Vai trò của ngành công thương sau một năm vận động cho hàng Việt
Ngành công thương giữ vai trò quan trọng trong việc đề xuất chính sách quản lý công nghiệp và thương mại của đất nước. Năm 2009, Chính phủ giao Bộ Công thương nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường trong nước, từ đó, Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước ra đời.Khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới còn tiếp diễn, phức tạp, với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, lại phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của WTO, Bộ Công thương đã có nhiều đề xuất sáng tạo để đẩy mạnh việc xúc tiến cho thị trường trong nước, ban hành những khung khổ pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nhân Hội nghị Nhìn lại một năm thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', chúng tôi đã có dịp trao đổi ý kiến với Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa chung quanh vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi ý kiến.PV: Thưa...
Khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới còn tiếp diễn, phức tạp, với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, lại phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của WTO, Bộ Công thương đã có nhiều đề xuất sáng tạo để đẩy mạnh việc xúc tiến cho thị trường trong nước, ban hành những khung khổ pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nhân Hội nghị Nhìn lại một năm thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', chúng tôi đã có dịp trao đổi ý kiến với Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa chung quanh vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi ý kiến.
PV: Thưa Thứ trưởng, được biết trong năm vừa qua, Bộ Công thương có chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước (XTTM TTTN), xin Thứ trưởng cho biết kết quả của chương trình này?
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa:Đây là chương trình mà Bộ Công thương làm đầu mối triển khai thực hiện nhằm giúp cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, trong bối cảnh chúng ta hội nhập ngày càng sâu hơn vào thị trường thế giới. Nhiều chương trình đã được tiến hành trong cả năm như: Nghiên cứu thị trường các vùng, tỉnh cung cấp cho doanh nghiệp; tổ chức các hội thảo quán triệt chủ trương Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' tổ chức nhiều hoạt động truyền thông trên báo, đài; xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền cho hàng Việt Nam và tổ chức nhiều chương trình đưa hàng về nông thôn, phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp…
Trong năm 2010, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức được 80 đợt bán hàng về nông thôn, với 857 lượt doanh nghiệp tham gia và 1.124 gian hàng, thu hút hơn 4.793.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt 1.499 tỷ đồng. Các Sở Công thương còn tiếp nhận, theo dõi 36 đợt bán hàng với 303 lượt doanh nghiệp tham gia và 505 gian hàng. Riêng Trung tâm BSA đã tổ chức được 52 đợt đưa hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất về nông thôn với hơn 734 lượt doanh nghiệp tham gia, đào tạo kỹ năng bán lẻ cho hơn 3.000 tiểu thương và thu hút hơn 750.000 lượt người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm, doanh thu đạt hơn 39 tỷ đồng…
Tính đến tháng 10-2010, các đơn vị đầu mối thực hiện các chương trình XTTM TTTN đã tổ chức 24 đợt bán hàng cho công nhân tại các khu công nghiệp với 477 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 166.000 lượt người; tổ chức 17 đợt bán hàng về khu công nghiệp với 420 lượt doanh nghiệp tham gia thu hút hơn 300.000 lượt người tiêu dùng đến tham quan mua sắm.
Số lượng các chương trình khuyến mại cũng như số lượng các doanh nghiệp thực hiện khuyến mại tăng so với các năm trước đây. Các Sở Công thương đã tổ chức, tiếp nhận, theo dõi nhiều hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Thông qua đó, thay đổi dần thói quen tiêu dùng của người dân, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp đối với thị trường trong nước. Số lượng khách tham quan mua sắm trong các hoạt động này lên đến hơn 10 triệu lượt người.
Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông tuyên truyền cho Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' cũng được các cơ quan thông tin, truyền thông phản ánh một cách liên tục, kịp thời.
PV: Bên cạnh việc các hoạt động xúc tiến thông qua hội chợ, triển lãm, Chương trình XTTM TTTN có tổ chức điều tra thị trường không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa:Bên cạnh các kỳ hội chợ, triển lãm, các hoạt động điều tra, các nội dung khảo sát thị trường trong nước cũng là một trong những trọng tâm công việc được triển khai thực hiện rất tích cực trong thời gian qua. Kết quả của những hoạt động điều tra, khảo sát này đã được đăng công khai trên trang web của Bộ Công thương với điều tra chính thức ở 16 tỉnh, thành phố lựa chọn (Lai Châu, Lạng Sơn, Yên Bái, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Lâm Đồng, Đác Lắc).
PV: Chúng tôi thấy bộ có đưa ra các chính sách hỗ trợ các địa phương nhưng điều đáng nói là chính lãnh đạo các địa phương đã có chỉ đạo, đầu tư kinh phí thúc đẩy hoạt động xúc tiến thị trường ngay tại địa phương mình. Thứ trưởng có nhận xét gì về tình hình này?
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa:Bộ Công thương đã nghiên cứu, phối hợp các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm phát triển hạ tầng thương mại, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bộ Công thương đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ban hành Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 phê duyệt đề án 'Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020'. Bộ Công thương và Liên minh các hợp tác xã cũng đã ký 'Kế hoạch phối hợp hoạt động giai đoạn 2010-2011 nhằm phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong tiêu thụ nông sản, hàng công nghiệp và cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp'. Nhưng, điều đáng mừng là lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã chủ động cấp kinh phí, đầu tư bộ máy con người ủng hộ các chương trình xúc tiến chung cho thị trường trong nước như tổ chức các chuyến đưa hàng về nông thôn, tháng khuyến mại, phiên chợ cho công nhân… Sự sinh động, khởi sắc này có phần từ cái nền hưởng ứng Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'.
PV: Với vai trò là người quản lý, Bộ Công thương trong thời gian qua đã có những thay đổi gì trong cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước?
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa:Về cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, Bộ Công thương luôn xác định hướng căn bản và lâu dài là tập trung vào những biện pháp nhằm giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra được những sản phẩm có chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý hơn và sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Theo hướng đó, bên cạnh các biện pháp quản lý, điều hành một cách thường xuyên, Bộ Công thương tập trung vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, và các chương trình, đề án nâng cao năng lực trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong khâu sản xuất, nhằm từng bước nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, bộ cũng tập trung vào khâu xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án về phát triển thị trường trong nước, trong đó một trong những nội dung quan trọng là sắp xếp, tổ chức lại các kênh phân phối hàng hóa trong nước, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khâu lưu thông phân phối hàng hóa trên thị trường trong nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhất là đã có sự chú trọng tới bộ phận người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, địa bàn vùng sâu, vùng xa…
Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường cũng được bộ tập trung chỉ đạo và để chấn chỉnh, đổi mới. Trong mười tháng đầu năm 2010, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý 46.130 vụ vi phạm, trong đó 9.463 vụ buôn lậu, 10.301 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 2.896 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, và 23.510 vụ vi phạm khác; với tổng số thu hơn 159,1 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính hơn 65 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế gần 1,92 tỷ đồng.
Lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng hải quan, công an, biên phòng phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới, đặc biệt là buôn lậu xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản, lương thực. Trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Cục QLTT đã tổ chức tốt việc kiểm tra VSATTP, bình ổn giá cả thị trường… bảo đảm cho Đại lễ diễn ra được thành công, an toàn.
PV: Bộ Công thương đánh giá như thế nào về kết quả của cuộc vận động với doanh nghiệp sau một năm, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa:Có thể thấy sau một năm triển khai thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' đã thu được những kết quả bước đầu khả quan, tạo tiền đề vững chắc để triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới.
Về phía doanh nghiệp: Nhìn chung đã ý thức được ý nghĩa của chương trình 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' là một 'cơ hội vàng' để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước. Sản phẩm, hàng hóa hiện nay đã được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng, trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng không ngừng thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều hình thức phân phối mới phù hợp thị trường trong nước, triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại kích thích sức mua, từ đó từng bước thay đổi được hành vi của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt. Trong thực tế kinh doanh, chính doanh nghiệp cũng nhận ra được những kẽ hở trong quy định của chúng ta và đề xuất hướng tháo gỡ.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những kiến nghị của doanh nghiệp?
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa:Tại Hội nghị, nhìn lại một năm thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' được tổ chức tại trụ sở Báo Nhân Dân mới đây, các doanh nghiệp đã trình bày khá thẳng thắn và đầy đủ các kiến nghị của mình. Có thể kể các công ty như: Cao-su Đà Nẵng DRC, Nhựa Chí Thành, Giấy Sài Gòn, Dược Traphaco, may Nhà Bè… đã chỉ ra những khó khăn trong quá trình kinh doanh của riêng doanh nghiệp cũng như của cả ngành hàng mà chúng ta có thể giải quyết bằng cách điều chỉnh một số quy định, nhưng vẫn không vướng rào cản WTO. Một số kiến nghị cụ thể là kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu (mặt hàng nhựa), áp dụng điều kiện kinh doanh đối với một số mặt hàng (mũ bảo hiểm), hạn chế xuất khẩu nguyên liệu trong nước có nhu cầu (cao-su nguyên liệu), chống gian lận thương mại và bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Trước những vấn đề này, bộ cũng đã ghi nhận, trả lời ngay tại hội nghị những việc đã giải quyết, nêu các hướng đang giải quyết hay đang xem xét trình Chính phủ để điều chỉnh phù hợp.
PV: Với những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng có thể cho biết phương hướng triển khai hưởng ứng cuộc vận động trong thời gian tới?
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa:Để tiếp tục triển khai cuộc vận động đạt hiệu quả, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề, sự cố gắng của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Đối với ngành công thương, Ban chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công thương tập trung cho công tác tuyên truyền hưởng ứng Cuộc vận động, đặc biệt vào các dịp lễ lớn và Tết Nguyên đán Tân Mão.
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành công thương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước theo đúng chủ trương của cuộc vận động, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác, đầu tư.
Chúng tôi cũng mong các phương tiện thông tin, các Hiệp Hội doanh nghiệp và ngành hàng thường xuyên lắng nghe, thu thập nguyện vọng và đề nghị của doanh nghiệp, thông tin thường xuyên cho Bộ Công thương để chúng tôi có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trước cục diện cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Nhandan
Ý kiến ()