Vai trò của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đối với trận Xuân Lộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2012), Báo Nhân Dân nhận được bài viết: "Vai trò của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đối với trận Xuân Lộc trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975" của Đại tướng LÊ ĐỨC ANH, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền (B2), nguyên Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.Sau khi giải phóng tỉnh Phước Long, Bộ Tư lệnh Miền làm kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Sơ đồ đã phác ra năm hướng và tổ chức năm cánh quân đánh địch tiến công vào sào huyệt cuối cùng của quân thù. Cả Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền gần như thống nhất là sẽ giải phóng Sài Gòn vào tháng 4 vì sang tháng 5 đã vào đầu mùa mưa ở Nam Bộ, việc cơ động của ta nhất là tăng, pháo và cơ giới sẽ khó khăn, mà khó khăn nhất là hướng tây...
Nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2012), Báo Nhân Dân nhận được bài viết: “Vai trò của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đối với trận Xuân Lộc trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975” của Đại tướng LÊ ĐỨC ANH, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền (B2), nguyên Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Sau khi giải phóng tỉnh Phước Long, Bộ Tư lệnh Miền làm kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Sơ đồ đã phác ra năm hướng và tổ chức năm cánh quân đánh địch tiến công vào sào huyệt cuối cùng của quân thù. Cả Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền gần như thống nhất là sẽ giải phóng Sài Gòn vào tháng 4 vì sang tháng 5 đã vào đầu mùa mưa ở Nam Bộ, việc cơ động của ta nhất là tăng, pháo và cơ giới sẽ khó khăn, mà khó khăn nhất là hướng tây – tây nam Sài Gòn, vùng Long An đồng nước, kênh rạch và sình lầy.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, sau khi hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta đã mở đầu. Ngày 4-3-1975, ta hoạt động cắt đường số 19 đánh một số mục tiêu ở Plây Cu để nghi binh tạo thế chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 10-3, ta đánh Buôn Ma Thuột mở đầu chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 24-3, ta giải phóng Tây Nguyên.
Phối hợp với hướng tiến công chiến lược của ta ở hướng chủ yếu Tây Nguyên, quân và dân Khu Trị Thiên và Khu 5 đã đồng loạt tiến công giải phóng Quảng Ngãi, Tam Kỳ, giải phóng thành phố Huế và giải phóng toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sau đó, bằng một đòn tiến công và nổi dậy của quân và dân Khu 5 đã nhanh chóng đập tan toàn bộ Quân đoàn 1, Quân khu 1 địch ở Đà Nẵng. Đến chiều ngày 29-3, ta giải phóng Đà Nẵng.
Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp quyết định chuyển từ kế hoạch tiến công chiến lược sang kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền nam.
Ngày 1-4-1975, Trung ương Cục nhận được điện của anh Lê Duẩn, chỉ thị: “… cách mạng nước ta đang phát triển sôi nổi nhất, với nhịp độ một ngày bằng 20 năm. Do vậy, Bộ Chính trị quyết định nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể chậm…”.
Ngày 8-4-1975, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền họp xác định: toàn bộ kế hoạch chiến lược tiếp theo là “phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, phải tiến công ngay lúc địch hoang mang suy sụp. Tập trung lực lượng lớn vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc. Phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược, kết hợp tiến công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, không cho địch co cụm về Sài Gòn; tổ chức các mũi thọc sâu có sức đột kích mạnh, đánh nhanh vào các mục tiêu chủ yếu, kết hợp giữa tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng. Như kế hoạch đã định, gấp rút tăng cường lực lượng ở hướng tây Sài Gòn, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4 và áp sát Sài Gòn; chuẩn bị chiếm các cầu, tổ chức hỏa lực đánh kiềm chế các sân bay. Đồng thời, tập trung lực lượng ở hướng đông và đông nam đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây cô lập hoàn toàn Sài Gòn phía Long Khánh, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngày 9-4-1975, quân ta tiến công thị xã Xuân Lộc, đây là vị trí trọng yếu trên tuyến phòng thủ phía đông Sài Gòn và vùng 3 chiến thuật của quân ngụy. Lúc này, Trung ương Cục và Quân ủy Miền chủ trương đánh địch bên ngoài Xuân Lộc là chủ yếu, chỉ để một sư đoàn có binh khí kỹ thuật bao vây thị xã, thực hiện đánh bên ngoài tốt, có điều kiện thì dứt điểm Xuân Lộc, hoặc chuyển sang cắt đường số 15 (đoạn Long Bình – Bà Rịa) áp sát khống chế sông Lòng Tàu và sân bay Biên Hòa, tạo điều kiện rút địch ra hướng này và giữ địch ở đây đến khi chiến dịch giải phóng Sài Gòn bắt đầu. Tuy nhiên, chủ trương này đã không được nghiên cứu để thực hành, đồng thời ta chưa lường hết sự phòng thủ của quân ngụy ở đây và cách đánh của ta không thật phù hợp, nên cuộc chiến đấu diễn ra gay go quyết liệt. Từ ngày 11-4-1975 trở đi tình hình căng thẳng. Địch đã dồn lực lượng lớn tương đương hai sư đoàn bộ binh để phòng giữ. (Phòng thủ Xuân Lộc gồm Sư đoàn 18, một tiểu đoàn biệt động quân, Trung đoàn 5 thiết giáp, tám tiểu đoàn bảo an, 20 đại đội địa phương, 42 khẩu pháo, trong đó có hai khẩu pháo 175 mm có tầm bắn hơn 20 km).
Địch điều về đây 50% số quân chủ lực, 60% pháo, gần hết xe tăng và thiết giáp của quân đoàn 3, gần một sư đoàn lực lượng tổng trù bị của ngụy để giữ Xuân Lộc. Chúng sử dụng không quân với mật độ cao, cả vũ khí hủy diệt hàng loạt như bom Daisy Clutter và CBU.
Việc tăng cường lực lượng phản kích hòng đẩy ta ra khỏi Xuân Lộc cho thấy chúng quyết tử thủ để giữ Sài Gòn, nhưng thực ra Sài Gòn đã được quyết định bởi năm cánh quân của ta đang tiến vào từ năm hướng trong kế hoạch đã được định sẵn.
Tại Sở chỉ huy Miền, Bộ Tư lệnh chăm chú theo dõi từng diễn biến của trận đánh. Các anh Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng và Lê Đức Thọ gợi ý có thể cho anh em rút khỏi thị xã và đánh diệt quân địch bên ngoài, tập trung diệt từng bộ phận. Bộ Tư lệnh Miền quyết định cử anh Trần Văn Trà đến Sở Chỉ huy Quân đoàn 4 cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn bàn việc thay đổi cách đánh mới: Trước tiên dùng một sư đoàn diệt Trung đoàn 52 ngụy, đánh chiếm khu vực ngã ba Dầu Giây và Núi Thị, đồng thời chặn và diệt quân địch từ Trảng Bom ra phản kích. Lực lượng mạnh của Quân đoàn kèm chặt và diệt từng bộ phận địch ở Xuân Lộc chủ yếu là hướng giữa Xuân Lộc và ngã ba Dầu Giây để hỗ trợ cho chốt Dầu Giây. Cho một lực lượng phục kích ở đường số 2 sẵn sàng khóa đường diệt địch rút chạy theo đường độc nhất về Bà Rịa. Bố trí hợp lý hỏa lực phòng không để đánh máy bay địch, đồng thời trận địa pháo Hiếu Liêm cùng với Đoàn 113 khống chế cho có hiệu quả sân bay Biên Hòa.
Thực hiện phương thức tác chiến mới này, chỉ sau bốn ngày chiến đấu (từ ngày 15-4 đến 18-4-1975), Sư đoàn 6, Quân khu 7 (phối hợp với Quân đoàn 4), Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) được sự chi viện của hỏa lực Quân đoàn đã tiến công giải phóng ngã ba Dầu Giây, cắt đứt đường số 1 từ Trảng Bom đi Xuân Lộc. Quân đoàn 3 ngụy ở Biên Hòa huy động Lữ đoàn 3 thiết giáp (gần 100 xe), chiến đoàn 8 (Sư đoàn 5) được hơn 100 khẩu pháo các loại ở căn cứ Nước Trong, Hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An phản kích đánh chiếm ngã ba Dầu Giây hòng nối thông đường số 1. Nhưng mọi nỗ lực của định đều bị đánh tan. Ngày 20-4, trước nguy cơ bị tiêu diệt, các lực lượng còn lại ở Xuân Lộc theo đường số 2 tháo chạy khỏi thị xã. Sáng ngày 21-4-1975, thị xã Long Khánh được giải phóng. Như vậy, Quân đoàn 4 và các lực lượng vũ trang miền Đông và được tăng cường Trung đoàn 95B đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chủ yếu của hướng này.
Chiến thắng Xuân Lộc tạo điều kiện rất thuận lợi cho quân và dân trên hướng đông tiến vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giành toàn thắng cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Kỷ niệm 37 năm chiến thắng Xuân Lộc và Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, chúng ta tự hào ôn lại truyền thống vẻ vang của quân và dân ta, đồng thời tưởng nhớ, tôn vinh công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cuộc hội thảo khoa học “Mặt trận hướng Đông từ chiến dịch Xuân Lộc đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” cần tìm hiểu, làm rõ hơn ý nghĩa lịch sử, bài học về lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu và kinh nghiệm vận động, phát huy sức sáng tạo của quần chúng góp phần cho chiến thắng. Đặc biệt rút ra được những bài học thực tiễn để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()