Vai trò của công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi và xử lý môi trường nông thôn
Ngày 22/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi và xử lý môi trường nông thôn" do Cục Thông tin Khoa học và công nghệ quốc gia tổ chức. Hội thảo được kết nối trực tuyến với 3 đầu cầu, gồm: Sở Khoa học và công nghệ Tp.Cần Thơ; Cục Công tác phía Nam và Sở Khoa học, công nghệ Tp.Đà Nẵng.
Hình ảnh tại buổi hội thảo. (Ảnh: K.D) |
Tại hội thảo và 3 đầu cầu, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trình bày về tác dụng của đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Theo đó, khi chăn nuôi theo mô hình này, gia súc, gia cầm được sống trong môi trường gần với tự nhiên, bởi vì đệm lót sinh học sẽ đáp ứng một số thói quen sinh hoạt nguyên thủy của vật nuôi.
Ưu điểm của kỹ thuật chăn nuôi bằng đệm lót sinh học còn ở chỗ chuồng nuôi không có mùi hôi, không phát thải, không ô nhiễm do hầu hết phân và nước tiểu vật nuôi được được các vi khuẩn có lợi phân giải rồi thấm vào lớp lót.
Ngoài ra, mô hình còn có ưu điểm là tiết kiệm được thức ăn do hệ thống tiêu hóa của vật nuôi trên đệm lót sinh học phát triển sớm và hoàn thiện hơn, tỉ lệ hấp thụ tiêu hóa thức ăn được nâng cao một cách rõ rệt do những vi sinh vật có lợi trong lớp đệm lót có vai trò thúc đẩy việc hấp thụ tiêu hóa thức ăn.
Cũng theo các chuyên gia, trong điều kiện thời tiết với nhiệt độ thấp vào mùa đông thì ưu thế này càng rõ rệt, bởi vì đệm lót sinh học là một lớp đệm tương đối ấm áp do lên men tỏa nhiệt nên năng lượng vật nuôi phải tiêu hao để chống lạnh giảm đáng kể, vì thế, việc tiết kiệm lượng thức ăn được thể hiện rõ hơn trong thời tiết với nhiệt độ thấp.
Bên cạnh đó, mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôicòn giúp giảm dư lượng hocmon, nâng cao chất lượng thịt chăn nuôi. Bởi khi vật nuôi ăn protein thể khuẩn trong tấm lót, không chỉ tiết kiệm được thức ăn mà còn rèn luyện cơ thể, vì thế, thịt của vật nuôi là thịt tự nhiên. Hơn nữa, do dịch bệnh ở vật nuôi được giảm xuống khi dùng đệm lót sinh học, giúp cho việc sử dụng thuốc cũng ít và dư lượng thuốc trong vật nuôi thấp. Thêm vào đó, số lượng vi khuẩn có ích trong lớp lót tương đối cao, giúp loại bỏ dư lượng chất kích thích trong cơ thể vật nuôi, khiến chất lượng thịt của vật nuôi được cải thiện rõ rệt.
Đặc biệt, mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi còntiết kiệm được sức lao động vì sau khi sử dụng đệm lót sinh học, không cần phải thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi. Điều này giúp cho môi trường sống của người lao động được cải thiện đáng kể.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()