Vai trò của tổ chức Đảng trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Kết quả này cho thấy chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế được Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua là rất sáng suốt, kịp thời và đúng đắn. Tái cơ cấu nền kinh tế nước ta có ba nội dung trọng tâm là: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, với mục tiêu là để các DNNN có cơ cấu hợp lý và hoạt động hiệu quả hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư có 35 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 33 đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước. Đây là những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, giữ vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, với tổng tài sản hiện đang quản lý là hơn 5.744 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 1.178 nghìn tỷ đồng (chiếm hơn 90% vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp), hằng năm đóng góp hơn một phần ba nguồn thu ngân sách quốc gia. Với quy mô như vậy, có thể thấy kết quả tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương có ảnh hưởng quyết định đến thành công của chủ trương tái cơ cấu DNNN nói riêng, cũng như tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.
Nhận thức tầm quan trọng của nhiệm vụ tái cơ cấu các doanh nghiệp trong Khối, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã tích cực phối hợp cùng ban cán sự đảng các bộ quản lý ngành quyết liệt chỉ đạo công tác triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN. Đảng ủy Khối đã ban hành sáu nghị quyết, hai chỉ thị, năm kết luận để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và tái cơ cấu các doanh nghiệp trong Khối; xác định nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu là một trọng tâm trong kế hoạch công tác hằng năm; tổ chức các hội nghị chuyên đề để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong năm 2013 và 2014, Đảng ủy Khối đã trình Thường trực Ban Bí thư, Ban Cán sự đảng Chính phủ bốn báo cáo tổng hợp và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong tái cơ cấu DNNN.
Các đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối đã tập trung lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối quyết liệt triển khai đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012 – 2015 sau khi được Thủ tướng và các bộ, ngành phê duyệt, trọng tâm là thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 6-2015, đã thực hiện cổ phần hóa được năm công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty và ba ngân hàng thương mại nhà nước. Với các công ty thành viên, đã cổ phần hóa được 95 trong số 186 doanh nghiệp cần cổ phần hóa theo đề án đã phê duyệt; hiện đã thoái xong 100% vốn tại 351 trong số 805 doanh nghiệp cần thoái vốn theo đề án, thu về hơn 10 nghìn tỷ đồng; đã giải thể 39 trong số 58 doanh nghiệp và sáp nhập 30 trong số 66 đơn vị theo đề án. Việc tái cơ cấu đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của tất cả các doanh nghiệp trong Khối, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt hơn 9%, tăng tới 50% so với trước đây. Các kết quả ban đầu nêu trên khẳng định hiệu quả thiết thực mà quá trình tái cơ cấu đem lại cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và cho người lao động.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác tái cơ cấu DNNN những năm qua cho thấy đây là một quá trình rất nhiều khó khăn, thách thức và các chỉ tiêu về cổ phần hóa, thoái vốn thường không đạt yêu cầu về tiến độ, việc đổi mới quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu tài chính,… chuyển biến chậm, chưa đạt các yêu cầu đặt ra trong các đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Nguyên nhân của các hạn chế này ngoài những khó khăn, trở ngại bên ngoài doanh nghiệp như cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, tình hình thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi,… thì còn có những nguyên nhân chủ quan nội tại trong các doanh nghiệp, mà trước hết là ở nhận thức, quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp. Quá trình tái cơ cấu đòi hỏi sự thay đổi lớn trong quản lý, điều hành cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền hạn, lợi ích của cán bộ và người lao động. Nếu không nhận thức đúng, trong đội ngũ lãnh đạo và tập thể người lao động có thể xuất hiện tư tưởng né tránh thay đổi, làm trì hoãn quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, hoặc thực hiện một cách hình thức, đối phó.
Thực tế triển khai tại các doanh nghiệp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư cho thấy, những đơn vị đạt kết quả tốt nhất trong triển khai đề án tái cơ cấu là những nơi cấp ủy, tổ chức Đảng đã làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Từ thực tiễn tại các tập đoàn, tổng công ty trong Khối có thể rút ra một số kinh nghiệm về vai trò của tổ chức đảng trong tái cơ cấu DNNN như sau:
Thứ nhất: Phải làm tốt công tác tư tưởng, quán triệt đầy đủ các chủ trương nghị quyết của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đảng viên người lao động, tạo sự thống nhất về nhận thức, xây dựng quyết tâm chính trị, sự đồng thuận và hành động quyết liệt để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong công tác tái cơ cấu; quan tâm đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Phát huy dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu; công khai phương án, lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp để cán bộ, đảng viên, người lao động biết, tham gia thực hiện và giám sát.
Thứ hai: Trong DNNN, tổ chức Đảng có vai trò lãnh đạo toàn diện, nên người đứng đầu và cấp ủy đảng có trách nhiệm và vai trò quyết định đến thành công của công tác tái cơ cấu; cần đặt nhiệm vụ triển khai đề án tái cơ cấu là một trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trong ban thường vụ và trong cấp ủy đảng.
Thứ ba: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; bảo đảm chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ngăn ngừa, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Cần đặc biệt nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và đứng đầu doanh nghiệp trong triển khai đề án tái cơ cấu.
Thứ tư: Kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh để chỉ đạo tháo gỡ, hoặc tổng hợp kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng xác định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới là “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”, trong đó có nhiệm vụ “cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”. Đây là một chủ trương rất quan trọng, vì tái cơ cấu DNNN là một quá trình dài và liên tục, không có điểm dừng, đặc biệt là trong giai đoạn tới khi nước ta tham gia Hiệp định TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN, tái cơ cấu DNNN sẽ thật sự là một yêu cầu cấp bách. Từ thực tiễn vai trò quan trọng của tổ chức Đảng trong tái cơ cấu DNNN tại Khối Doanh nghiệp T.Ư, để bảo đảm thành công trong triển khai phương hướng, nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN như Dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu, đề xuất Dự thảo Báo cáo nên xem xét bổ sung thêm nhiệm vụ về xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng trong DNNN cũng như những doanh nghiệp có cổ phần nhà nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng phát sinh từ thực tiễn sinh động của quá trình phát triển của DNNN, đặc biệt là gắn với những thay đổi và yêu cầu mới trong thực hiện tái cơ cấu DNNN.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()