Vải thiều Lục Ngạn mất mùa
Mùa vải thiều năm 2024 tại Bắc Giang, tỷ lệ cây vải ra hoa, đậu quả rất thấp. Huyện Lục Ngạn có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước với hơn 17.300 ha, là cây trồng chủ lực của địa phương. Trong bối cảnh đó, chính quyền địa phương đang khẩn trương đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất, hạn chế ảnh hưởng do cây vải mất mùa...
Sản lượng vải thiều giảm mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân, trực tiếp là người dân trồng vải và các hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu thụ, chế biến vải thiều.
Những khó khăn được dự báo
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mùa đông năm 2023-2024 mặc dù vẫn có các đợt lạnh dưới 100C, nhưng so với trung bình nhiều năm thì nền nhiệt cao hơn khoảng 1,50C, điều này đã ảnh hưởng quá trình phân hóa mầm hoa cây vải. Ngoài ra, từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2/2024 lại xuất hiện các đợt không khí lạnh ngắn, kèm theo mưa nhỏ kéo dài khiến độ ẩm không khí, độ ẩm đất lên cao dẫn đến cây vải ra lộc sớm trên diện rộng và làm giảm mật độ ra hoa, tỷ lệ ra hoa vải thiều chính vụ toàn huyện Lục Ngạn chỉ đạt từ 10 đến 20%.
Nhiều năm qua, gia đình ông Ngô Văn Hùng ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải trồng hơn 2 ha vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Những năm trước, bình quân vườn vải này cho thu khoảng gần 200 triệu đồng/năm thì năm nay cả khu vườn gần như mất trắng vì cây không ra hoa. Ông Hùng cho biết, mấy chục năm trồng vải nhưng chưa khi nào vải mất mùa toàn bộ vườn như năm nay, trong khi nguồn thu nhập chính của gia đình đều trông vào cây vải này nên kinh tế của gia đình sẽ gặp khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Hùng đã ngừng chăm sóc vải để chờ vụ tới. “Vải không ra quả cho nên chúng tôi chỉ thi thoảng phát quang cỏ trong vườn và dừng toàn bộ hoạt động chăm sóc khác như tưới, bón phân, phun thuốc. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, gia đình sẽ tập trung chăm sóc vườn bưởi hơn 5 sào và chú trọng hơn đến chăn nuôi ngựa, gà và trồng ngô với hy vọng có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống”, ông Hùng nói.
Cũng như gia đình ông Hùng, năm nay nhiều hộ dân trồng vải trên đất Lục Ngạn gặp tình trạng tương tự. Do vải thiều không ra hoa hoặc tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt rất thấp, cho nên người dân giảm chăm bón cây hoặc tạm ngừng hẳn. Ông Giáp Hồng Đăng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Hải cho biết: “Người dân trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn thu nhập chính từ cây vải thiều, bên cạnh một phần nhỏ diện tích cấy lúa và trồng ngô, rau màu, trồng rừng.
Do vải mất mùa cho nên cuộc sống của bà con sẽ gặp nhiều khó khăn, một số người đã chủ động tìm việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp. Chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động bà con tập trung trồng, chăm sóc cây ngắn ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm để có thêm thu nhập”.
Kịp thời hỗ trợ nông dân
Theo đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn, mặc dù tỷ lệ cây vải ra hoa, đậu quả đạt thấp, song trên địa bàn huyện còn một số cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: Cam, bưởi (diện tích hơn 4.000 ha), 300 ha ổi, 150 ha chuối, 85 ha na và hơn 1.500 ha các loại cây trồng khác (bơ, nho, thanh long, mít, trám, hồng, xoài... với sản lượng khoảng 10 nghìn tấn/năm). Chưa kể, toàn huyện có hơn 4.000 con trâu, hơn 3.700 con bò, gần 15.000 con ngựa, dê, đàn lợn hơn 41.000 con và khoảng 1,4 triệu con gia cầm. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tập trung hỗ trợ phát triển đa dạng các hình thức sản xuất nông nghiệp để giúp người dân nâng cao thu nhập và tiếp tục ổn định đời sống.
Nhận định năm nay tình hình sẽ có nhiều khó khăn, Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa dạng và nâng chất lượng sản phẩm để bù đắp vào sản lượng vải thiều thất thu.
Theo đó, với những diện tích vải thiều đang trong giai đoạn phát triển quả non, cơ quan chuyên môn hướng dẫn, khuyến cáo người dân tập trung các biện pháp chăm sóc, tưới nước đủ ẩm, vệ sinh vườn đồi, tỉa bỏ cành bị sâu bệnh nhằm hạn chế lưu trú của sâu bệnh hại. Đồng thời bón phân cân đối nhằm hạn chế rụng quả, phòng trừ kịp thời sâu bệnh trong giai đoạn đậu quả. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích cây ăn quả khác như: cây có múi, táo, nhãn, na, ổi, chuối, hồng và một số cây lâm nghiệp (măng lục trúc, măng bát độ, trám...). Địa phương cũng chú trọng sản xuất các loại cây rau, màu gồm: khoai lang, ngô, rau các loại, khoai tây...
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ-Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết, do vải mất mùa cho nên nhiệm vụ xây dựng mô hình sản xuất vải theo hướng hữu cơ tại một số xã trên địa bàn không khả thi, huyện đã linh hoạt chuyển nguồn kinh phí đó sang thực hiện các mô hình hỗ trợ nông dân trồng ngô lai và nuôi gà trống thiến. Đặc biệt, trung tâm đang thực hiện mô hình hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột an toàn quy mô 27 ha/vụ đối với 354 hộ thuộc địa bàn các xã: Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Vân, Hộ Đáp, tổng kinh phí thực hiện hơn 3,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là hơn 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ giống, vật tư, còn lại là vốn đối ứng của bên tham gia liên kết. Sản phẩm được một đơn vị ký hợp đồng tiêu thụ ổn định và dự kiến người nông dân sẽ thu lãi hơn 6,4 triệu đồng/sào.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ-Kỹ thuật nông nghiệp sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp triển khai hỗ trợ người dân các giống cây lương thực ngắn ngày chất lượng cao như: ngô, lúa... Ngoài ra, tích cực lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Về chăn nuôi, cơ quan chuyên môn hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi dúi, ngựa và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại, kết hợp tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Địa phương sẽ tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học-kỹ thuật, xây dựng và chuyển giao các mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Ý kiến ()