Vai trò của giao đất giao rừng trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp
Giao đất giao rừng (GĐGR) là một trong những chính sách trọng tâm của ngành lâm nghiệp, được thực hiện với mục đích nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế của người dân. GĐGR có tiềm năng quan trọng trong quá trình đổi mới các công ty lâm nghiệp hiện nay.
Đây là những điều được thảo luận, trao đổi sôi nổi tại Hội thảo “Vai trò của GĐGR trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp” diễn ra sáng 16/4, tại Hà Nội. Hội thảo do tổ chức Forest Trends; tổ chức Tropenbos International Việt Nam và Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI) phối hợp tổ chức.
Hội thảo là cơ hội tốt để các nhà quản lý, các chuyên gia cùng thảo luận, phân tích về thực trạng GĐGR hiện nay ở nước ta. (Ảnh: HNV) |
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý đã cung cấp thông tin về thực trạng và tác động của GĐGR đối với hiệu quả của bảo vệ rừng và sinh kế người dân địa phương đồng thời đông đảo đại biểu đã thảo luận về vai trò tiềm năng của GĐGR trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông – lâm nghiệp; Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, bao gồm sắp xếp đổi mới các công ty nông – lâm nghiệp cũng như thảo luận các kiến nghị liên quan đến chính sách, góp phần hiện thực hóa các tiềm năng của GĐGR.
Tại Hội thảo, GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết, GĐGR là một trong những chính sách trọng tâm của ngành lâm nghiệp được thực hiện từ thập kỷ 90, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc phân quyền quản lý tài nguyên rừng. Theo đó, rừng được giao cho các nhóm chủ trong và ngoài Nhà nước. Chính sách này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ, cải thiện sinh kế và góp phần ổn định cuộc sống của người dân.
Phân tích về cơ hội và thách thức của GĐGR trong bối cảnh tái cơ cấu ngành lâm nghiệp hiện nay, ông Trần Hữu Nghị, tổ chức Tropenbos International Việt Nam nêu rõ, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, ngành lâm nghiệp đang đứng trước những cơ hội thay đổi to lớn. Hội nhập có tiềm năng giúp cho ngành nâng cao vị thế trên trường quốc tế, thông qua sự mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm gỗ và phi gỗ, từ đó, thúc đẩy nghềrừng trong nước. Hội nhập cũng tạo cơ hội cho ngành tham gia sáng kiến mới như PES, bao gồm cả REDD , FLEGT từ đó có tiềm năng tạo ra những thách thức to lớn, đòi hỏi ngành lâm nghiệp cần phải có những thay đổi căn bản về cơ chế quản lý lâm nghiệp hiện nay nói riêng và quản trị rừng nói chung.
TS. Tô Xuân Phúc. (Ảnh: HNV) |
Chỉ ra vai trò quan trọng của GĐGR trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, TS Tô Xuân Phúc, tổ chức Forest Trends khẳng định: Chính sách GĐGR đã đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ bởi giúp các hộ chủ động đầu tư trồng rừng, tạo nguồn gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ đồng thời giúp tăng độ che phủ và chất lượng rừng. GĐGR có tiềm năng quan trọng, góp phần vào tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành theo mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, để biến tiềm năng này thành thực tế đòi hòi những đánh giá về chính sách, cách thức thực hiện và các điều kiện khách quan chủ quan ảnh hưởng tới kết quả của chính sách. Do đó, tổ chức Forest Trends và tổ chức Tropenbos International Việt Nam đã phối hợp nghiên cứu, thực hiện “Báo cáo GĐGR trong bối cảnh tái cơ cấu ngành lâm nghiệp: Cơ hội và thách thức”.
Trả lời cho câu hỏi “Ngành lâm nghiệp Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh mới?”, TS Tô Xuân Phúc kiến nghị: Thứ nhất, cần rà soát, đánh giá lại thực trạng sử dụng đất các công ty lâm nghiệp theo năng lực, đánh giá nhu cầu sử dụng đất của hộ dân, cộng đồng. Chuyển một phần đất của công ty lâm nghiệp sang hộ, đáp ứng nhu cầu đất sản xuất của dân, phần còn lại đấu thầu quyền sử dụng đất, tạo sự bình đẳng cho các bên tham gia. Thứ hai, kết nối giữa người dân với Ban quản lý rừng thông qua việc tạo ra quyền lợi bình đẳng cho người dân. Thứ ba, rà soát tổng thế đối với các công ty lâm nghiệp về hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()