Vải thiều Lục Ngạn dễ tiêu thụ, hút khách du lịch
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Thái Hoà) |
Vải thiều được sản xuất theo hướng hữu cơ là không sử dụng thuốc BVTV và phân bón có nguồn gốc hóa học. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn, vải thiều sản xuất theo hướng hữu cơ cho quả to, ngọt, năng xuất cao, màu đẹp, dễ tiêu thụ; được nhiều doanh nghiệp bao tiêu; giá bán cao gấp đôi giá trên thị trường; thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm.
Đồng chí Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, 100% sản phẩm vải thiều của huyện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ đều đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác. Để quảng bá mạnh hơn hình ảnh vải thiều Lục Ngạn, năm 2022 UBND huyện đã chọn 40 nhà vườn tiêu biểu, sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ để đưa các đoàn khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm và mua sản phẩm vải thiều tại vườn; trung bình mỗi tuần có hơn 10 nghìn người đến Lục Ngạn thăm quan, trải nghiệm.
Tiêu biểu như một số nhà vườn sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ ở thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn. Các vườn vải ở đây đều tạo được cảnh quan xanh sạch, vải sai, mã đẹp, quả to đều, ăn ngon dịu, thơm mát. Ngay từ đầu vụ, ngày nào cũng nhộn nhịp khách đến thăm quan, trải nghiệm; thưởng thức những trái vải ngay tại vườn và mua luôn vải thiều ngay tại vườn. Từ năm 2020, ở thôn Đồng Giao đã thành lập Tổ hợp tác (THT) sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ; sản phẩm vải thiều của THT đã được phía Nhật Bản đồng ý cấp mã vùng trồng để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nơi khó tiêu thụ vải thiều, nhưng vải thiều ở THT thôn Đồng Giao vẫn được thu mua xuất khẩu với giá cao, ổn định. Vụ vải thiều năm nay, một số Công ty trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng thu mua với giá từ 30.000 đồng đến 35,000 đồng/kg.
Cùng với đó, một số nhà vườn cũng sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ, như của Hợp hác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Hải ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải. Vụ vải năm nay kể cả những lúc thu hoạch rộ, một số gia đình không phải đem vải thiều ra chợ bán là nhờ trước đó một số công ty, thương nhân và khách hàng quen đã đến đặt mua trước với giá cao, giao nhận hàng tại vườn rồi vận chuyển đi. Tuy là cơ sở ở cách xa huyện nhưng hàng tuần cũng có hàng trăm khách đến thăm quan, trải nghiệm, trực tiếp thưởng thức trái vải và mua vải tươi tại vườn… Thực tế trên ở huyện Lục Ngạn cho thấy sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ đã tạo được ra môi trường xanh sạch, giá sản phẩm cao, dễ bán; thu hút khách du lịch đông.
Đồng chí Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cũng cho biết, sản lượng vải thiều của toàn huyện năm nay ước đạt 120 nghìn tấn. Đến ngày 10/7/2022, toàn huyện đã tiêu thụ được gần 80 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu 35 nghìn tấn, chiếm tỷ lệ trên 40%; giá bán bình quân từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, có lúc giá bán cao trên 35.000 đồng/kg. Từ kết quả của sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ hỗ trợ huyện Lục Ngạn xây dựng 3 mô hình sản xuất vải hữu cơ, quy mô tối thiểu 10ha/ mô hình, mức hỗ trợ 600 triệu đồng/mô hình trong ba năm đầu. UBND huyện Lục Ngạn cũng chỉ đạo các ngành chức năng của huyện khảo sát địa điểm để xây dựng các mô hình sản xuất vải thiều hữu cơ tại 3 xã là Giáp Sơn, Tân Sơn và Quý Sơn. Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có khoảng 50 ha sản xuất vải thiều được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ./.
Ý kiến ()