tle=”Vải thiều VietGap giá cao, ổn định”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Những chiếc công-ten-nơ nối dài chờ hàng. Những chồng thùng xốp chờ đóng gói. Những dòng xe máy chở sọt vải thiều ngập đầu người nhẫn nại chờ cân hàng, Người mua, bán tấp nập suốt dọc đường vào trung tâm huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Vụ vải thiều 2011 đã bắt đầu. Mỗi ngày một giá, mỗi buổi một giá, thậm chí mỗi đại lý mua một giá. Nông dân thiều thấp thỏm nhìn giá lên, xuống. Về Lục Ngạn tháng 7, mới thấy hết “sức nóng” của “kinh đô” của vải thiều.
Đại lý đủ hàng, ép giá
8h sáng 6-7, phố Kim vốn thưa thớt khách giờ trở thành chợ mua bán vải thiều lớn. Đây là thời điểm sôi động nhất của chợ vải thiều. Từng đoàn xe ô tô lớn đậu sát các điểm tập kết hàng. Những địa điểm hai bên phố vốn là cửa hàng sửa chữa điện tử, cửa hàng tạp hóa…. trở thành các đại lý thu mua vải thiều của cả thương nhân người Việt lẫn người Trung Quốc. Ước tính có đến vài chục điểm thu mua như thế này chỉ riêng khu phố Kim. Không có cảnh tắc đường nhưng các phương tiện giao thông khá vất vả để lách qua trục đường này. Cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng được huy động 'vào cuộc' để hướng dẫn người dân và bảo đảm trật tự an tòan giao thông.
Nhích từng bánh xe máy để tiến tới gần một điểm thu mua, anh Hoàng Văn Hà, thôn Mào Gà, xã Phượng Sơn, Lục Ngạn sốt ruột chờ đến lượt 'đổ' sọt 70 cân vải thiều thứ hai trong ngày cho đại lý. Vào vụ, cả năm người nhà anh Hà chỉ quanh việc bó buộc vải thiều, thuê ba người để vặt vải cho nên mấy ngày nay, một mình anh Hà 'chuyên' nhiệm vụ chở vải đi bán.
'Mấy hôm rồi bốn chuyến một ngày. Chắc hôm nay chỉ ba chuyến thôi, vì thấy các đại lý đã đầy nhà vải thiều rồi. Chuyến thứ nhất được tới chín nghìn đồng/kg, còn chuyến thứ hai chủ mua trả sụt xuống còn bảy nghìn. Không biết, ngày mai, tình hình giá có khá khẩm hơn không?'. Lo lắng thế, anh quay nhanh xe, lách khỏi dòng xe máy đứng kín hai bên đường bởi vì còn về vườn, vặt tiếp vải, làm chuyến thứ ba nữa. Mỗi ngày ba, bốn chuyến mới kịp thu hoạch hết sản lượng ước tính gần 20 tấn của hơn 400 cây vải thiều nhà anh Hà.
Từ sáng sớm, người dân từ các xã lân cận Phượng Sơn, thị trấn Chũ, xã Nghĩa Hồ, xã Hồng Giang của Lục Ngạn…, nườm nượp đi bán vải thiều. Nhìn sọt vải, đại lý chuyên đóng hàng chở vào Nam hay về Hà Nội tiêu thụ thường mặc cả về giá với người bán. Hơn nữa, theo anh Hà, chủ thu mua thấy người dân chở vải kìn kìn, với tâm lý 'mong bán nhanh còn đi bán tiếp' cho nên cũng có hiện tượng ép giá.
Chúng tôi đi tiếp ba cây số tới khu vực xã Giáp Sơn, đây là khu vực thu mua vải thiều tập trung lớn của huyện Lục Ngạn. Ở cùng thời điểm với khu vực phố Kim, giá mỗi kg vải thiều ở đây thường dao động trong khoảng 12.000-14.000 đồng. Hỏi anh Vi Văn Thống, dân tộc Nùng, người thôn Muối, xã Giáp Sơn vừa chở hàng đến, anh Thống bảo: 'Trên khu vực này, người bán vải thiều có mã đẹp hơn cho nên bán được giá hơn. Nhưng cũng bấp bênh lắm. Sọt vừa bán cách đây ba tiếng là 12.000 đồng/kg, giờ đại lý chỉ trả Ǝ.000 đồng/kg'. Thấy vậy, anh Thống và mấy người làng mang vải đi bán đành chờ bên đường và hy vọng, như anh nói: 'Chờ cho vãn người bán, có thể đại lý sẽ trả giá cao hơn'.
Toàn huyện có 18 nghìn ha vải thiều, sản lượng năm nay ước đạt 80-90 nghìn tấn. Tuy khâu tiêu thụ của bà con nông dân có thuận tiện là không phải vận chuyển như những địa bàn khác, các hộ dân chỉ thu hoạch vải và mang tới điểm tập kết, thu mua vải thiều bán nhưng lại xảy ra tình trạng bị ép giá.
Vải VietGap giá cao hơn
Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho rằng, những nơi áp dụng quy trình sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thường có quả vải vỏ mầu hồng đẹp, không sâu bệnh, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Xã Hồng Giang, một trong những địa phương triển khai sản xuất vải theo quy trình VietGAP đầu tiên của huyện Lục Ngạn, thu được kết quả khả quan. Vải được mùa, trong khi giá bấp bênh đang là nỗi lo với nhiều người trồng vải ở Lục Ngạn, nhưng xã viên HTX Hồng Xuân, thôn Kép 1, xã Hồng Giang lại vui mừng.
Ông Dương Xuân Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Giang cho biết: 'Toàn xã có 310 ha vải thiều, ở 11 thôn đều áp dụng quy trình sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn Việt GAP; Mấy năm gần đây, giá trị mỗi kg vải bán tại vườn đều cao hơn gấp đôi giá vải ở những nơi không áp dụng quy trình này'.
Theo ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, theo tiêu chuẩn này, cây vải sẽ được chăm sóc khoa học, tạo ra những quả vải sạch, có giá thị thương phẩm cao, được thị trường ưa chuộng. Để nâng cao chất lượng quả vải, vụ này, Lục Ngạn đã mở rộng diện tích sản xuất vải thiều sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP lên 5.700 ha với gần 8.000 hộ tham gia, tăng 1.700 ha so với năm 2010.
Gia đình chị Đặng Thị Thơm, 37 tuổi ở thôn Cầu Cao, xã Quý Sơn, Lục Ngạn có hơn 5000 m2 trồng vải, dự tính vụ năm nay thu hoạch khoảng 10 tấn vải. Áp dụng trồng vải theo VietGAP được nhiều năm nên gia đình chị Thơm đã có kinh nghiệm xử lý sâu đục cuối quả. Thế nên, dù một mình chăm sóc vườn vải nhưng năng suất vải thiều của nhà chị đạt rất cao, chất lượng quả to đều, mẫu mã sáng đẹp, ăn thơm ngon. Năm ngoái, thương lái vào tận vườn mua vải còn năm nay, nhà chở vải thiều ra điểm thu mua nhưng giá vẫn được 14 nghìn/kg. Tại mười điểm thu mua của thương lái Trung Quốc nằm rải rác chung quanh phố Kim, mức giá này tương đối ổn định trong mấy ngày đầu của vụ thu hoạch vải thiều Lục Ngạn.
Ông Thân Nhân Tôn, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, sản lượng vải thiều năm nay đạt khoảng 90.000 tấn, cao gấp rưỡi năm ngoái. 40% tổng sản lượng được tiêu thụ trong nước. Số còn lại được xuất khẩu, chủ yếu vào thị trường truyền thống Trung Quốc, chủ yếu theo đường chính ngạch. Để giúp bà con nông dân tiêu thụ vải kịp thời, được giá, tỉnh Bắc Giang có chủ trương cho phép thương lái Trung Quốc trực tiếp mua vải tại chỗ với số lượng lớn, giá ổn định chứ không ép giá.
Nhiều cách tiếp cận thị trường
Tỉnh đã tổ chức Đoàn xúc tiến tiêu thụ vải thiều đến làm việc với các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn và một số cơ quan, thương nhân Trung Quốc để phối hợp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá nói chung và xuất khẩu vải thiều nói riêng sang thị trường Trung Quốc.
Năm nay, để đưa vải thiều sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, tỉnh đã làm việc với hải quan cửa khẩu để làm sao khâu thông quan được thuận tiện, nhanh chóng , không gây thiệt hại cho nông dân… Thủ tục xuất khẩu vải thiều chính ngạch hiện nay tương đối thuận lợi. Ngược lại, nếu xuất khẩu tiểu ngạch, bên bán dễ bị ép giá, có thể không tiêu thụ được sản phẩm khi đã đưa hàng đến biên giới. .
Năm nay, thị trường vải thiều cũng được chú trọng trong nước, vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và miền Trung. Để bảo đảm tốt đầu ra, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đang mở thêm một số thị trường mới, đồng thời tăng cường tỷ lệ vải chế biến xuất khẩu. Quả vải tươi, vải khô, vải đóng hộp sẽ được đưa sang một số nước Châu Âu, Mỹ, Nhật và một số nước Đông Âu.
Ông Liêu Xuân Hoà, Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn đưa ra nhiều cách để đưa vải thiều tiếp cận thị trường. Trong đó, cuối tháng 6 vừa qua, Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn phối hợp với Sàn giao dịch kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm – Công ty Phố Chợ (ở Phường Mai Dịch – Quận Cầu Giấy – Hà Nội) tổ chức hội nghị quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại cho vải thiều Lục Ngạn. Đến nay, sau một tuần đầu của vụ thu hoạch vải thiều, mỗi ngày sàn giao dịch này mới chỉ tiêu thụ được một tấn vải thiều.
Tuy nhiên, số lượng vải thiều bước đầu như vậy cũng là được cho là khả quan, để dần dần tiếp cận và quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn tới khách hàng Thủ đô, ông Liêu Xuân Hoà chia sẻ.
Một thị trường tiêu thụ vải thiều được Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn kỳ vọng nhiều và giá ổn định là hệ thống siêu thị. Quả vải thiều có đặc điểm bảo quản không lâu, để vài ngày, quả vải bị xấu mã. Vấn đề bảo quản vải thiều sau thu hoạch cũng đặt ra bài toán và sự hợp tác của các nhà khoa học. Lo lắng về vấn đề bảo quản khiến cho các siêu thị rất muốn quảng bá vải thiều nhưng vẫn chần chừ việc đặt hàng. Cuối tháng 6, đại diện của siêu thị Coop-mart cũng 'mục sở thị' 'kinh đô' vải thiều nhưng kế hoạch đưa vải thiều vào siêu thị vẫn không có hồi âm…
Ông Liêu Xuân Hoà, Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn:
Thời điểm này mới được gần một tuần thu hoạch, trong khi vụ vải thiều Lục Ngạn năm nay dự tính sẽ kéo dài hơn một tháng. Vải thiều phần lớn hiện có mầu sắc chưa đẹp, còn chưa đỏ đều. Khoảng một tuần nữa, vải sẽ có vỏ mầu đẹp hơn nhiều. Hơn nữa, vỏ quả vải thiều mầu đỏ đều được giá cao hơn. Thấy các nhà bán, bà con vẫn sốt ruột vặt vải thiều bán sớm. Vì thế, ông Liêu Xuân Hòa khuyến cáo bà con nông dân, thời điểm này không nên ồ ạt bán vải thiều
Theo Nhandan
Ý kiến ()