Vai trò của người đứng đầu đơn vị tổ chức bếp ăn nhà trường
Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể, đặc biệt là các ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các cơ sở y tế… để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe trẻ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ tính trong tháng 10/2023, cả nước xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 261 người bị ngộ độc (6 người tử vong). Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 93 vụ với 1.617 người bị ngộ độc, 21 người tử vong. Trong số này, có không ít vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.
Mới đây nhất, ngày 15/11, hơn 80 học sinh ở trường Tiểu học Trần Văn Ơn, trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi và trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) phải nhập viện điều trị trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy. Đây là những dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi trẻ dùng bữa trưa tại trường học.
Sau khi xảy ra sự việc, UBND TP. Rạch Giá đã đình chỉ hoạt động của cơ sở Cát Tường – cơ sở cung cấp thức ăn cho 3 trường tiểu học trên.
Trước đó, cuối tháng 9/2023, nhiều học sinh trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) cũng bị ngộ độc thực phẩm sau liên hoan Tết Trung thu tại lớp. Thực phẩm sử dụng trong liên hoan có bánh bông lan trứng muối. Kết quả kiểm nghiệm mẫu ánh bông này bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng.
Cuối tháng 10/2023, tại trường mầm non xã Hoà Bình, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, nhiều trẻ sau khi ăn trưa và bữa phụ tại trường cũng có triệu chứng đau bụng, buồn nôn…Trong đó, có 3 trẻ phải nhập viện do nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Tương tự, tháng 3/2023, sự cố an toàn thực phẩm tại trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng khiến 72 học sinh nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm trong thịt gà có trong suất ăn trưa (cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo) sau khi học sinh đi dã ngoại.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến, đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau, như tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cũng đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn, Bộ Y tế đề nghị các nhà trường cần chọn lọc đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, nhà trường cần trực tiếp giám sát, tự kiểm tra thường xuyên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại đơn vị cung cấp.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Trong đó, tập trung rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người, chú trọng truy xuất nguồn gốc, chất lượng thực phẩm.
Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, đặc biệt là Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các cơ sở y tế… để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()