Thứ 6, 22/11/2024 06:20 [(GMT +7)]
Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất
Thứ 6, 03/02/2012 | 09:21:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Từ năm 1924 khi đến Quảng Châu -Trung Quốc, ngoài nhiệm vụ quốc tế, Nguyễn Ái Quốc còn thực hiện một nhiệm vụ trọng đại là xây dựng một đảng cộng sản ở Việt Nam để lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập, tự do. Việc xây dựng đảng cộng sản, về bản chất là giống các chính đảng cộng sản, điều đó không phải là việc đơn giản, vì không thể rập khuôn máy móc, mà đòi hỏi Người phải suy nghĩ, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam, một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Người cho rằng để xây dựng được một đảng cộng sản với cương lĩnh cách mạng đúng đắn ở Việt Nam, trước hết phải giải quyết tốt từ nhận thức tư tưởng, chính trị cho các lực lượng cách mạng, phải chuyển nhận thức của họ từ lập trường chủ nghĩa yêu nước truyền thống, từ chủ nghĩa quốc gia dân tộc sang lập trường cách mạng vô sản, lập trường giai cấp công nhân để họ hiểu rằng chỉ có giải phóng dân tộc triệt để mới thủ tiêu được bóc lột giai cấp.
Đoàn các báo Đảng miền núi phía Bắc thăm Nhà lưu niệm
Khu di tích lịch sử Pác Bó – Cao Bằng – Ảnh: Nguyễn Thịnh
Một đảng cộng sản chân chính, vững mạnh, đủ sức đại diện cho giai cấp và dân tộc nhất thiết phải được sản sinh từ trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Để có được phong trào đó, lại phải truyền bá được chủ nghĩa Mác-Lênin một cách sâu sắc và mạnh mẽ trong quần chúng, nhất là trong công nhân, nông dân, trí thức yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã chọn lực lượng nòng cốt là lớp thanh niên yêu nước có học vấn đưa đi huấn luyện chính trị, Người tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Những thanh niên này được học tập lý luận kết hợp với hoạt động thực tiễn dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Ái Quốc. Các học viên trở về nước đã đóng vai trò nòng cốt trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và những tư tưởng cách mạng của Người trong những bộ phận tiên tiến, những người Việt Nam yêu nước và thu được nhiều kết quả. Tổ chức hội ngày càng lan rộng, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống đế quốc ở trong nước dâng lên mạnh mẽ, có bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu của phong trào quần chúng đấu tranh giành độc lập, tự do.
Thời kỳ 1925 – 1929 là thời kỳ chuyển biến của phong trào cách mạng Việt Nam, cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều tổ chức và khuynh hướng chính trị khác nhau. Những người tiên tiến trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã sớm nhận thức ra nhu cầu bức thiết phải thành lập đảng cộng sản mới có thể đưa phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên. Sớm ý thức được trách nhiệm ấy, những người lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ đã giải quyết sáng tạo vấn đề tư tưởng và tổ chức, quyết định thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội vào tháng 3 – 1929. Ngày 28 – 3 – 1929, Đại hội Kỳ bộ Bắc Kỳ dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Cộng sản đầu tiên đã nhất trí chủ trương thành lập Đảng Cộng sản. Tháng 6- 1929, tại ngôi nhà số 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, Kỳ bộ Bắc Kỳ quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tình hình đó nói lên rằng, từ thực tế phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, từ hoạt động tuyên truyền, giác ngộ học thuyết Mác- Lênin của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đã thực sự có nhu cầu bức thiết, mạnh mẽ phải có đảng cộng sản lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Trước ảnh hưởng rộng lớn của Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng bộ và Kỳ bộ Nam Kỳ quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng vào tháng 8- 1929; cánh tả trong đảng Tân Việt cũng tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn vào tháng 1- 1930.
Núi Các Mác, Suối Lê Nin ở tỉnh Cao Bằng – Ảnh: Trúc Lam
Trong vòng 7 tháng, 3 tổ chức cộng sản nối tiếp nhau ra đời ở Việt Nam đều ra tuyên ngôn, chính cương và điều lệ, đều khẳng định đấu tranh cho mục tiêu giải phóng dân tộc Việt Nam tiến lên chủ nghĩa cộng sản và cũng đều nhận sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản. Các tổ chức cộng sản ra đời ở Việt Nam đã đẩy mạnh phong trào cách mạng Việt Nam lên bước phát triển mới. Tuy nhiên, tình hình không thống nhất về tổ chức sẽ dẫn đến không thống nhất về tư tưởng và hành động, nếu để kéo dài sẽ làm yếu phong trào cách mạng. Thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành một đảng cộng sản duy nhất vừa là nhu cầu, nguyện vọng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam, vừa là đòi hỏi của phong trào cộng sản quốc tế, nhiệm vụ đó lại được đặt lên vai Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Cuối năm 1929, Quốc tế Cộng sản đã ra chỉ thị về việc thành lập một đảng cách mạng của giai cấp vô sản, đây là văn kiện quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình vận động thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Được biết tình hình trên, Nguyễn Ái Quốc rời Thái Lan về Hồng Kông, với tư cách là đại diện Quốc tế Cộng sản, người triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng vấn đề đặt ra cho Người là làm thế nào giải quyết được những bất đồng giữa các tổ chức cộng sản để đi đến thống nhất, chuẩn bị cho kịp các văn kiện của hội nghị. Cuối tháng 1- 1930, các công việc chuẩn bị đã xong, từ ngày 3 đến ngày 7- 2- 1930, người chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam ở Cửu Long, Hồng Kông. Tham dự hội nghị, ngoài Nguyễn Ái Quốc- đại diện Quốc tế Cộng sản có Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu – đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu- đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vừa mới thành lập nên không kịp cử đại biểu dự. Thay mặt Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nêu lý do và chương trình của Hội nghị. Hội nghị đã thống nhất các tổ chức cộng sản và đặt tên là “Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò to lớn của Nguyễn Ái Quốc trên con đường cách mạng của mình, cuộc cách mạng lý luận về đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, đóng góp quan trọng vào cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()