Vải thiều Hữu Lũng: Cần tập trung nâng cao chất lượng
LSO - Vải thiều Hữu Lũng từng được coi là loại cây trồng mũi nhọn, nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng được mùa cách năm, được mùa rớt giá, được giá thì mất mùa đã tạo tâm lý chán nản cho người trồng vải, chất lượng và mẫu mã quả vải do không được quan tâm, đầu tư ngày càng giảm sút. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải có chương trình phát triển tổng thể, dài hơi cho cây vải thiều nhằm nâng cao năng suất cũng như sản lượng vải để cây vải trở lại là “cây vàng” mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân như thời gian trước.
Người dân thu hoạch vải bán cho tư thương
Bà Từ Thị Thái, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết: 6 tháng đầu năm 2015, toàn huyện Hữu Lũng chỉ trồng mới được 0,3 ha vải thiều, qua đó nâng tổng diện tích vải thiều của toàn huyện Hữu Lũng lên 1.932,5 ha. Con số này so với 10 năm về trước thì tụt gần 4.000 ha. (năm 2004 cả huyện Hữu Lũng có gần 6.000 ha cây vải).
Theo tính toán của phòng nông nghiệp huyện, trung bình mỗi năm, diện tích vải thiều ở Hữu Lũng giảm 300 ha trở lên. Nguyên nhân giảm là do giá vải quả quá thấp, “thu không đủ chi” nên người trồng vải không còn mặn mà với cây vải thiều. Giá cả bấp bênh, đầu ra lại không ổn định nên người trồng vải không tập trung chăm sóc, tỉa cành, bón phân, phun thuốc trừ sâu… khiến cây vải không có chất để giữ quả. Những quả đậu thì chất lượng và sản lượng quả cũng không cao. Nếu như những mùa vải trước đây thường đạt khoảng 50 tạ/ha thì trong một vài năm trở lại đây chỉ đạt 25 đến 30 tạ/ha. Tổng sản lượng vụ vải năm nay đạt khoảng 9.000 tấn, sản lượng này so với vài năm trước cũng đã giảm nhiều. Thời điểm đầu tháng 6 – thời điểm vải thu hoạch rộ nhất thì giá thu mua tại vườn cũng chỉ được 4.000 – 5.000 đồng/kg, còn thu mua có chọn lựa giá cũng chỉ ở mức 7.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Phương, ở xã Sơn Hà cho biết: Năm nay do thời tiết nên chất lượng quả vải rất kém, nếu như trước kia, chúng tôi mang đến đại lý cân thường trên 10.000 đồng/kg nhưng từ hai, ba năm nay, vải loại ngon nhất, quả to đều, vỏ mọng, hạt nhỏ cũng chỉ được khoảng 5.000 đến 6.000 đồng/kg; loại xấu hơn thì chỉ bán được từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Với giá bán thế này thì chưa đủ tiền trả công hái vải chứ đừng tính đến chuyện có lãi bởi hiện tại giá thuê nhân công hái vải vào khoảng 150 nghìn đồng/công/ngày; một vườn vải với 500 gốc cần 5 người hái từ 2 – 3 ngày mới xong. Vì vậy, nhiều gia đình trồng vải không có người thu hái, phải đi thuê thì với giá như hiện nay họ sẽ không hái, cứ để chín tại vườn với hy vọng may ra thì có tư thương đến thu mua tại vườn. Giá vải thiều Hữu Lũng thấp có nhiều nguyên do, có thể do thời tiết khiến mẫu mã quả vải xấu và cũng có thể do tư thương ép giá… Nhưng qua tìm hiểu chính các tư thương thu mua vải, được biết, vải thiều Hữu Lũng quả thường nhỏ hơn vải thiều Thanh Hà hay Lục Ngạn, vì vậy, giá của vải thiều Hữu Lũng không thể bằng được 2 “thương hiệu” vải trên. Không chỉ mẫu mã không đẹp, giá vải thiều Hữu Lũng thấp cũng một phần là do chưa có thương hiệu, chưa được bảo hộ, đồng thời, cách trồng, chăm sóc và cả thu hoạch cũng không theo “quy trình sạch”.
Trao đổi về “quy trình sạch” trong khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch vải thiều, ông Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết rằng: chúng ta phải tự đặt câu hỏi tại sao vải thiều Lục Ngạn luôn vượt trội? Câu trả lời cho vấn đề này bao gồm nhiều khía cạnh. Nhưng điều dễ nhận thấy hơn cả chính là nhờ áp dụng sớm, đồng bộ nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, thu hoạch và bảo quản vải thiều. Vì thế, giá bán vải thiều Lục Ngạn ra thị trường trong nước cũng như xuất khẩu hằng năm luôn cao hơn vải các vùng khác từ 5.000–10.000 đồng/kg.
Điều này cũng được chính các cán bộ Phòng NN&PTNT huyện công nhận. Qua tham quan các vườn vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), cây vải luôn được cắt tỉa, các chùm quả rất đều, đẹp. Gốc cây sạch bóng lá, cành cây. Đây chính là thành quả nhiều năm áp dụng quy trình sản xuất vải thiều VietGAP mà Sở NN&PTNT Bắc Giang phối hợp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) hướng dẫn người dân thực hiện tại các vùng chuyên canh vải thiều. Bí quyết làm nên sự nổi tiếng của thương hiệu vải thiều Lục Ngạn không chỉ nhờ đất đai, thổ nhưỡng sẵn có mà còn nhờ vào việc đầu tư áp dụng công nghệ sản xuất và phòng trừ sâu bệnh, thực hành nông nghiệp tốt. Ngoài ra, người trồng vải ở Lục Ngạn thu hoạch vải cũng rất khác biệt, họ thu hoạch bằng phương pháp kết hợp cơ học và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật: Người dân thường đeo gùi hay giỏ tre khi thu hoạch vải, chứ không vứt, bỏ trực tiếp xuống đất như các vùng khác dễ bị giập, hỏng.
Vải thiều Hữu Lũng có một ưu thế vượt trội vải thiều Lục Ngạn, đó là lượng đường của vải thiều Hữu Lũng cao hơn các loại vải khác, đây là yếu tố có thể cạnh tranh được với vải thiều Lục Ngạn và Thanh Hà. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh thì ngành chức năng Hữu Lũng cũng như của tỉnh cần nghiên cứu, nhanh chóng triển khai xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo quy trình VietGap. Có được như vậy, chất lượng vải thiều Hữu Lũng mới có thể được nâng lên và đảm bảo đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với giá trị kinh tế của vải thiều cũng sẽ nâng lên.
Bài, ảnh: Trí Dũng
Ý kiến ()