Chủ nhật, 29/12/2024 00:38 [(GMT +7)]
Vai trò của gia đình trong công tác khuyến học
Thứ 2, 09/08/2010 | 10:20:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Với vai trò là “tế bào của xã hội” và “chiếc nôi” nuôi dưỡng thế hệ trẻ cả về thể chất và tâm hồn, gia đình có vai trò quyết định trong việc học tập thành đạt của con cái. Tuy vậy, vẫn biết tầm quan trọng của sự học với sự phát triển của con người, song nhiều gia đình lại áp dụng nhiều “chiêu thức” khác nhau để “động viên” con cái học hành.
Anh T ở phường Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn) làm nghề lái xe, sáng đi sớm tối về muộn, vợ buôn bán vắng nhà thường xuyên, anh có sáng kiến “khoán” con cho người hàng xóm “phụ trách” việc học hành của con mình với “mức thù lao” kha khá, nhiều khi người hàng xóm đảm nhận luôn cả việc… đi họp phụ huynh. Trong độ tuổi vị thành niên hiếu động khó bảo, người hàng xóm phải hy sinh cả “thù lao” để đưa tiền cho cháu đi chơi điện tử. Kết quả là cháu có biểu hiện “nghiện” điện tử. Sao nhãng học hành, thích đến quán nét hơn đến lớp. Lại có trường hợp, định ra “mức thưởng” bằng tiền khi con được điểm cao. Khi bị điểm kém, cháu đến “xin cô” cho điểm cao hơn và hứa… sẽ “chia cho cô”, bị cô giáo mắng cháu chán nản nghỉ học mấy hôm liền.
Học sinh Trường THCS Vân Mộng (Lộc Bình) dọn vệ sinh chuẩn bị vào năm học mới – Ảnh: M.V.H |
Trong kinh tế thị trường, các gia đình khu vực thành phố do bận rộn với việc kiếm tiền, thường “khoán” cho các thầy cô giáo cả năm học, thậm chí cả trong dịp hè. Tư tưởng “khoán trắng” này cũng tồn tại dai dẳng ở khu vực nông thôn; các ông bố, bà mẹ thường cho rằng chuyện học là chuyện của ngành GD, là “mối liên hệ” trực tiếp giữa thầy cô giáo và học sinh; gia đình chỉ cần cố gắng chu cấp đầy đủ là được. Khi đề cập đến vai trò của gia đình trong việc học tập của con cái, nhiều người tặc lưỡi, “lo ăn mặc đã đủ mệt”, hoặc mình không đủ trình độ để “dạy” con học, nhất là các cháu học từ bậc THCS trở lên. Thực ra, bố mẹ có trình độ cao tất nhiên là có nhiều thuận lợi trong việc phụ đạo và hướng dẫn con cái học hành. Nhưng cũng không nhất thiết phải đòi hỏi trình độ học vấn của bố mẹ phải hơn con cái, mà ở đây là sự quan tâm và phương pháp. Quan tâm từ những việc nhỏ như sắm sửa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu vật chất theo yêu cầu của nhà trường; tạo điều kiện về thời gian và bố trí không gian hợp lý cho con đi học thêm, học tại nhà; có hình thức động viên kịp thời để con phấn đấu. Trong những năm gần đây, khi phong trào khuyến học đã đi vào nền nếp và có chiều sâu. Sự hình thành và đi vào hoạt động của các chi hội khuyến học, dòng họ khuyến học, hội đồng hương khuyến học… đã từng bước tạo điều kiện cho các gia đình thay đổi quan niệm về công tác khuyến học. Những thay đổi đó có tác dụng trực tiếp ngay trong việc dạy dỗ con cái. Tư tưởng “khoán trắng” việc học hành cho nhà trường và thầy cô giáo đã dần thay đổi bằng sự phối hợp ngày càng tốt hơn giữa nhà trường- gia đình và xã hội trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. Dự họp phụ huynh học sinh thường xuyên, cuốn sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường luôn được ghi chép, trao đổi hai chiều đã giúp các cháu nhận được sự giáo dục vừa mang tính chất “khép kín” giữa gia đình và nhà trường, vừa có “độ mở” ra ngoài xã hội, phù hợp với kiến thức học vấn và chuẩn mực của đạo đức xã hội.
Toàn tỉnh có trên 650 trường và cơ sở GD với trên 16 ngàn cán bộ giáo viên. Đội ngũ này đang cần mẫn bồi đắp tri thức, rèn luyện đạo đức cho thế hệ trẻ. Song họ không thể thay thế cho trên 166.000 hộ gia đình, từng ngày từng giờ nuôi dưỡng thể chất, bồi dưỡng tâm hồn cho các thế hệ nối tiếp. Các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị biểu dương các gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học; nhiều tham luận tốt và bổ ích, nhiều kinh nghiệm hay về công tác khuyến học trong gia đình đã được phổ biến rộng rãi bằng các kênh thông tin khác nhau. Mặc dù “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, song nên nhớ rằng con cái thành đạt bao giờ cũng từ chiếc nôi của gia đình.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()