo hiệu quả, nhất quán, quyết liệt, triệt để của các cấp ủy đảng. Đó là nhận định của đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để chương trình xây dựng NTM thành công, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và nhất là vai trò của các tổ chức chính trị, trong đó vai trò quan trọng, quyết định là tổ chức đảng, bởi tổ chức đảng chính là hình tượng, là sức mạnh, là hạt nhân của Đảng ở nông thôn.
Cơ hội củng cố hệ thống chính trị Thực tế xây dựng NTM ở Bắc Ninh cho thấy, mỗi địa phương có những cái khó riêng phải vượt qua. Nhiều cơ sở đảng xác định, đây chính là cơ hội để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, vì để đạt được 19 tiêu chí thì cán bộ xã, thôn phải khẳng định được năng lực, phẩm chất của người cán bộ lãnh đạo, người tổ chức, gương mẫu đi đầu trong mọi mặt công tác. Đồng chí Nguyễn Văn Vở, Bí thư Chi bộ thôn Tuyên Bá, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài thừa nhận cái khó trong phát triển đảng: “Thôn có gần 300 lao động ở nước ngoài, chi đoàn thôn chỉ có hơn 20 đoàn viên thanh niên. Mặc dù chi bộ, các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân gương mẫu, tích cực vào Đảng, nhưng khi cán bộ thâm nhập làm công tác tư tưởng thì họ đều khước từ. Chính vì thế mà trong suốt 5 năm liền, chi bộ chưa kết nạp được đảng viên nào”.
Nêu giải pháp trước thực tế đặt ra, đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy trình bày nhiều giải pháp về công tác cán bộ, phát triển đảng viên gắn liền củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xem đây là nhân tố quyết định việc thành công trong xây dựng NTM. Để nâng cao chất lượng đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy. Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; quy định về việc các đồng chí tỉnh ủy viên đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ; khảo sát và có hướng dẫn để đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ có đông đảng viên.
Nhìn chung, các tham luận tham gia hội thảo cho thấy việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X), Chương trình xây dựng NTM ở Bắc Ninh vẫn còn những yếu tố chưa bền vững, đang bộc lộ những bất cập. Hội thảo khẳng định, nhân tố quyết định thắng lợi xây dựng NTM là vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng. Hội thảo đã khái quát, tổng kết nhiều bài học kinh nghiệm, đề xuất những kiến nghị, giải pháp để giải quyết những yêu cầu, thách thức trong quá trình xây dựng NTM. Các ý kiến tham luận chỉ rõ, để xây dựng NTM cần có những chủ trương, chính sách đồng bộ, kịp thời của nhiều cấp, nhiều ngành. Cần tạo động lực cho xây dựng NTM, cho nông dân bằng cơ chế, chính sách sát thực tế.
Cần phát huy tốt hơn nữa hiệu lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, chi bộ nông thôn với các giải pháp phù hợp. Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM.
Đây cũng là khâu trọng yếu để nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng khu vực nông thôn.
Nhiều kinh nghiệm, giải pháp tốt Kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để phát huy có hiệu quả vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong xây dựng NTM, các tổ chức đảng phải khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm. Đó là nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ; tình trạng quan liêu, xa dân, nói nhiều, làm ít, nói không đi đôi với làm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nông thôn; tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của cấp trên;… Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng cần thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy trí tuệ của đảng viên và nhân dân, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu xây dựng NTM. Tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh huy động mọi nguồn lực cho chương trình NTM, bảo đảm nguyên tắc vững chắc, toàn diện. Từ những kinh nghiệm quý, giải pháp hay được nêu lên trong hội thảo, các tổ chức cơ sở đảng có thể học tập, nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả. Để triển khai có hiệu quả Chương trình NTM, các cấp ủy Đảng trong tỉnh phải đoàn kết, sáng tạo hơn nữa, phát huy vai trò trung tâm của tổ chức đảng, đảng viên, phát huy nội lực, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Với mỗi tổ chức đảng, Chương trình NTM thật sự là một thử thách đối với năng lực lãnh đạo, sự gương mẫu của đảng viên, là sự kiểm nghiệm mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()